Vụ Hè Thu 2024 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, các đơn vị chuyên môn bám sát cơ sở, phối hợp với các địa phương trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện sản xuất, hướng dẫn chăm sóc, phòng, trừ dịch hại cây trồng, bảo vệ an toàn sản xuất vụ Hè Thu đạt kết quả tốt. Tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh 44.864 ha/kế hoạch 44.571 ha, đạt 100,7% kế hoạch. Năng suất đạt 52,35 tạ/ha (tăng 2,07 tạ/ha so với vụ Hè Thu năm 2023), sản lượng lương thực đạt 234.861 tấn (tăng 4,0% so với năm 2023).

 

Vụ Hè thu năm 2025 được dự đoán có nhiều điều kiện thuận lợi như: các tiến bộ kỹ thuật về giống, tiêu chuẩn sản xuất an toàn(hữu cơ, VietGAP) ngày càng khẳng định được hiệu quả, cơ giới hóa trong nông nghiệp được ứng dụng rộng rãi; nguồn nước ở các hồ đập cơ bản đáp ứng lượng tưới phục vụ sản xuất lúa hè thu; bộ giống cây trồng đa dạng về chủng loại, năng suất cao, chất lượng tốt và thích ứng với điều kiện canh tác tại địa phương; giá phân bón giảm;... Tuy nhiên, vụ Hè Thu 2025 vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: hạn hán cục bộ ở một số diện tích lúa cuối kênh, cao cưỡng; nắng nóng gay gắt giai đoạn lúa trổ bông và mưa bão gây ngập úng, đổ ngã giai đoạn thu hoạch; hình thái thời tiết nắng nóng kéo dài kèm với hạn hạn có thể xẩy ra làm ảnh hưởng đến tiến độ xuống giống và sinh trưởng, phát triển của cây trồng cạn. Các đối tượng dịch hại thường xuyên xuất hiện, không theo quy luật (sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh bạc lá vi khuẩn và nguy cơ của bệnh lùn sọc đen, vàng lá di động trên lúa; sâu keo mù thu trên ngô…), tiềm ẩn nguy cơ phát sinh gây hại làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng.

 

Trên cơ sở nhận định các yếu tố thuận lợi và khó khăn, Hà Tĩnh phấn đấu tổng diện tích gieo trồng đạt 55.986 ha, sản lượng lương thực 294.425 tấn. Trong đó, lúa hè thu có diện tích 45.170 ha, sản lượng phấn đấu đạt trên 236.300 tấn; cây trồng cạn có diện tích 10.681 ha, sản lượng 57.852 tấn; lúa mùa diện tích 135 ha, sản lượng phấn đấu đạt 273 tấn.

 

Để đảm bảo sản xuất vụ Hè Thu 2025 đạt và vượt kế hoạch đề ra cần chủ động triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các giải pháp sản xuất; huy động mọi nguồn lực thu hoạch nhanh gọn lúa vụ Xuân, tập trung gieo cấy lúa Hè Thu; tranh thủ thời điểm sau thu hoạch cây trồng cạn vụ Xuân, đất còn đủ ẩm để tập trung xuống giống các loại cây trồng cạn.

 

Đối với sản xuất lúa, cơ cấu bộ giống cần phải đa dạng về chủng loại, khả năng thích ứng, tính chống chịu, sử dụng nhóm giống lúa chủ lực có thời gian sinh trưởng dưới 110 ngày như: Nếp 98, Bắc Thịnh, Hà Phát 3, Khang dân đột biến, Khang dân 18, Xuân Mai, VNR20, Lai Thơm 6, Thái Xuyên 111, Nhị ưu 838. Về thời vụ, phấn đấu gieo cấy kết thúc trước 15/6 để lúa trổ tập trung từ 05 - 10/8, kết thúc thu hoạch trước 10/9.

 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh: Trên cơ sở Đề án sản xuất vụ hè thu của tỉnh, tùy vào điều kiện cụ thể, các địa phương chú trọng xây dựng kế hoạch gieo trồng sát thực tế, đảm bảo sản xuất ăn chắc, né tránh thiên tai. Trong đó, quan tâm thực hiện tốt công tác chỉ đạo để tập trung nhân lực, vật lực, phấn đấu gieo cấy lúa hè thu kết thúc trước 15/6. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chú trọng kiểm tra, giám sát đồng ruộng, thực hiện tốt công tác điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo các đối tượng dịch hại trên cây trồng.

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Các địa phương cần chủ động phối hợp với Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh và Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh để cân đối nguồn nước, đảm bảo đủ tưới cho diện tích gieo cấy theo kế hoạch đề ra; chú trọng triển khai các giải pháp chống hạn khi nắng nóng kéo dài cho cây ăn quả, cây chè công nghiệp. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ của trung ương, của tỉnh về phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; quan tâm thúc đẩy hơn nữa liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, thực hiện tốt công tác tái đàn, phát triển sản xuất; tập trung giám sát, chỉ đạo hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Ngoài ra, trong điều kiện thời tiết nắng nóng, các sở, ngành, địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo lực lượng, phương tiện, thiết bị, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng cháy, chữa cháy rừng, với tinh thần “phòng là chính”.

 

Đối với công tác Khuyến nông: Tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác khuyến nông, chuyển giao kịp thời các tiến bộ kỹ thuật vảo sản xuất; tổ chức đánh giá, tổng kết và nhân rộng các mô hình có hiệu quả. Tiếp tục duy trì các mô hình VietGAP, hữu cơ đã triển khai tại địa phương, mở rộng diện tích ở các vùng có điều kiện thuận lợi, nhất là những vùng đã hoàn thành tập trung, tích tụ ruộng đất; chủ động kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất theo hình thức liên kết, chú trọng mở rộng diện tích lúa theo quy trình hữu cơ trong vụ Hè Thu; kiểm tra, đánh giá các mô hình đã đủ điều kiện chứng nhận, duy trì các mô hình đã được chứng nhận hữu cơ. Tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu các mô hình đạt kết quả tốt, các tiến bộ kỹ thuật đã được khẳng định,… để nông dân biết và thực hiện./.

 

Ánh Nguyệt

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh