Đây là một trong những hoạt động của Dự án khuyến nông quốc gia “Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn kiềng sắt thương phẩm phát huy lợi thế cạnh tranh” được triển khai tại tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2021 nhằm hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật này cho các hộ ngoài mô hình. Tham gia các lớp tập huấn có 60 nông dân (30 nông dân/lớp) đến từ các huyện Trà Bồng, Bình Sơn, Sơn Hà, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Ba Tơ, Nghĩa Hành, Minh Long và thị xã Đức Phổ. Mỗi lớp tổ chức trong 03 ngày gồm 02 ngày lý thuyết và 01 ngày tham quan mô hình và thực hành. Thạc sĩ chăn nuôi Nguyễn Hữu Nguyên – chủ nhiệm Dự án làm giảng viên chính và kỹ sư chăn nuôi Nguyễn Thị Hải Vâng là phụ giảng của các lớp tập huấn.
    |
 |
Các học viên trong giờ học lý thuyết |
Tại lớp tập huấn, nội dung phần lý thuyết gồm 03 chuyên đề: an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn; kỹ thuật chăn nuôi lợn kiềng sắt thương phẩm; phòng chống một số bệnh thường gặp trong chăn nuôi lợn. Các giảng viên đã truyền đạt đầy đủ các nội dung tập huấn cho học viên theo phương pháp học có sự tham gia, đồng thời giải đáp đầy đủ, cụ thể những thắc mắc của học viên. Không khí học tập vui vẻ, thoải mái và có sự liên hệ gắn kết giữa giảng viên với học viên trong suốt thời gian tập huấn.
Kết thúc phần tập huấn lý thuyết, tất cả học viên tham gia lớp tập huấn được tham quan và trực tiếp thực hành tại mô hình chăn nuôi lợn kiềng sắt thương phẩm của gia đình bà Hà Thị Kim Liên ở xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi với các nội dung: quan sát, đánh giá và tuyển chọn con giống lợn kiềng sắt; cách sử dụng chế phẩm sinh học bổ sung vào thức ăn; sử dụng một số thuốc thú y trong phòng, trị bệnh cho lợn.
Anh Phạm Văn Úi ở xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ tham gia lớp tập huấn cho biết, mặc dù đây là giống lợn bản địa nhưng gia đình anh cũng như các hộ dân ở xã Ba Vinh chưa nắm bắt được kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng giống lợn này. “Sau lớp tập huấn này, tôi sẽ sửa sang lại chuồng nuôi, không chăn thả rông nữa và áp dụng những kiến thức, kỹ năng chăn nuôi lợn kiềng sắt theo hướng an toàn sinh học vào công việc chăn nuôi của gia đình, đồng thời sẽ truyền đạt lại những kiến thức đã học được từ lớp tập huấn cho các hộ dân khác đang chăn nuôi giống lợn này”, anh Úi chia sẻ.
Qua các lớp tập huấn, nông dân đã được trang bị thêm các kiến thức cần thiết trong chăn nuôi lợn kiềng sắt thương phẩm đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học. Đồng thời là cơ sở để tiếp tục triển khai tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người chăn nuôi tại các địa phương trong và ngoài vùng Dự án, đặc biệt là những người chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi quy mô nông hộ ở các huyện miền núi. Từ đó có thể nâng cao năng suất, chất lượng giống lợn Kiềng Sắt thương phẩm, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp tại các địa phương.
Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên động vật nhất là trong bối cảnh hiện nay, môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm, dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số dịch bệnh nguy hiểm trên đàn lợn rất dễ bùng phát thì giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học là biện pháp an toàn nhất để bảo vệ sức khỏe đàn lợn nuôi. Lớp học đã giúp nông dân trang bị thêm những kiến thức bổ ích, thực tế, nâng cao kiến thức chuyên môn phục vụ chăn nuôi nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình, từ đó góp phần phát triển kinh tế tại địa phương nhất là các vùng miền núi của tỉnh Quảng Ngãi./.
Mạnh Hùng
Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi