Tọa đàm là nơi để các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân trong vùng thảo luận, trao đổi nhằm nâng cao kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sầu riêng; Đồng thời đề xuất hệ thống các giải pháp, cơ chế chính sách và định hướng chiến lược trong việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang và các tỉnh khu vực phía Nam.

Tham dự tọa đàm, ngoài các lãnh đạo, cán bộ đến từ các cơ quan ban ngành liên quan, còn có 70 hộ nông dân trồng sầu riêng tại huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy và huyện Cái Bè của tỉnh Tiền Gian.

Tại tọa đàm, TS Nguyễn Thành Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, từ năm 2008 đến nay Viện đã lai tạo được 04 giống sầu riêng mới. Các giống sầu riêng lai (LĐ20, LĐ21) của Viện đang thực hiện các thủ tục để bảo hộ giống, tự công bố lưu hành để phục vụ cho sản xuất. Bên cạnh đó các dòng sầu riêng lai có triển vọng đang được tiếp tục nghiên cứu, nhiều cá thể lai đang được trồng ngoài đồng phục vụ cho chương trình nghiên cứu chọn tạo giống sầu riêng của Viện. Viện cũng đã  chọn được 07 dòng/giống gốc ghép có khả năng chống chịu với các tác nhân sinh học và phi sinh học gồm: 04 giống sầu riêng Chanee, Kanyao, Lá quéo vàng và Lá quéo Ba Thum chống chịu với nấm Phytophthora vexans, giống sầu riêng Lá quéo vàng và Chanee chống chịu với Phytophthora palmivora gây bệnh xì mủ thân, thối rễ; 03 giống sầu riêng Lá quéo, Chanee và Khổ qua xanh có khả năng chống chịu mặn ở nồng độ NaCl 2‰ với thời gian 35 ngày trong điều kiện nhà lưới. Nhiều cá thể sầu riêng thuộc các giống/dòng như SĐN 07H, SĐN 08H, SĐN46H, S11ĐL, SBRVT 22HL, SLĐ45H, HB11. Ri6, sầu riêng Bảy Núi,... do Viện tuyển chọn được Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre,… công nhận cây đầu dòng để cung cấp vật liệu nhân giống phục vụ sản xuất.

ThS. Võ Thị Kim Phương - Phó Chi Cục trưởng, Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang cho biết, Tiền Giang là tỉnh có diện tích cây ăn trái lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long (84.192 ha), đa dạng chủng loại trái cây (sầu riêng, thanh long, mít, xoài, vú sữa, khóm,...). Trong đó, sầu riêng là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Tiền Giang. Tổng diện tích cây sầu riêng đến cuối năm 2023 là 21.790 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm 14.915 ha, sản lượng 386,72 nghìn tấn, tập trung chủ yếu ở các huyện Cai Lậy, Cái Bè và Tx. Cai Lậy. Về cơ cấu giống, hiện nay diện tích trồng giống sầu riêng DONA chiếm 47%, sầu riêng Ri6 chiếm 49% và các giống khác chiếm 4%. Cùng với việc phát triển diện tích trồng sầu riêng thì nhu cầu sử dụng, thuốc BVTV của người nông dân là một tất yếu. Trong năm 2023, tổng lượng thuốc BVTV ước tính sử dụng cho cây sầu riêng khoảng 3 kg, lít/ha/năm, trong đó thuốc BVTV hóa học chiếm khoảng 69% và thuốc BVTV sinh học chiếm 31%.

Hiện tỉnh Tiền Giang đang lập và triển khai thực hiện kế hoạch “Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, đẩy mạnh sử dụng thuốc BVTV sinh học. Theo đó, tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho nông dân về sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả cũng như thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng; Kiểm tra giám sát về việc sử dụng thuốc BVTV; Ghi chép nhật ký sản xuất nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kiểm tra đối với các cơ sở buôn bán thuốc BVTV trên địa bàn để tránh xảy ra các trường hợp buôn bán thuốc BVTV kém chất lượng, không rõ nguồn gốc,…

leftcenterrightdel
 Các đại biểu phát biểu ý kiến tại tọa đàm

Thông qua 15 ý kiến trao đổi của các hộ trồng sầu riêng, doanh nghiệp, các nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Thế Yên - Phó trưởng Ban Khoa học và Hợp tác quốc tế, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã tổng kết và đề xuất một số giải pháp đẩy mạnh áp dụng biện pháp sinh học trong quản lý dịch hại giúp hạn chế dư lượng thuốc BVTV trên sầu riêng. Đó là:

Về thông tin, tuyên truyền: Tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo sử dụng thuốc BVTV đảm bảo nguyên tắc 4 đúng và chỉ thu hoạch sầu riêng khi đảm bảo độ chín; Tuyên truyền, vận động khuyến khích hình thành và phát triển các tổ chức sản xuất kinh tế tập thể như THT, HTX, LH HTX trong sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm sầu riêng.

Về quy hoạch: Việc định hướng vùng sản xuất sầu riêng phải gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, gắn với các hoạt động du lịch góp phần phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững. Khuyến khích dồn điền, đổi thửa tập trung đất trồng sầu riêng theo quy định của pháp luật.

Về giải pháp khoa học công nghệ: Đẩy mạnh áp dụng phương thức sản xuất và chất lượng thu hoạch theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, như: GAP, GlobalGAP, Organic, ISO 22000 và Chứng nhận thực hành sản xuất tốt (GMP) quá trình sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sầu riêng; Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm, quản lý sản xuất và tiêu thụ sầu riêng, đặc biệt là cán bộ quản lý cấp huyện, cấp xã về nghiệp vụ, kỹ năng trong tuyên truyền phổ biến pháp luật, trong giám sát, kiểm tra, xử phạt vi phạm quy định đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm.

Về công nghiệp chế biến sản phẩm: Hỗ trợ và tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp và các tố chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư dây chuyền chế biến hiện đại và nâng cấp trang thiết bị để đa dạng hóa sản phẩm sầu riêng (đông lạnh, chiên sấy,…)

Về tiêu thụ sản phẩm và xúc tiến thương mại: Đẩy mạnh chuyển đổi số đối với công tác quản lý mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói phục vụ truy suất nguồn gốc sản phẩm xuất khẩu.

Về xây dựng chuỗi giá trị sầu riêng: Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, chuẩn hoá giống; chuẩn hoá quy trình canh tác theo chứng nhận (VietGAP, Global GAP, hữu cơ); chuẩn hóa chất lượng khi thu hoạch; chuẩn hoá cơ sở chế biến và đóng gói theo GMP, chuẩn hoá công nghệ chế biến sâu.

Về giải pháp xây dựng cơ sở hạ tầng cho sản xuất: Cảng cạn, kho bãi, sơ chế, chế biến, bảo quản gắn với vùng nguyên liệu tập trung.

Về lao động, tổ chức quản lý: Tập huấn cho người dân về dịch vụ du lịch tại nông thôn, kỹ năng phục vụ du khách, cung cấp dịch vụ du lịch...

Giải pháp cơ chế, chính sách: Thực thi các Nghị định của Chính phủ: số 57/2018/NĐ-CP, số 58/2018/NĐ-CP, số 83/2018/NĐ-CP, số 98/2018/NĐ-CP, số 109/2018/NĐ-CP, số 116/2018/NĐ-CP; Quyết định số 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017; thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất sầu riêng: Hỗ trợ mở rộng diện tích trồng mới: Hỗ trợ 100% chi phí phân bón hữu cơ; Hỗ trợ xây dựng mô hình và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới Ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư cho mô hình; Hỗ trợ xây dựng thị trường và xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; Khuyến khích các hộ nông dân dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Cũng trong khuôn khổ tọa đàm, ngày 09/8/2024, các đại biểu đã tham quan thực tế mô hình canh tác bền vững quản lý dư lượng thuốc BVTV trên cây sầu riêng tại xã Thiện Trí, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang và mô hình sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Mỹ Tân, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Tại mô hình, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi về những vấn đề khó khăn và thuận lợi trong canh tác sầu riêng, những vấn đề trong quản lý các đối tượng sâu bệnh hại trên vườn bằng các biện pháp quản lý tổng hợp theo hướng an toàn, sinh học.

leftcenterrightdel

Đại biểu tham quan mô hình canh tác bền vững quản lý dư lượng thuốc BVTV trên cây sầu riêng tại xã Thiện Trí, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang 

BBT