Phát biểu khai mạc tại buổi họp, ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận định, chương trình hợp tác giữa hai bên sẽ tạo động lực mới cho cơ quan quản lý nhà nước, mở ra nhiều dư địa để tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác công – tư trong thời gian tới, phát huy tối đa tiềm năng của cả hai đơn vị.
Theo báo cáo kết quả hợp tác năm 2024, hai bên đã tổ chức nhiều sự kiện khuyến nông như diễn đàn, tọa đàm, hội thảo, tham quan, lớp tập huấn; các chương trình truyền thông trên kênh VTV2, VTV Cần Thơ, Báo Nông nghiệp Việt Nam, báo Nông Thôn ngày nay, trên trang Web và Bản tin Khuyến nông Việt Nam… nhằm phát triển bền vững nghề nuôi tôm tại Việt Nam. Tại các sự kiện này, các giải pháp nuôi tôm công nghệ Grofarm và Grofarm Pro, dịch vụ Mobile LAB – giúp tầm soát môi trường và đánh giá sức khỏe tôm ngay tại ao của Grobest – đã thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, các chuyên gia và bà con nuôi tôm. Đáng chú ý, vào ngày 30/09/2024, Cục Thủy sản – Bộ NN&PTNT đã công nhận tiến bộ kỹ thuật của Grobest “Giải pháp tối ưu dinh dưỡng nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) thâm canh giảm giá thành sản xuất, bảo vệ môi trường theo quy trình Grofarm” theo Quyết định số 407/QĐ-TS-KHCN&HTQT, đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ vào thực tiễn sản xuất.
Tổng Giám đốc Grobest Việt Nam – ông Phạm Hải Văn chia sẻ: “Chúng tôi trân trọng sự hợp tác với Trung tâm Khuyến nông quốc gia và tin tưởng rằng đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy ngành thủy sản Việt Nam phát triển theo hướng bền vững. Grobest cũng mong muốn mở rộng liên kết với các đối tác trong chuỗi giá trị để đẩy mạnh mô hình nuôi trồng tập trung, quy mô lớn, đem lại lợi ích lâu dài cho bà con nông dân và toàn ngành”.
Tham dự buổi họp, ông Trần Công Khôi – Cục Thủy sản đánh giá, tiến bộ kỹ thuật được Cục Thủy sản công nhận của Công ty Grobest Việt Nam hướng tới nuôi tôm tăng trưởng tốt, chất lượng tốt và giảm phát thải. Đây cũng là xu hướng nuôi tôm bền vững mà thế giới hướng tới. Đối với ngành thủy sản trong nước, giảm phát thải trong nuôi trồng thủy sản trước mắt sẽ triển khai đối với tôm và cá tra. Vì vậy ông Khôi đề nghị, Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Công ty Grobest Việt Nam cùng xây dựng các mô hình điểm giảm phát thải trong nuôi tôm, từ đó nhân rộng ra nhiều địa phương trên cả nước.
Theo ông Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam, tiến bộ kỹ thuật của Công ty Grobest Việt Nam được Cục Thủy sản công nhận hướng tới mô hình xanh hóa đầm nuôi, tiến bộ kỹ thuật này được đánh giá cao trong thực tiễn triển khai. Điều này, giúp bà con nông dân và cán bộ ngành nông nghiệp hưởng lợi từ các tiến bộ kỹ thuật của các doanh nghiệp. Mô hình nuôi tôm theo quy trình Grofarm đến nay đã có sự lan tỏa nhất định, đề nghị 2 đơn vị chuẩn hóa tài liệu dựa trên cơ sở thực tiễn để phổ biến rộng rãi tiến bộ kỹ thuật này tới bà con nuôi tôm.
Năm 2025, trước những khó khăn và thách thức lớn của ngành tôm như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, môi trường, chi phí sản xuất tăng cao,… hoạt động hợp tác giữa Công ty Grobest Việt Nam và Trung tâm Khuyến nông quốc gia trong năm 2025 sẽ tập trung vào các nội dung trọng tâm như sau:
- Xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đã được Cục Thủy sản công nhận, giúp giảm chi phí thức ăn, giảm phát thải, tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi.
- Tổ chức đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ khuyến nông, chuyển giao quy trình nuôi tôm hiệu quả – bền vững.
- Tổ chức diễn đàn để trao đổi và vinh danh các mô hình kiểu mẫu, hợp tác truyền thông để nhân rộng hiệu quả mô hình.
    |
 |
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm |
Việt Oanh
Trung tâm Khuyến nông quốc gia