Năm 2024, mặc dù đối mặt với muôn vàn khó khăn thách thức, tuy nhiên ngành NN-PTNT tiếp tục vượt khó vươn lên đạt nhiều thành tựu rực rỡ. Đóng góp vào kỳ tích đó bằng dấu ấn trên mọi lĩnh vực, Khuyến nông Việt Nam tiếp tục khẳng định sự đổi mới toàn diện với tinh thần xuyên suốt: “Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”.
PGS.TS Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã chia sẻ về những dấu ấn đổi mới và tư duy, thông điệp mới của Khuyến nông trong kỷ nguyên mới.
Tư duy mở, không gian lớn
Ông Lê Quốc Thanh chia sẻ: Không chỉ riêng năm 2024 mà nhiều năm trở lại đây, thay đổi lớn nhất của hệ thống khuyến nông là tư duy đổi mới và nhận thức đúng về vai trò của khuyến nông trong sự nghiệp xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Đầu tiên là sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy trong toàn hệ thống. Trước đây nói đến vai trò của khuyến nông chủ yếu chỉ một chiều, nghĩa là tiếp thu giải pháp khoa học kỹ thuật, công nghệ, chuyển giao mô hình… Tuy nhiên những năm gần đây, hệ thống khuyến nông đã thay đổi mạnh mẽ để phát huy vai trò kết nối, tương tác và đa chiều, từ đó mở rộng không gian khuyến nông, khẳng định vai trò trung tâm của hệ thống khuyến nông.
Đó là vai trò dẫn dắt, khuyến nông nhà nước dẫn dắt khuyến nông doanh nghiệp, dẫn dắt người dân làm công tác khuyến nông, dẫn dắt công tác khuyến nông của các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội...; vai trò kết nối các nguồn lực từ tài chính đến con người. Ví dụ điển hình nhất là Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, lực lượng khuyến nông đã phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng mô hình, kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ hợp tác xã, đào tạo nông dân.
Mặc dù thực hiện Đề án, ngân sách nhà nước bỏ ra chưa nhiều, tuy nhiên với tinh thần tiên phong và tư duy đổi mới, khuyến nông đã kết nối được nhiều doanh nghiệp, nhiều tổ chức quốc tế và các địa phương cùng tham gia.
Cùng với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, năm 2024 cũng ghi dấu ấn rất rõ của khuyến nông trong công tác thực hiện các nhiệm vụ, đề án lớn khác của ngành NN–PTNT. Tư duy đổi mới đã được lan toả trong hệ thống khuyến nông như thế nào, thưa ông?
Có thể nói trong năm qua, gần như trên mọi mặt trận của ngành đều có dấu ấn rõ nét của khuyến nông.
Hiện thực hóa chủ trương và định hướng của lãnh đạo Bộ NN-PTNT về phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, khuyến nông là lực lượng giữ vai trò nòng cốt, quan trọng nhất nhằm xây dựng 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn, bao gồm: Vùng nguyên liệu cây ăn quả miền núi phía Bắc; vùng nguyên liệu lúa gạo Tứ Giác Long Xuyên; vùng nguyên liệu trái cây Đồng Tháp Mười; vùng nguyên liệu rừng gỗ lớn tại các tỉnh miền Trung; vùng nguyên liệu cà phê tại Tây Nguyên…
Vừa trực tiếp triển khai vừa làm trung tâm kết nối, kết quả tại 5 vùng nguyên liệu thể hiện: Khuyến nông góp phần quan trọng xây dựng các mô hình có năng suất và chất lượng sản phẩm cao hơn, thu nhập của người dân tăng từ 15 – 20% so với các mô hình truyền thống. Cùng với đó là hiệu quả về khả năng cạnh trạnh, hiệu quả kinh doanh, xây dựng được cơ sở hạ tầng nông thôn và góp phần bảo vệ tài nguyên môi trường.
Đối với Đề án 1 triệu ha lúa, 7 mô hình thí điểm của khuyến nông đạt hiệu quả giúp người trồng lúa giảm 20 - 30% chi phí vật tư đầu vào, tăng 10% năng suất, tăng 20 - 25% thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính. Đến nay, Đề án đang được lan toả hết sức mạnh mẽ.
Đặc biệt, Đề án thí điểm "Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng" năm 2024 đánh dấu cột mốc lịch sử khi hệ thống khuyến nông được bổ sung hơn 47 nghìn thành viên từ mô hình tổ khuyến nông cộng đồng, trở thành lực lượng nòng cốt để triển khai các nhiệm vụ quan trọng của ngành NN-PTNT.
Hết năm 2024, đã có 58 tỉnh, thành phố thành lập được trên 5.000 tổ khuyến nông cộng đồng với gần 48.000 thành viên. Cả hệ thống khuyến nông đã tập trung đổi mới công tác đào tạo, huấn luyện với phương châm xây dựng đội ngũ khuyến nông “đồng hành với nông dân nơi đầu bờ, dưới tán vườn“, hình ảnh cán bộ khuyến nông có đầy đủ phẩm chất, năng lực, có thể đáp ứng yêu cầu ngày càng rõ nét.
Đề án Khuyến nông cộng đồng thể hiện rất rõ rằng có thể chúng ta không cần tăng biên chế, không cần tăng kinh phí, không tăng chi ngân sách nhưng hoàn toàn có thể khai thác, huy động được nguồn lực của cả xã hội tham gia vào hoạt động khuyến nông. Đây có thể coi là giải pháp trong chủ trương tinh gọn bộ máy hiện nay. Tinh gọn không có nghĩa là cắt đi mà chính là thay đổi hình thức, giảm nhẹ gánh nặng cho nhà nước, tăng hiệu quả hoạt động cũng là hình thức tinh gọn.
Có thể nói tư duy mới mở ra không gian mới, vai trò, sứ mệnh mới của hoạt động khuyến nông. Khi hệ thống được kiện toàn xuyên suốt từ trung ương đến địa phương, đội ngũ khuyến nông giờ đây không chỉ gắn liền với nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mà còn đóng vai trò quan trọng trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới.
Khuyến nông giữ vai trò kết nối, hợp tác liên kết giữa các nhà; vai trò người bạn đồng hành, gần gũi, thân thiết của nông dân; hỗ trợ các địa phương phát triển kinh tế tập thể, tham gia xây dựng và phát triển hợp tác xã, xây dựng sản phẩm OCOP... Đặc biệt đối với vấn đề phát triển hợp tác xã, vai trò của đội ngũ khuyến nông, đặc biệt là lực lượng khuyến nông cộng đồng đã khẳng định rất rõ "khuyến nông nằm trong hợp tác xã, trong hợp tác xã có khuyến nông", nghĩa là không còn có khoảng cách, tất cả vì mục tiêu phát triển.
Từ vai trò hợp tác, kết nối của đội ngũ khuyến nông, những thương hiệu nông sản mang giá trị, bản sắc của vùng miền đã được biết tới rộng rãi như vịt quay Thu Hằng Lạng Sơn, trứng vịt biển Đông Xuyên, mật ong Tâm An, mật ong Vũ Quang… Những mô hình chăn nuôi tích hợp đa giá trị, gắn với du lịch sinh thái đã được hình thành nhờ vai trò của khuyến nông, không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn góp phần xây dựng nông thôn hiện đại.
Hệ sinh thái mới
Đó phải chăng chính là nền tảng của một hệ sinh thái khuyến nông mới, thưa ông?
Tôi luôn cho rằng khuyến nông số sẽ là nền tảng hoạt động của hệ thống khuyến nông, là cơ sở vững chắc để thực hiện nhiệm vụ, phát huy vai trò của đội ngũ khuyến nông trong thời gian tới.
Chính vì vậy năm 2024 tiếp tục ghi dấu sự đổi mới của hệ thống khuyến nông trong lĩnh vực chuyển đổi số với Đề án Khuyến nông số nhằm mục tiêu thống nhất cơ sở dữ liệu toàn hệ thống.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai hoạt động phần mềm quản lý dự án khuyến nông với 5 module đã được tích hợp; App Khuyến nông xanh phục vụ cho công tác đào tạo khuyến nông; đẩy mạnh công tác truyền thông về chuyển đổi số hoạt động khuyến nông trên môi trường mạng; tổ chức các diễn đàn, tọa đàm, hội thảo ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; ký kết hợp tác chia sẻ dữ liệu qua nền tảng Mạng nhà nông; phối hợp với Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN-PTNT)xây dựng 30 đầu sách trên Tủ sách số (Reavol)…
Những thành tựu của Khuyến nông số, Khuyến nông xanh và ứng dụng phần mềm quản lý dự án khuyến nông, Phiên chợ khuyến nông... đã góp phần tri thức hóa nông dân và góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số của ngành, của đất nước.
Khuyến nông số giờ đây phải được hiểu là nền tảng của hoạt động khuyến nông. Có khuyến nông số mới tinh gọn được đầu mối, tiết kiệm được nguồn nhân lực và thực hiện khuyến nông thông minh. Chúng tôi tự hào đến nay khuyến nông đã kết nối được cả hệ thống. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện tư duy rất mới và khẳng định vai trò mới của Khuyến nông Việt Nam.
Về hợp tác quốc tế, năm 2024, Khuyến nông Việt Nam đã trực tiếp chủ trì 6 dự án quốc tế gồm: JICA, KRC, FAO, GCP, PEPSICO, HSI…; tổ chức thành công 3 hội nghị quốc tế MELA, CACAO, AEON Mall và đón tiếp gần 20 đoàn đại biểu quốc tế; ký kết hơn 30 thỏa thuận hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước.
Các hoạt động hợp tác quốc tế và hợp tác công - tư đã góp phần ngày càng nâng cao năng lực và vị thế của hệ thống Khuyến nông Việt Nam trong khu vực và quốc tế, làm cầu nối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.
Thưa ông, bão Yagi năm 2024 gây thiệt hại khủng khiếp đối với ngành NN-PTNT, nhưng cũng ghi dấu nhiệm vụ đột xuất của lực lượng khuyến nông khi đã chia sẻ, đồng hành với người dân vượt qua thiên tai. Ông có thể chia sẻ về vai trò của hệ thống khuyến nông đối với những nhiệm vụ đột xuất của ngành NN-PTNT?
Tháng 9 năm 2024, khi siêu bão Yagi gây thiệt hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp, khuyến nông là một trong số lực lượng tiên phong lên đường. Từ miền biển Hải Phòng, Quảng Ninh… đến miền núi cao Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng…, lực lượng khuyến nông đã khẩn trương vào cuộc, mang theo sứ mệnh vừa chia sẻ, động viên vừa hướng dẫn người dân tái thiết sản xuất sau bão.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia huy động các nguồn lực từ các đơn vị đối tác, trong đó có Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) hỗ trợ chế phẩm sinh học, men vi sinh, thuốc sát trùng chuồng trại với tổng giá trị trên 3,6 tỷ đồng giúp bà con nông dân kịp thời khôi phục lại sản xuất, ổn định cuộc sống. Khuyến nông Việt Nam cũng đã tổ chức 3 đoàn công tác khẩn cấp, cùng với hệ thống khuyến nông các tỉnh triển khai thực hiện 148 lớp tập huấn khắc phục sản xuất nông nghiệp sau bão lũ.
Với phương châm "Tư duy mở - Hành động nhanh - Kết quả thật", có thể nói cả nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất, hệ thống khuyến nông luôn sẵn sàng và thực hiện hiệu quả.
Thông điệp mới
Năm 2025, đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên dân tộc vươn mình, hướng đến mục tiêu giàu có và thịnh vượng. Hệ thống khuyến nông sẽ thay đổi như thế nào để tiếp tục đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, thưa ông?
Việc chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao ngày càng trở nên cấp thiết với nông dân Việt Nam. Chiến lược phát triển Khuyến nông Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 sẽ là chính sách quan trọng để đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong kỷ nguyên mới. Tư duy xuyên suốt là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức và hoạt động, khuyến nông không chỉ chuyển giao khoa học kỹ thuật mà còn tiếp cận nhiều nhiệm vụ khác.
Chúng tôi đặt mục tiêu trở thành hệ sinh thái khuyến nông thị trường. Từng bước chuyển đổi tư duy hoạt động khuyến nông theo hướng phát triển khuyến nông dịch vụ, khuyến nông thị trường, khuyến nông theo nhu cầu, khuyến nông có sự tham gia, khuyến nông đa giá trị, khuyến nông chuỗi ngành hàng và chuyển đổi số…
Năm 2025 và những năm tiếp theo, hệ thống khuyến nông chắc chắn sẽ tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng của mình trong việc xây dựng nền sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, xứng tầm với vị thế quốc gia.
Kế hoạch, mục tiêu và giải pháp thực hiện nhiệm vụ khuyến nông năm 2025 là đạt hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí; tiếp tục thực hiện Đề án Tổ Khuyến nông cộng đồng, trong đó xây dựng, củng cố cơ chế vận hành, mô hình hoạt động nhằm phát triển lực lượng khuyến nông, tăng thu nhập cho cán bộ khuyến nông; tập trung xây dựng vùng nguyên liệu có hiệu quả, có địa chỉ rõ ràng.
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng, triển khai các dự án hiệu quả, sản xuất theo hướng liên kết tiêu thụ sản phẩm, sản xuất theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, đa giá trị… Triển khai mạnh mẽ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp; tuyên truyền để thay đổi tư duy, nâng cao kiến thức, trình độ cho đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp. Hướng hoạt động truyền thông sẽ theo nhóm các nhiệm vụ, truyền thông theo sự kiện… Tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khuyến nông về chuyên môn, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác khuyến nông trong thời kỳ mới; đổi mới phương pháp đào tạo tại hiện trường để tăng tính hấp dẫn và hiệu quả.
Đồng thời, khuyến nông cũng sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác công - tư, phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp. Đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức và hoạt động khuyến nông, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với từng loại hình sản xuất và địa phương. Tăng cường phối hợp khuyến nông nhà nước với khuyến nông doanh nghiệp để chuyển giao, nhân rộng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Phát triển các tổ chức trung gian kết nối công nghệ, cung cấp dịch vụ thông tin, tư vấn, môi giới công nghệ cho doanh nghiệp khởi nghiệp, trang trại, hợp tác xã.
Hướng đến kỷ nguyên mới, khuyến nông sẽ tiếp tục đổi mới để xây dựng hệ thống ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, xây dựng hình ảnh người cán bộ khuyến nông thời kỳ mới có đầy đủ kỹ năng, trí tuệ, khoa học, có thể đáp ứng mọi yêu cầu của công tác khuyến nông.
Thư ngỏ của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan gửi Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hệ thống khuyến nông và khuyến nông cộng đồng cả nước đã viết: "Mỗi anh chị trong hệ thống khuyến nông đều là những 'người gieo hạt'. Không chỉ gieo hạt giống tri thức mà còn gieo những hạt mầm hi vọng vào lòng người. Mỗi lần chúng ta lắng nghe một nông dân, hỗ trợ một hợp tác xã là mỗi lần chúng ta khơi lên ánh sáng trong những đôi mắt đã từng lấm lem âu lo. Chúng ta không chỉ nói về năng suất, sản lượng, mà còn cùng bà con tìm ra ý nghĩa của từng mảnh đất, từng giọt mồ hôi trên đồng ruộng.
Hãy bước vào năm 2025 với niềm tin rằng, từng giọt mồ hôi trên cánh đồng, từng câu chuyện chúng ta kể với nông dân, từng bước đi của hệ thống khuyến nông đều sẽ góp phần làm nên một nền nông nghiệp bền vững, một đất nước trù phú và một cộng đồng hạnh phúc”.
Thông diệp mới của Khuyến nông Việt Nam trong thời gian tới sẽ là: Khuyến nông Việt Nam đồng hành cùng nông dân xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.