Trong ba ngày tập huấn, các học viên được Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Vũ và Thạc sĩ Vũ Thị Hà - Giảng viên Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam Bộ chia sẻ về các kỹ thuật trồng và chăm sóc như: thiết kế vườn, tỉa cành tạo tán, cách bón phân, xử lý ra hoa, tạo quả,… trên các giống cây trồng như sầu riêng, mãng cầu, bưởi,… Bên cạnh đó, quy trình phòng, trị bệnh và cách bảo quản trái sau thu hoạch đối với các loại cây này cũng được các giảng viên chia sẻ trong lớp tập huấn. Từ đó, giúp cho các học viên có thể tự xử lý được một số loại sâu, bệnh hại gặp phải trong quá trình canh tác của gia đình.

Trong các buổi tập huấn, nhằm giúp các học viên hiểu thêm về bài học, giảng viên và học viên thường xuyên thảo luận, trao đổi với nhau về những khó khăn, vấn đề bản thân gặp phải khi đang canh tác. Học viên Nguyễn Văn Nhành là nông dân huyện Gò Dầu chia sẻ về việc vườn sầu riêng 06 năm tuổi của gia đình có hiện tượng sượng cơm. Thạc sĩ Vũ Thị Hà cho biết nguyên nhân xảy ra hiện tượng trên có thể là do cạnh tranh dinh dưỡng trong quá trình phát triển quả; rối loạn dinh dưỡng do mất cân bằng giữa Ca, Mg, và K; ra hoa và đậu quả nhiều đợt,… Để khắc phục hiện tượng này nông dân cần hạn chế sự ra đọt non trong quá trình cây tạo quả; phun CaNO3 0,2%, MgSO4 0,2% và KNO3 để bổ sung thêm Ca, Mg, K cho cây; xử lý ra hoa, tạo quả đồng loạt cho vườn,…

Bên cạnh phần học lý thuyết, các học viên đã tham quan thực tế tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu là vườn sầu riêng 12 năm tuổi của ông Nguyễn Hữu Bê thuộc xã Hắc Dịch, huyện Phú Mỹ diện tích 02 ha và vườn bưởi của ông Hồ Hoàng Tốt thuộc huyện Phú Mỹ diện tích gần 03 ha. Đây là những vườn cây trồng sầu riêng, bưởi đi đầu ở khu vực tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về cả thời gian hình thành, năng suất và hiệu quả kinh tế. Tại đây, các học viên đã được ông Bê và ông Tốt chia sẻ các kinh nghiệm thực tế khi canh tác sầu riêng và bưởi; kỹ thuật bảo quản trái sau thu hoạch để sản phẩm được đẹp và giữ được lâu. Ngoài ra, ông Hồ Hoàng Tốt cũng chia sẻ thêm cách chọn thời điểm xử lý ra hoa tạo quả trên cây bưởi, giúp cho vườn bưởi của gia đình luôn được thu mua với giá cả cao và ổn định, từ đó có thể gia tăng hiệu quả kinh tế cho gia đình. Theo đó, ông thường chọn thời gian xử lý hoa để bưởi có thể xuất ra thị trường vào khoảng tháng 2, tháng 3 âm lịch thay cho vào dịp tết vì đây là lúc thị trường khan hiếm bưởi do đó giá bưởi được thu mua rất cao, thậm chí là cao hơn tết. Bí quyết này đã giúp cho vườn bưởi của ông đạt được doanh thu tốt hơn.

leftcenterrightdel

Ông Hồ Hoàng Tốt đang chia sẻ với học viên về vườn bưởi 24 năm tuổi của gia đình 

Trong 03 ngày tập huấn, học viên còn được học và thực hành tại Vườn Thực nghiệm của Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam Bộ. Tại đây, học viên được Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Vũ giảng dạy, hướng dẫn kỹ thuật chọn cành, chọn cây; kỹ thuật cấy, ghép trên mốt số loại cây ăn quả như sầu riêng, bưởi, mãng cầu,… và được trực tiếp thực hành cấy, ghép tại vườn.

Thông qua lớp tập huấn, học viên đã được các giảng viên đào tạo và có cơ hội học tập kinh nghiệm thực tế từ các mô hình tiến bộ, đạt hiệu quả tại khu vực, giúp cán bộ và nông dân tham dự nắm được các kỹ thuật canh tác, cách bảo quản trái sau thu hoạch cũng như kỹ thuật cấy ghép trên một số loại cây ăn quả. Từ những kiến thức này, học viên có thể áp dụng vào thực tiễn. Từ đó nâng cao hiệu quả canh tác, góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế gia đình.

leftcenterrightdel

Học viên thực hành cấy ghép tại Vườn Thực nghiệm 

Phạm Quốc Huy

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh