leftcenterrightdel
Toàn cảnh hội nghị 

Trong thời gian qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, có nhiều mô hình liên doanh liên kết trong sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, ổn định được đầu ra của sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giải quyết việc làm ở nông thôn, tạo mối liên kết bền chặt giữa người nông dân và doanh nghiệp.

Trong năm 2022, đã tổ chức 12 lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Thông qua các lớp tập huấn kiến thức về xây dựng phát triển chuỗi, hỗ trợ tư vấn xây dựng chuỗi, đào tạo kiến thức sản xuất, kinh doanh, kiến thức và kỹ năng thị trường, quy trình kỹ thuật sản xuất, tổ chức sản sản xuất, giám sát đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, hỗ trợ cơ sở vật chất kỹ thuật cho các đối tác tham gia chuỗi giá trị.

Trong năm 2022 thực hiện 61 liên kết theo chuỗi giá trị với quy mô thực hiện 14.328 ha/16.539 hộ, sản lượng đạt 261.506 tấn, trên các cây trồng: lúa, bắp giống, nho, măng tây xanh, nha đam, tỏi, kiệu, ớt, hành tím, chanh không hạt, đậu xanh, điều, mía đường, mỳ. Trong lĩnh vực chăn nuôi duy trì 05 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tại các huyện thành phố gồm: chuỗi chăn nuôi bò; dê, cừu thịt vỗ béo, heo, gia cầm, vịt chạy đồng, heo đen và gà bản địa. Đối với lĩnh vực thuỷ sản duy trì liên kết nuôi hàu với quy mô 70 bè/10 hộ tại xã Tri Hải, huyện Ninh Hải.

Tính đến nay, đã có 43 liên kết theo chuỗi sản xuất, chế biến tiêu thụ được 15 sản phẩm gắn với Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh, các chuỗi giá trị này được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao. Hiện nay 09 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn vẫn duy trì hoạt động và phát triển gồm các chuỗi cung ứng các sản phẩm an toàn, táo tươi, nho tươi, măng tây tươi, dưa lưới, bưởi da xanh Phước Bình, nước mắm cá cơm.

Nhờ đẩy mạnh chính sách đầu tư của Nhà nước và sự giao thương về kinh tế thông qua các hợp đồng bao tiêu sản phẩm, người nông dân đã tiếp cận được nhiều chương trình dự án, thị trường, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ trong sản xuất, hiệu quả sản xuất tăng cao hơn trước, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.

Hội nghị là dịp để các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc; tìm giải pháp khắc phục trong quá trình xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm và cung ứng hàng hóa ra thị trường. Đồng thời là cơ hội để các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tìm kiếm thị trường, kết nối với bạn hàng tin cậy, thúc đẩy tiêu thụ nông sản.

Trên cơ sở những ý kiến tham gia, đóng góp của các đại biểu, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Ninh Thuận tiếp tục quan tâm rà soát, cơ cấu lại vùng sản xuất tập trung, đa dạng hóa các sản phẩm; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản trên các phương tiện thông tin, sàn thương mại điện tử; phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn; thực hiện chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến để tạo ra các sản phẩm nông sản thực phẩm chất lượng cao, đảm bảo ATTP…

Trên cơ sở tìm hiểu, tại hội nghị, 8 cặp đại diện cơ sở sản xuất và đơn vị tiêu thụ đã thực hiện ký biên bản ghi nhớ, cam kết tiêu thụ sản phẩm nông sản. Đây sẽ là dịp mở ra cơ hội để ngành sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển mạnh và bền vững.

 

leftcenterrightdel
Tại hội nghị, các cặp đại diện cơ sở sản xuất và đơn vị tiêu thụ đã thực hiện ký biên bản ghi nhớ, cam kết tiêu thụ sản phẩm 

Nguyễn Xuân Hào

Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận