leftcenterrightdel
 Toàn cảnh buổi lễ ký kết

Liên kết trong sản xuất và kinh doanh luôn là hướng được khuyến khích phát triển của nhiều nền kinh tế trên thế giới. Ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, ngành tôm nói riêng vẫn còn đang là nền nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất theo kiểu truyền thống. Vì vậy, sự hợp tác, liên kết trong ngành tôm càng cần thiết hơn bao giờ hết. Những năm qua con tôm đã đem lại giá trị cao, làm đời sống của người nuôi được cải thiện. Tuy nhiên trong thời gian qua nghề nuôi tôm phải gánh chịu nhiều rủi ro liên quan đến dịch bệnh, giá nguyên liệu đầu vào tăng, giá bán không ổn định người nuôi liên tục thua lỗ, thậm chí phải “treo ao”. Vì vậy, mô hình liên kết, hợp tác sản xuất trong ngành tôm sẽ hướng tới mục tiêu phân bổ lợi ích và cả rủi ro giữa những người tham gia để các thành phần tham gia cùng nhau phát triển.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát liên kết hợp tác theo chuỗi giá trị tại Hà Tĩnh là một trong những mô hình liên kết 5 nhà (nhà quản lý; nhà khoa học; người nuôi; nhà cung ứng giống; thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản và cơ sở thu gom, tiêu thụ sản phẩm) do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai năm 2023.

Tại Lễ ký kết hợp tác, Công ty TNHH Grobest đã chia sẻ các giải pháp công nghệ phát triển bền vững và hiệu quả nghề nuôi tôm. Cụ thể các giải pháp về quản lý môi trường, cơ sở nuôi với công nghệ Grofarm, giải pháp về dinh dưỡng với các dòng sản phẩm thức ăn chức năng nhằm nâng cao sức khoẻ, tăng cường miễn dịch cho tôm. Ngoài ra các Hợp tác xã tham gia mô hình liên kết sẽ được Grobest cam kết hỗ trợ miễn phí chẩn đoán sức khỏe của đàn tôm và kiểm tra chất lượng môi trường tại trang trại thông qua mô hình mobile lab. Từ đó đưa ra những tư vấn kịp thời và giải pháp chính xác cho hộ nuôi tôm.

leftcenterrightdel
Mô hình mobile lab giúp chuẩn đoán môi trường và dịch bệnh trên tôm 

Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Đặng Xuân Trường, Trưởng phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định liên kết, hợp tác sản xuất được coi là một trong những giải pháp quan trọng giúp người dân, đặc biệt người nuôi tôm có thu nhập ổn định, hướng đến phát triển sản xuất hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao.  Trước những thách thức của ngành tôm hiện nay, việc xây dựng các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất là rất cần thiết, giảm bớt các khâu trung gian, tạo niềm tin cho người dân, giúp người nuôi tôm yên tâm sản xuất duy trì hiệu quả và bền vững chuỗi liên kết. Thành công của mô hình không những đem lại hiệu quả cho người nuôi tôm mà còn là một nhiệm vụ chính trị rất quan trọng góp phần hoàn thành tiêu chí số 13: “Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 318/QĐ-TTg. Vì vậy rất mong chính quyền địa phương cùng quan tâm, đồng hành cùng dự án. 

Ông Trường cũng đề nghị các doanh nghiệp tham gia ký kết cần chia sẻ khó khăn với người nuôi tôm đặc biệt các đơn vị cung cấp vật tư đầu vào để có các giải pháp kỹ thuật cụ thể giúp giảm giá thành sản phẩm. Để mô hình liên kết hợp tác sản xuất thành công, các bên tham gia cần coi trọng “chữ tín”, thắt chặt chuỗi liên kết để đảm bảo tính ổn định và hiệu quả cho nghề nuôi tôm trong cơ chế thị trường hiện nay.

BBT