Vào ngày 19/4/2023 lô khoai lang tại vùng trồng đã được cấp mã số thuộc huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long đã chính thức xuất khẩu chính ngạch đến thị trường Trung Quốc. Đây được xem là tin vui dành cho bà con nông dân. Mở ra nhiều cơ hội mới cho nông sản Việt Nam có thể đến nhiều vùng miền trên toàn thế giới. Để khoai lang được xuất khẩu chính ngạch, bên cạnh vùng trồng phải được cấp mã số thì việc đảm bảo chất lượng trong quá trình sản xuất là rất quan trọng.

Được biết khoai lang là một trong những nông sản chủ lực của tỉnh Vĩnh Long nói chung, huyện Bình Tân nói riêng với diện tích trồng khoai lang hằng năm đạt từ 12.000 - 14.000 hecta, trong đó khoai lang tím Nhật được trồng nhiều nhất chiếm khoảng 80% diện tích. Bài viết xin gửi đến bà con nông dân tiêu chuẩn kỹ thuật cho mã số vùng trồng khoai lang như sau:

Một là, áp dụng Thực hành Nông nghiệp tốt (GAP)

-  Về vùng sản xuất: không được trồng khoai lang gần chất thải công nghiệp, chất thải từ khu dân cư, bệnh viện, lò giết mổ gia súc.

-  Về nguồn giống: tự nhân giống hoặc mua ở những ruộng có chất lượng dây giống tốt không nhiễm sâu bệnh. Trước khi trồng nên nhúng dây giống vào chế phẩm nấm xanh (Metarhizium anisopliae) với mật số bào tử là 1,0 x109 bào tử/ml.

-  Về nước tưới khoai lang: được lấy từ nguồn nước sông dẫn vào kênh và mương/ao dự trữ nước trong ruộng. Không sử dụng nước thải từ các khu dân cư tập trung, trang trại chăn nuôi, lò giết mổ gia súc, ao nuôi trồng thủy sản chưa qua xử lý để làm nước tưới hoặc hòa phân bón.

-  Về phân bón: Tăng cường sử dụng phân hữu cơ. Không sử dụng phân chuồng chưa được ủ hoai mục. Nếu có ủ phân hữu cơ phải thực hiện đúng quy trình ủ phân. Tuyệt đối không sử dụng phân người để ủ. Khi sử dụng phân bón hóa học phải có trong danh mục được phép kinh doanh và sản xuất tại Việt Nam.

-  Về biện pháp quản lý dịch: Phải áp dụng biện pháp quản lý dịch tổng hợp (IPM) bao gồm:

a. Biện pháp thủ công:

+ Bắt sâu non, ngắt ổ trứng, loại bỏ dây lá bệnh ra khỏi ruộng, tạo ruộng thông thoáng.

+ Sử dụng bẫy dính màu vàng để hạn chế một số loại côn trùng gây hại.

b. Biện pháp sinh học:

+ Bảo vệ thiên địch của sâu hại như ong ký sinh, dòi ăn rệp, bọ cánh cứng cánh ngắn, bọ rùa đỏ, chuồn chuồn, bọ ngựa, ếch, nhái...

+ Sử dụng nấm xanh để phòng trừ bọ hà (sùng) hại khoai lang.

+ Sử dụng thuốc sinh học phòng trừ sâu bệnh hại nhất là trong giai đoạn đầu vụ và khi gần thu hoạch nhằm ít ảnh hưởng đến thiên địch và không để dư lượng chất độc trên sản phẩm.

c. Biện pháp hóa học:

+    Không được sử dụng thuốc cấm, chỉ sử dụng những loại thuốc BVTV có đăng ký sử dụng trên đối tượng cây trồng là khoai lang.

+    Sử dụng các loại thuốc tương đối an toàn với thiên địch, có phổ tác dụng hẹp hoặc các thuốc vi sinh.

+    Sử dụng thuốc theo kỹ thuật 4 đúng: đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách.

+     Biện pháp hoá học chỉ được sử dụng  trong trường hợp khẩn cấp khi tình hình sâu bệnh ở mức cao và điều kiện còn có thể bộc phát mạnh mà áp dụng tất cả các biện pháp đều không kìm hãm được. Khi sử dụng thuốc BVTV nên đảm bảo đúng thời gian cách ly có ghi trên bao bì sản phẩm.

-  Về truy xuất nguồn gốc: Đây là điều tiên quyết bắt buộc phải có để mã số vùng trồng được quản lý một cách chặt chẽ và hiệu quả. Chính vì thế trong quá trình canh tác người sản xuất khoai lang trong mã số vùng trồng phải ghi chép sổ nhật ký. Thông qua đó, nước nhập khẩu sẽ nắm được thông tin của người trồng cũng như quy trình canh tác, quá trình giám sát và phòng trừ sinh vật gây hại của vùng trồng nơi đó.

Hai là, phải tuân thủ quy định về kiểm soát dịch hại:

Theo Nghị định thư, danh sách 10 loài sinh vật gây hại trên khoai lang (đối tượng kiểm dịch thực vật) mà Trung Quốc quan tâm gồm: Chaetocnema confinis Crotch; Bọ hà Cylas formicarius; Ốc sên Achatina fulica Bowdich; Streptomyces ipomoeae; Globisporangium splendens; Tuyến trùng Longidorus sp.; Meloidogyne arenaria; Meloidogyne incognita; Meloidogyne javanica; Pratylenchus brachyurus. Người trồng khoai lang theo dõi và kiểm soát sinh vật gây hại được thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật đã được tập huấn trước khi xuống giống. Trường hợp phát hiện thấy đối tượng kiểm dịch thực vật còn sống trên lô hàng, khoai lang sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy.

Ba là, phải đảm bảo chất lượng nông sản

Chất lượng chính là nói đến độ ngon và “lành”. Sản xuất được củ khoai lang đạt như vậy thì mới đủ điều kiện xuất khẩu, thế nên người trồng khoai bên cạnh việc chọn giống tốt và kỹ thuật trồng tiên tiến thì việc quan trọng nhất để sản phẩm được “lành” là đảm bảo thời gian cách ly. Đối với phân hóa học phải ngưng bón ít nhất 30 ngày trước khi thu hoạch, đối với thuốc BVTV thì phải đảm bảo đúng thời gian cách ly có ghi trên bao bì sản phẩm. Có tuân thủ nghiêm ngặt như thế khoai lang sẽ đảm bảo được tính an toàn cho người tiêu dùng, từ đó việc xuất khẩu khoai lang của nước ta sẽ ngày càng được vươn xa.

leftcenterrightdel
Nông dân trong vùng trồng khoai lang đã cấp mã số được tập huấn kỹ thuật trước khi canh tác

Hồng Thắm

Trạm Khuyến nông Bình Tân, Vĩnh Long