Tại TP Cần Thơ, Trung tâm Khuyến nông quốc gia vừa có buổi làm việc với Trung tâm Truyền hình Việt Nam (THVN) khu vực Tây Nam Bộ về hợp tác truyền thông đề án trên. Theo đó, hai bên sẽ xây dựng kế hoạch và định hướng tuyên truyền tổng thể, lẫn chi tiết về đề án. Đây là chương trình được Chính phủ và Bộ NN&PTNT quan tâm, ngoài truyền thông trong nước còn hướng đến truyền thông quốc tế.

Tại buổi làm việc, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã điểm qua một số mốc thời gian hợp tác hiệu quả trên kênh VTV Cần Thơ, đồng thời khẳng định Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ ký kết hợp tác truyền thông về dự án này với Trung tâm THVN khu vực Tây Nam Bộ.

Phát biểu tại buổi làm việc, nhà báo Võ Ngọc Văn Quân, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm THVN khu vực Tây Nam Bộ cũng thông tin về sự quan tâm và ủng hộ của Lãnh đạo Đài THVN đối với đề án trọng điểm về nông nghiệp này. Nhà báo Võ Ngọc Văn Quân cũng đề xuất ý tưởng lưu tư liệu một cách hệ thống lâu dài cho đề án thông qua việc xây dựng trang web, fanpage hoặc YouTube riêng lấy tên “Đề án phát triển 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao”.

Mục tiêu của đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là hướng đến xây dựng các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống 80-100 kg/ha, giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống, 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như "1 phải 5 giảm", tưới ngập khô xen kẽ, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững (Sustainable Rice Platform - SRP), các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng. Ngoài ra, đề án còn bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh: tỉ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 10%; 70% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống.

Đề án được tiếp cận các nguồn hỗ trợ kỹ thuật và tài chính không hoàn lại từ nguồn tài chính chuyển đổi tài sản các-bon của Ngân hàng Thế giới để hỗ trợ xây dựng hệ thống MRV làm cơ sở cấp tín chỉ các-bon cho các diện tích đã áp dụng quy trình canh tác lúa phát thải thấp, hướng tới thị trường tín chỉ các-bon trong và ngoài nước để tăng thu nhập cho nông dân và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm lúa gạo.

BBT