Đây là nội dung thuộc Nhiệm vụ xây dựng mô hình liên kết, hợp tác sản xuất trong ngành tôm thuộc Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm nước lợ Việt Nam đến năm 2030 được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt, thực hiện từ năm 2022 đến năm 2024.

Trong năm đầu tiên - 2022, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện điều tra, đánh giá các mối liên kết ngang, liên kết dọc theo các phương thức nuôi tôm nước lợ (tôm - lúa, tôm - rừng). Xây dựng các giải pháp tổ chức, quản lý liên kết sản xuất tôm - lúa, tôm - rừng. Sơ kết quá trình xây dựng thí điểm một mô hình sản xuất theo hình thức liên kết ở 2 phương thức nuôi tôm nước lợ khác nhau (tôm - lúa, tôm - rừng) tại 2 tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau. Tại các mô hình này, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã xây dựng các giải pháp tổ chức, quản lý liên kết theo chuỗi giá trị tôm. Mô hình liên kết 6 nhà, gồm: nhà quản lý - nhà khoa học -  người nuôi - nhà cung ứng giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản - cơ sở thu gom - cơ sở chế biến. Đồng thời, Trung tâm tổ chức tập huấn cho các cơ sở, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng theo chuỗi. Thực hiện chuyển giao công nghệ, mỗi tỉnh đào tạo tập huấn 6 kỹ thuật viên kỹ thuật và hỗ trợ tư vấn các cơ sở thực hiện theo VietGAP.

leftcenterrightdel
  Các học viên trao đổi cùng chuyên gia tại lớp tập huấn

Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục triển khai mô hình nuôi tôm công nghiệp quy mô nhỏ liên kết hợp tác theo chuỗi giá trị tại xã Cộng Hòa, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đây là mô hình liên kết 5 nhà (nhà quản lý; nhà khoa học; nhà cung ứng giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, cơ sở thu gom, tiêu thụ sản phẩm, người nuôi tôm và tổ chức chứng nhận chất lượng sản phẩm).

Để mô hình đạt được tiêu chí đề ra, Trung tâm đã triển khai lớp tập huấn để giúp các học viên vừa nắm vững kỹ thuật, vừa nắm được các kỹ năng tổ chức sản xuất trong nuôi tôm. Tại lớp tập huấn lần này, các học viên đã được các giảng viên giới thiệu các nội dung về: Quy trình công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Copefloc; Ứng dụng chế phẩm vi sinh trong quản lý môi trường và phòng trị bệnh trong nuôi tôm thẻ chân trắng; Giới thiệu mô hình nuôi tôm công nghệ cao Grofarm; Nghiệp vụ quản lý, năng lực xây dựng và quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi, phát triển thị trường; Áp dụng VietGAP tại mô hình nuôi tôm công nghiệp quy mô nhỏ, hợp tác theo chuỗi giá trị; Hướng dẫn sử dụng cụ quan trắc, quản lý môi trường; Hướng dẫn ghi hồ sơ, sổ nhật ký mô hình.

Trong chương trình tập huấn cũng đã diễn ra Lễ trao quyết định thành lập Tổ Liên kết hợp tác nuôi tôm công nghiệp quy mô nhỏ xã Cộng Hòa và Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Liên hiệp Tổ hợp tác nuôi tôm xã Cộng Hòa với nhà khoa học, nhà cung ứng giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, đơn vị bao tiêu sản phẩm và tổ chức chứng nhận chất lượng sản phẩm. Đây chính là hoạt động nhằm tăng cường liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị để giảm giá thành sản xuất tôm nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu hội nhập trong nước và quốc tế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, củng cố mối liên kết ngang trong cộng đồng, thích ứng với biến đổi khí hậu, ổn định vùng nguyên liệu cung cấp cho cơ sở chế biến.

leftcenterrightdel
 Ký kết hợp tác giữa nhà khoa học, đơn vị cung cấp nguyên liệu đầu vào, DN bao tiêu sản phẩm, bà con ND và tổ chức chứng nhận chất lượng sản phẩm 

Phát biểu tại Lễ ký kết, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Hoàng Văn Hồng cho biết: “Được Bộ giao triển khai nhiệm vụ lần này, Trung tâm vinh dự được UBND xã Cộng Hòa tin tưởng triển khai chương trình tại địa phương. Tỉnh Quảng Ninh nói chung và địa phương nói riêng đã có nghề nuôi tôm từ lâu và đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm từ tôm. Tuy nhiên, việc sản xuất nếu không bài bản sẽ dẫn tới tình trạng thất thu hoặc “được mùa mất giá”. Hiện nay khoa học công nghệ phát triển nên nuôi tôm gắn liên với công nghệ. Bà con cần phải tiếp cận công nghệ và nắm bắt công nghệ qua phương tiện thông tin đại chúng chính thống, hay các đơn vị chuyển giao chính thống như viện, trường, hệ thống khuyến nông… Đặc biệt, muốn thành công còn phải biết tổ chức sản xuất như cân đối yếu tố đầu vào, nuôi đúng kỹ thuật và tìm được thị trường. Vì vậy liên kết trong sản xuất chính là hướng sản xuất mới mà bà con cần hướng tới”.

Xã Cộng Hòa là địa phương có tiền đề nuôi tôm lâu năm và đây cũng là Tổ Hợp tác nuôi tôm đầu tiên được thành lập tại xã. Dưới sự giúp đỡ của các cơ quan quản lý nhà nước, tin tưởng rằng bà con nông dân và các doanh nghiệp sẽ cùng dựa vào nhau để hợp tác lâu dài, đôi bên cùng có lợi. Trên cơ sở lòng tin và uy tín, trong quá trình hợp tác, nếu gặp khó khăn, các bên sẽ cùng nhau tháo gỡ để mô hình đạt được mục tiêu đề ra, đồng thời giúp bà con tại xã Cộng Hòa nuôi tôm mang lại hiệu quả cao, phát triển bền vững.

leftcenterrightdel
  Phó Giám đốc Trung tâm KNQG Hoàng Văn Hồng phát biểu tại Lễ ký kết

Việt Oanh

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia