1. Chọn cây mẹ, cây trội để thu hái quả

 

- Cây trội sấu tía được chọn lọc từ rừng tự nhiên, rừng trồng, vườn giống hoặc cây trồng phân tán theo TCVN 8755:2017.

 

- Cây mẹ được lựa chọn từ rừng tự nhiên, rừng trồng hoặc cây trồng phân tán, đáp ứng được các tiêu chí sau: cây thân thẳng tròn đều không vặn xoắn, cành nhánh nhỏ, đang sinh trưởng, phát triển tốt, tán cân đối, có đường kính ngang ngực từ 25cm trở lên, chiều cao dưới cành đạt ít nhất 1/2 chiều cao vút ngọn, đã có quả ổn định, không có dấu hiệu bị sâu, bệnh hại.

 

2. Thu hái quả, sơ chế quả lấy hạt

 

- Thời gian quả chín: Vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên quả thường chín vào khoảng cuối tháng 4 đến tháng 5 dương lịch hằng năm.

 

- Màu sắc quả chín: Khi chín vỏ quả Sấu tía chuyển từ màu xanh sang màu vàng.

 

- Thời gian thu hái quả: Để đảm bảo chất lượng hạt giống cần theo dõi quả trong thời gian từ cuối tháng 4 dương lịch. Khi thấy quả chuyển từ màu xanh sang màu vàng tiến hành thu quả. Thời gian thu hái quả tốt nhất vào tháng 5 dương lịch hằng năm.

 

- Phương pháp thu hái quả: Phát dọn sạch thực bì dưới gốc cây mẹ, cây trội. Trèo lên cây dùng móc giật để quả rụng xuống đất, nhặt quả hoặc có thể thu quả bằng cách để quả rụng tự nhiên xuống đất và nhặt quả.

 

- Quả sấu tía chín sau khi thu hái về được loại bỏ tạp vật, sau đó bỏ trong bao tải hoặc vun thành đống rồi phủ lên 2 đến 3 lớp bao tải ướt để ủ quả cho phần thịt quả chín mềm.

 

- Sau 3 đến 4 ngày ủ, phần thịt quả chín mềm, tiến hành tách bỏ lớp vỏ và thịt quả để lấy hạt.

 

- Hạt sau khi tách ra từ quả được chà sát và rửa bằng nước làm sạch hạt, để ráo nước sau đó đem xử lý để gieo ngay hoặc đưa vào bảo quản.

 

- Trong 1 kg hạt có khoảng từ 520 đến 550 hạt.

 

3. Bảo quản hạt giống

 

- Trong trường hợp chưa gieo hạt ngay được thì bảo quản bằng cách phơi hạt khô đến ẩm độ 43,2%, cho hạt vào bao nilong bộc kín, đặt trên kệ và để trong phòng ở nhiệt độ 22 đến 27 độ C. Thời gian bảo quản hạt không nên quá 3 tháng 3 tháng, sau 3 tháng với tỷ lệ nảy mầm còn 39,5%.

 

4. Thời vụ gieo hạt

 

- Để đảm bảo được tỷ lệ nảy mầm và chất lượng cây giống, thời vụ trồng rừng và tuổi cây con xuất vườn, tốt nhất nên gieo ngay sau khi thu hái hạt.

 

- Thời gian gieo ươm tốt nhất là vào tháng 5 đến tháng 6 dương lịch.

 

5. Xử lý hạt giống trước khi gieo

 

Hạt sấu tía trước khi gieo được xử lý ngâm hạt trong thuốc tím (KMnO4) 0,1% trong 15 phút sau đó vớt hạt chuyển sang ngâm trong nước thường (ở nhiệt độ 22 đến 27 độ C) trong 24 giờ, vớt hạt ra rửa sạch rồi đem ủ hoặc gieo trực tiếp trên luống cát ẩm hoặc đất mặt tầng A+B đã được xử lý sẵn ở vườn ươm, hằng ngày tưới đủ ẩm.

 

6. Gieo hạt và chăm sóc sau khi gieo

 

- Giá thể gieo hạt: Hạt được gieo trên luống bằng cát hoặc đất tầng A+B đã làm tơi xốp, độ dầy của giá thể 8-10 cm, rộng 0,8-1,0m, dài từ 5-10m. Trước khi gieo hạt, giá thể cần xử lý nấm bệnh bằng thuốc chống nấm. Dùng các loại thuốc chống nấm khác nhau, ví dụ như Ben lát C nồng độ 0,3% (3g/1 lít nước) liều lượng 2 lít/ m2 luống giá thể)

 

- Hạt đã được xử lý nảy mầm được gieo trên luống đã được tưới đủ ẩm, hạt được rải đều trên mặt luống (không để hạt bị chồng lên nhau), lấp đất phủ kín hạt với độ dày từ 0,5 cm đến 1 cm.

 

- Chăm sóc sau khi gieo: Hàng ngày tưới nước đủ ẩm cho hạt vào buổi sáng sớm và chiều tối bằng bình phun có lỗ nhỏ để hạn chế hạt bị hở hạt giống lên mặt đất.

 

7. Tạo bầu

 

- Kích thước túi bầu: Sử dụng túi bầu Polyetylen có đáy, kích thước 17 x 22 cm, và đục lỗ quanh túi bầu để thoát nước.

 

- Thành phần ruột bầu (theo thể tích) gồm: 48% đất tầng mặt (A+B) + 2% phân vi sinh và 50% mùn cưa được trộn đều.

 

- Cách đóng bầu và xếp bầu: Hỗn hợp ruột bầu cho vào túi bầu và nén vừa tay cho tới khi đầy túi. Bầu sau khi đóng được xếp thành luống có chiều rộng 40-50 cm, các luống bầu cách nhau 50-60 cm để lấy đường đi lại phục vụ chăm sóc cây giống. Sau khi xếp bầu vào luống cần lấp đất xung quanh luống bầu với chiều cao lấp đất bằng 1/3 chiều cao của bầu để hạn chế thoát hơi nước và đổ bầu.

 

- Thời gian tạo bầu: Bầu được tạo và xếp luống trước khi cấy cây con từ 5 đến 10 ngày.

 

8. Cấy cây con vào bầu

 

- Thời gian cấy cây vào bầu: Hạt sau khi gieo khoảng 18-20 ngày tuổi, khi cây mầm có 2 đến 3 cặp lá, thì bứng cây mầm cấy vào bầu, thời điểm cấy cây vào buổi chiều mát.

 

- Trước khi cấy cây mầm vào bầu phải phun thuốc phòng nấm bệnh trên các luống bầu, dùng các loại thuốc chống nấm khác nhau, ví dụ như Ben lát C nồng độ 0,3% (3g/1 lít nước) liều lượng 2 lít/ m2 mặt luống bầu)

 

- Cách cấy cây: Dùng que tạo lỗ chính giữa bầu, đặt cây ngay ngắn và nén chặt gốc, cấy xong đến đâu tưới ẩm đến đó. Mỗi bầu cấy 1 cây, chọn những cây khỏe mạnh, đủ tiêu chuẩn để cấy vào bầu.

 

9. Chăm sóc cây con

 

- Thường xuyên theo dõi và tưới nước để giữ ẩm cho cây với tần suất 2 lần/ngày vào buổi sáng sớm và chiều tối, lượng nước tưới từ 3 đến 4 lít/m2 (trừ các ngày mưa, ẩm) nhưng không được để úng nước.

 

- Làm cỏ, phá váng: Theo dõi quá trình sinh trưởng của cây con trong vườn ươm, định kỳ 10 ngày/lần tiến hành nhổ cỏ, phá váng mặt bầu.

 

- Bón phân: Nếu thấy cây có biểu hiện thiếu dinh dưỡng (cây sinh trưởng chậm, lá vàng, cằn cỗi) thì bón thúc bằng cách sử dụng 10 g phân NPK (tỷ lệ: 16-16-8) hòa tan trong 3 lít nước để tưới cho 1 m2 mặt bầu. Tuỳ theo mức độ sinh trưởng tốt, xấu của cây để quyết định số lần tưới phân, thời gian dừng tưới phân trước khi cây xuất vườn đem đi trồng rừng tối thiểu 1 tháng.

 

- Đảo bầu: Khi cây con đạt 3 tháng tuổi tiến hành đảo bầu lần đầu, các lần đảo bầu tiếp theo cách 2 tháng, tiến hành đảo bầu kết hợp phân loại cây sinh trưởng tốt để riêng và cây xấu để riêng để thuận tiện cho việc chăm sóc. Trước khi trồng khoảng 1 tháng cần đảo bầu lần cuối.

 

10. Phòng trừ sâu, bệnh hại

 

Thường xuyên kiểm tra tình hình sâu, bệnh hại để có biện pháp phòng chống kịp thời.

 

Khi phát hiện thấy có sâu, bệnh hại thì áp dụng các biện pháp phòng chống tổng hợp, trường hợp phải sử dụng thuốc hoá học thì dùng các loại thuốc không nằm trong danh mục cấm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Ví dụ: Tilt Super 300EC nồng độ 5 ml/8 lít nước/100 m2 để phòng trừ bệnh và phun thuốc Regent 800WG nồng độ 0,8 g/8 lít nước/250 m2 để phòng trừ sâu hại.

 

11. Tiêu chuẩn cây giống xuất vườn

Cây con sấu tía đủ tiêu chuẩn xuất vườn để trồng rừng phải đạt được các chỉ tiêu sau đây:

- Tuổi cây giống: tối thiểu 11 tháng

- Đường kính gốc: tối thiểu 1,0 cm.

- Chiều cao vút ngọn: tối thiểu 110 cm.

- Hình thái cây giống: Cây sinh trưởng tốt, không có biểu hiện của sâu bệnh bệnh hại, không cụt ngọn, có hệ rễ phát triển tốt.

HM