Trong chuyến học tập này, đoàn đã đến tham quan trang trại hữu cơ (Ca Organic Farm) tại huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định của anh Võ Vinh Ca và học hỏi được nhiều kinh nghiệm sản xuất tuần hoàn từ đây.

 

Nằm trong khuôn viên rộng rộng gần 5 ha, chủ trang trại bố trí các khu vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản rất khoa học, bao gồm: 01 ha trồng các loại rau ăn lá; 02 ha xây dựng chuồng trại phục vụ chăn nuôi với thiết kế chuồng trại khoa học để thuận tiện thu gom phân thải; 02 hệ thống bể luân hồi nước để nuôi cá và ốc bươu; khoảng 0,2 ha xây dựng khu trải nghiệm cho học sinh và khách thăm quan.

 

Khu nhà nuôi trùn quế là “trái tim” của trang trại với diện tích đất khoảng 2.000 m2 nhưng được thiết kế đầy đủ có lối đi bằng bê tông và thiết kế giàn sắt kiên cố có 3 tầng nên diện tích mặt sàn nuôi trùn quế lên đến 5.000 m2. Theo anh Ca, phải nâng quy mô nuôi lên như vậy thì thịt và phân trùn quế mới đủ cung ứng cho chăn nuôi và trồng trọt của trang trại. Trùn quế có nhiệm vụ “tiêu thụ” hết chất thải chăn nuôi và phụ phẩm trong trồng trọt của trang trại. Trùn quế của trang trại được thu hoạch quanh năm với chu kỳ 1 lứa/ 1 chuồng từ 70 - 75 ngày. Thịt trùn quế được sấy khô, xay nhỏ phối trộn vào thức ăn như chất dinh dưỡng nhằm bổ sung đạm cho vật nuôi, phân trùn quế được làm phân hữu cơ vi sinh bón cho rau và cây trồng của trang trại.

leftcenterrightdel

Nhà nuôi trùn quế 3 tầng giàn tại trang trại hữu cơ (Ca Organic Farm)

Trang trại dành hẳn một khu ủ thức ăn lên men cho vật nuôi. Nguyên liệu được sử dụng là đậu nành, cám gạo, bã bia và thịt trùn quế sấy khô nghiền nhỏ. Thức ăn cho vật nuôi sau khi phối trộn được cho vào những chiếc thùng nhựa ủ với men, sau khoảng 7 ngày sẽ cho ra thức ăn lên men cho vật nuôi. Thức ăn cho heo có công thức phối trộn riêng, thức ăn cho gà có công thức riêng, cả bò cũng vậy. Thức ăn sau lên men được cho vào máy ép thành viên để dành cho vật nuôi ăn dần. Quan điểm chăn nuôi hữu cơ của anh Ca là không cho vật nuôi ăn cám công nghiệp, thức ăn phải tự mình phối trộn từ những loại nông sản giàu dinh dưỡng, có như vậy sản phẩm chăn nuôi mới đạt chuẩn sạch.

leftcenterrightdel
 Các thành viên trong đoàn tham khảo cách chế biến thức ăn cho gia súc

Toàn bộ sản phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản của trang trại đều được cung cấp ra chuỗi nhà hàng và người tiêu dùng sản phẩm hữu cơ tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định. Mô hình phát huy hiệu quả khi khách hàng rất hài lòng vì được sử dụng rau sạch, thịt sạch từ trang trại cung cấp.

 

Được biết, trong chuyến tham quan học tập, đoàn đã đến 6 mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn 3 tỉnh (Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định) với các lĩnh vực cụ thể như: Chăn nuôi dê kết hợp du lịch sinh thái; Sản xuất xoài rải vụ; Sản xuất mía, sắn liên kết với nhà máy chế biến; Trang trại kinh tế tuần hoàn hữu cơ và Hợp tác xã sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh mô hình sản xuất tuần hoàn tại Trang trại Ca Organic Farm, tại mỗi mô hình đoàn đều nhận được những kiến thức bổ ích về quy mô thực hiện, cách thức sản xuất, vận hành, kinh doanh và đặc biệt là hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế, tác động tới môi trường sinh thái tại từng địa phương.

 

Ngoài được tham quan những mô hình hay, hiệu quả, đoàn đã làm việc với Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định; được gặp gỡ giao lưu, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm về bộ máy tổ chức khuyến nông, các hoạt động của Tổ khuyến nông cộng đồng, phương pháp hoạt động khuyến nông, cách thức xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện một số mô hình sản xuất nông nghiệp điển hình của từng địa phương. Qua đó các đơn vị tham gia chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong công tác khuyến nông giúp cho ngành nông nghiệp địa phương phát triển.

leftcenterrightdel

Tham quan tại mô hình chăn nuôi dê gắn với du lịch sinh thái tại Khánh Hòa 

Quang Vinh

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia