Trong 30 năm làm nông dân, Illeperuma Arachchilage Rathnayake – tên thường gọi là Rathnayake đã phải vật lộn để phát huy hết tiềm năng trong việc trồng hành bằng hạt giống. Anh bắt đầu canh tác loại cây trồng này khi mới 22 tuổi, anh không được học qua các trường lớp mà chỉ dựa vào các bài học kinh nghiệm và chia sẻ từ những nông dân khác ở địa phương.

Thời tiết khó lường và mưa quá nhiều là vấn đề mới nhất trong một loạt thách thức đối với những người nông dân ở ngôi làng nông thôn Kalugala, quận Anuradhapura phía Bắc Sri Lanka. Thiếu nguồn lực và thiết bị thích hợp để bảo vệ mùa màng, Rathnayake đã sử dụng những cây tre và tấm polythene làm vòm che. Nhưng những vật liệu này không thể chịu được mưa lớn và gió, thường bị thổi bay và khiến mùa màng của anh bị phơi nhiễm với các yếu tố thời tiết. “Mặc dù tôi đã trồng hành trong nhiều năm, nhưng tôi không thể đạt được vụ thu hoạch như mong muốn do quá nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu mái che mưa thích hợp”. Rathnayake nói.

Là trụ cột duy nhất của gia đình, thu nhập từ nông nghiệp của Rathnayake không chỉ nuôi sống gia đình mà còn phải hỗ trợ việc học hành của các con. Năng suất thấp và khó khăn tài chính thường xuyên đã khiến anh phải tính đến việc từ bỏ hoàn toàn việc trồng hành.

Dự án sáng tạo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), với sự tài trợ của chính phủ Canada đã thắp lại hy vọng của Rathnayake. FAO đã hỗ trợ Rathnayake và 91 nông dân sản xuất nhỏ khác sản xuất hạt giống chất lượng cao để cải thiện sản xuất hành, cung cấp các trang thiết bị và đào tạo kỹ thuật. Chất lượng hạt giống có thể tạo ra sự khác biệt về năng suất. Bắt đầu với hạt giống chất lượng cao đã giúp nông dân gặt hái thành công. Nông dân ở các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ và miền Trung, những người tham gia các phương pháp sản xuất hạt giống truyền thống được đào tạo chuyên sâu về cách áp dụng các công nghệ tiên tiến như nhà bảo vệ cây trồng, sử dụng hầm đa năng, mái che mưa và hệ thống tưới nhỏ giọt. Những tiến bộ này đã củng cố các phương pháp quản lý cây trồng của họ, mang lại lá chắn chống lại sâu bệnh và tác hại của mưa đồng thời tối đa hóa hiệu quả sử dụng nước và phân bón, đồng thời giảm nhu cầu sử dụng thuốc trừ sâu hóa học và thuốc diệt cỏ. Kết quả là, việc gieo trồng hạt giống phát triển mạnh và sản lượng của nông dân tăng vọt.

leftcenterrightdel
FAO đã thực hiện một dự án hỗ trợ nông dân sản xuất nhỏ với các kỹ thuật cải tiến

Rathnayake giải thích: "Trước đây, chúng tôi sử dụng những mái che mưa tạm thời. Chúng thường bị hỏng khi mưa lớn, dẫn đến các vườn ươm giống bị thiệt hại nặng nề. Tôi từng thu hoạch mỗi vụ khoảng 2-3 kg hành giống nhưng nhờ sự hỗ trợ của dự án về tiến bộ kỹ thuật mới, mái che mưa chất lượng cao nên năng suất hạt giống hành tăng rõ rệt, chúng tôi hiện đang mong đợi thu hoạch được một sản lượng ấn tượng 12-15 kg hạt giống mỗi mùa."

Giờ đây, sản xuất nông nghiệp của Rathnayake đang mang lại kết quả tốt hơn, anh ấy có thể tiết kiệm tiền và lên kế hoạch cho tương lai. "Vợ tôi và tôi đã thảo luận về việc sử dụng lợi nhuận tăng thêm và cả hai chúng tôi đều đồng ý rằng chúng tôi nên đầu tư lại vào trang trại của mình, mở rộng diện tích trồng hành vào mùa tới. Bằng cách này, chúng tôi có thể phát triển trang trại của mình một cách ổn định và thậm chí có thể tiết kiệm được nhiều tiền hơn”

leftcenterrightdel
Với những lá chắn mới chống lại sâu bệnh và tác hại của mưa, đồng thời tối đa hóa hiệu quả sử dụng nước và phân bón, việc trồng trọt bằng hạt giống chất lượng đã giúp tăng sản lượng cây hành

Malani Senehelatha, một nông dân 55 tuổi ở làng Kalugala, người cũng tham gia dự án, nhận xét: "Sau khi tham gia khóa đào tạo, tôi nhận ra rằng được tập huấn kỹ thuật sản xuất hành và được dự án hỗ trợ mái che mưa đã giúp tôi yên tâm trồng hành có lãi.”

Dự án đã hỗ trợ với 92 nông dân cả nam và nữ và thiết lập 17 mái che mưa và 5 hầm ở 4 quận (Jaffna, Killinochchi, Anuradhapura và Kandy). Bộ Nông nghiệp Sri Lanka cũng đang sử dụng các trang trại được dự án hỗ trợ làm điểm trình diễn để đào tạo nhiều nông dân hơn về việc áp dụng các công nghệ đổi mới, qua đó đảm bảo kiến thức và phương pháp đổi mới do FAO giới thiệu tiếp tục vượt ra ngoài dự án.

Bằng cách trao cho nông dân về kiến thức và trang bị cho họ những công cụ cần thiết, FAO đang nâng cao năng suất cây rau của Sri Lanka đồng thời thúc đẩy các phương thức canh tác bền vững và đảm bảo tăng năng suất thông qua hiệu quả đầu vào cao hơn và chi phí vận hành thấp hơn.

Mai Anh – Theo FAO