Đã thành lệ hằng năm của người dân cửa biển xã Bình Châu, huyện Bình Sơn đầu xuân mới, người dân tụ họp từ sáng sớm tại cửa biển Sa Kỳ để tham gia buổi lễ quan trọng nhất trong năm: “Lễ ra quân khai thác đánh bắt hải sản đầu năm” với mong muốn một năm mưa thuận gió hòa, lộc biển dồi dào.

Phát biểu tại lễ ra quân, ông Phùng Bá Vương - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết, xã Bình Châu là có đường bờ biển dài 17km, có nghề khai thác hải sản truyền thống và lâu đời. Toàn xã có 9 thôn, dân số trên 16.400 người, lực lượng lao động dồi dào, số lao động chuyên làm biển khoảng 1.700 người, số đoàn viên tham gia Nghiệp đoàn nghề cá là trên 1.300 đoàn viên. Toàn xã có 483 chiếc tàu, còn lại một số thuyền nhỏ và thúng nan. Dịch vụ hậu cần nghề cá tương đối phát triển giải quyết việc làm cho khoảng 1.600 lao động trong và ngoài xã.

“Về khai thác khơi xa, xác định 2 ngư trường truyền thống là Trường Sa và Hoàng Sa nên nhân dân mạnh dạn đóng mới tàu, cải hoán, nâng công suất tàu để ra khơi đánh bắt hải sản. Các tàu công suất lớn bám biển dài ngày, vừa khai thác hải sản, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Bên cạnh đó, được thiên nhiên ưu đãi và sự quyết tâm cao của chính quyền, nhân dân đã làm tốt công tác bảo vệ hệ sinh thái gần bờ, tạo điều kiện cho ngư dân khai thác hải sản. Tổng sản lượng khai thác đánh bắt trong năm đạt 20.700 tấn hải sản”, ông Vương chia sẻ thêm.

leftcenterrightdel
 Cá được đưa lên bờ bán cho thương lái

Tại lễ ra quân, ông Ung Đình Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, chúc ngư dân ra khơi thuận lợi, tàu về đầy ắp cá. Ông đề nghị các ngư dân tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển, tích cực hưởng ứng chống khai thác khải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). “Tôi mong rằng các ngư dân tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết bám biển, hình thành nhiều các đội, tổ sản xuất trên biển để giúp nhau trong lúc hoạn nạn, tai nạn trên biển, nâng cao hiệu quả khai thác trên biển, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản ngư dân và nói không với các vấn đề tiêu cực trong sử dụng thuốc nổ…”, ông Hiền nói.

Sau lễ ra quân, nhiều phương tiện đã chuẩn bị sẵn sàng xuất bến đầu năm. Đại diện ngư dân ra quân đầu năm, ngư dân Võ Văn Hân - chủ tàu QNg-90625 TS, cam kết các ngư dân ra khơi chấp hành nghiêm chủ trương của Nhà nước, khai thác đúng ngư trường, các thuyền viên đoàn kết, khai thác bám biển góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Các tàu cá đang lấy đá, nhiên liệu, lương thực để ra khơi đánh bắt cá, dự kiến thời gian xuất bến từ mùng 10 tháng Giêng đến qua Rằm Tháng Giêng, các tàu đi khai thác ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa đều xuất bến.

Tại xã Bình Chánh, ngay sau những hồi trống lệnh, đoàn tàu thuyền của ngư dân địa phương đã nối tiếp nhau tiến ra cửa biển, vào mùa khai thác hải sản năm 2023 trong tiếng trống, tiếng hò reo rộn rã, với quyết tâm đánh bắt được nhiều cá, mực. Trước đó UBND xã cũng đã phối hợp với lăng vạn thực hiện các nghi Lễ tế Thần Nam Hải và Lễ cầu ngư để cầu mong quốc thái dân an, trời yên biển lặng, mưa thuận gió hoà, ngư dân có một mùa đánh bắt bội thu. 

Xã Bình Chánh hiện có 137 chiếc tàu thuyền với tổng công suất suất trên 89.500 CV hoạt động đánh bắt hải sản với các nghề câu mực, chụp mực, lưới vây và mành đèn. Trong đó tàu có 125 tàu có công suất từ 400 CV đến 1.442 CV có 125 chiếc. Phần lớn các tàu thuyền ở xã có công suất lớn, chuyên hoạt động đánh bắt xa bờ ở các ngư trường Hoàng sa, Trường Sa. Bình quân mỗi năm ngư dân khai thác trên 3500 tấn hải sản các loại; trong đó sản lượng mực khô chiếm hơn 95%. Tổng giá trị ước đạt khoảng trên 532 tỷ đồng.

Lễ ra quân đánh bắt hải sản đầu năm là hoạt động truyền thống nhằm động viên ngư dân tích cực bám biển, bám ngư trường phát triển kinh tế gia đình và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

leftcenterrightdel
Ngư dân vươn khơi đánh bắt hải sản 

Như Đồng

Đài Truyền thanh Sơn Tịnh – Quảng Ngãi