Diễn đàn có sự tham gia của trên 200 đại biểu đại diện Cục Trồng trọt, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè – Viện KHKT NLN miền núi phía Bắc, Hội Khoa học công nghệ chè Việt Nam, Hiệp hội Chè Việt Nam; lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Hà Giang và các chi cục thuộc Sở, Trung tâm Khuyến nông 5 tỉnh Hà Giang, Thái Nguyên, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang; Thường trực Huyện uỷ, HĐND huyện, UBND huyện Hoàng Su Phì; đại diện lãnh đạo và cán bộ phòng Nông nghiệp và Trạm Khuyến nông các huyện trồng chè tại tỉnh Hà Giang; một số chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực sản xuất chè; đại diện một số doanh nghiệp, HTX sản xuất – chế biến chè và nông dân trồng chè tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

Diễn đàn có sự tham gia của trên 200 đại biểu

 

Sản xuất chè trong nước những năm vừa qua đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tính đến năm 2021, cả nước có 34 tỉnh thành trồng chè, diện tích đạt hơn 122,5 nghìn hécta, năng suất 97,4 tạ/ha, sản lượng chè đạt 1,087 triệu tấn. Xuất khẩu chè cả nước năm 2021 đạt 126.800 tấn, kim ngạch đạt 213,9 triệu USD, giá trung bình 1.686 USD/tấn.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Hoàng Văn Hồng – Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, chè là một trong những cây trồng thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam. Đây là ngành được đánh giá cao bởi sản phẩm chè không những đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường quốc tế.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ được coi là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất chè nói riêng giai đoạn hiện nay. Chính phủ đã có chủ trương gắn phát triển nông nghiệp hữu cơ với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và phát huy tiềm năng thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ của các vùng miền, địa phương gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển đa dạng sinh học.

Để có khung pháp lý quản lý sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ phát triển, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về Nông nghiệp hữu cơ, Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030; Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành quyết định số 3883/QĐ-BKHCN ngày 29/12/ 2017 công bố tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 11041-1:2017 về nông nghiệp hữu cơ, TCVN 11041-2:2017 về trồng trọt hữu cơ, Quyết định số 3965/QĐ-BKHCN ngày 26/12/2018 công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-6:2018 về Chè hữu cơ; Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Chỉ thị số 711/CT-BNN-BVTV ngày 01/3/2013 về việc đẩy mạnh sản xuất chè an toàn và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-132:2013/BNN PTNT đối với rau, quả, chè búp tươi đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, sơ chế… Tại các địa phương như Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên đều ban hành nhiều văn bản về quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, chế biến chè.

Cây chè Shan tuyết Hà Giang có lịch sử lâu đời, được trồng ở nhiều huyện, thành phố

 

Theo ông Vũ Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang, Hà Giang là một tỉnh có diện tích chè đứng thứ 2 cả nước với tổng diện tích trên 20.500 ha, diện tích chè cho thu hoạch gần 18.300 ha, sản lượng hàng năm đạt 94.000 tấn, đặc biệt, cây chè Shan Tuyết là cây trồng đặc sản của Hà Giang.

Cây chè Shan tuyết Hà Giang có lịch sử lâu đời, được trồng ở nhiều huyện, thành phố, nhưng tập trung chủ yếu ở 5 huyện: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên và Thành phố Hà Giang. Nhằm thúc đẩy và nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang, năm 2011, tỉnh Hà Giang bắt đầu thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cây chè Shan tuyết tại xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên với trên diện tích khoảng 900 ha. Tính đến nay, tổng diện tích chè toàn tỉnh được chứng nhận theo các Tiêu chuẩn GAP (VietGAP, Hữu cơ) là 11.611,7 ha/65 vùng/63 cơ sở, chiếm khoảng 61,25% diện tích chè toàn tỉnh. Trong đó, diện tích chè VietGAP là 4.858,6 ha, diện tích chè hữu cơ là 7.071,3 ha.

Vùng nguyên liệu chè Shan được gắn kết với các cơ sở, doanh nghiệp, HTX chế biến tại địa bàn. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 700 cơ sở chế biến chè các loại (gồm: 04 Công ty cổ phần, 08 Công ty TNHH, 23 HTX và 665 cơ sở nhỏ lẻ (Tổ hợp tác, hộ gia đình) với tổng công suất chế biến khoảng 280 tấn chè búp tươi/ngày. Đã có 25 công ty, HTX chế biến chè áp dụng hệ thống quản lý ATTP theo tiêu chuẩn ISO – HACCP.

Thực tiễn sản xuất chè cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề bất cập cần tháo gỡ

 

Mặc dù đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận nhưng thực tiễn sản xuất chè cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề bất cập cần được tháo gỡ, như: thói quen sử dụng quá mức thuốc trừ sâu và phân hoá học, việc tuân thủ chưa chặt chẽ quy trình kỹ thuật canh tác của người nông dân; vấn đề liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho nông dân khi chuyển sang sản xuất chè an toàn, sản xuất theo hướng hữu cơ... còn hạn chế. Những bấp cập trên đòi hỏi các đơn vị và địa phương liên quan phải cùng nhau bàn bạc nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp và hiệu quả để phát triển bền vững nghề trồng chè.

Thảo luận tại diễn đàn, đại diện Cục Trồng trọt và Hiệp hội Chè Việt Nam đã trình bày tham luận về thực trạng, định hướng và giải pháp phát triển chè hữu cơ tại các tỉnh miền núi phía Bắc; đại diện Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè đã giới thiệu một số tiến bộ mới về giống, kỹ thuật canh tác, thu hoạch, chế biến chè hữu cơ. Các đại biểu thảo luận tập trung vào một số vấn đề:

- Cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương đối với sản xuất chè hữu cơ. Trong đó tập trung khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong việc sản xuất, chế biến chè theo tiêu chuẩn hữu cơ.

- Vấn đề quy hoạch, phát triển vùng sản xuất chè gắn với nâng cao chất lượng.

- Công tác quản lý về sản xuất chè hữu cơ, trong đó tập trung vào việc quản lý đầu vào trong sản xuất chè; xây dựng quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ; chứng nhận sản phẩm chè hữu cơ; kiểm tra, giám sát và xử lý sau chứng nhận nhằm đảm bảo tính khách quan, công bằng của sản phẩm.

- Công tác tào đạo nguồn nhân lực, tập huấn kỹ thuật cho người nông dân về sản xuất chè hữu cơ.

- Vấn đề liên kết trong sản xuất và chế biến chè, tiêu thụ, mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại sản phẩm.

Trưng bày các sản phẩm chè của Hà Giang bên lề Diễn đàn

 

Ông Hoàng Văn Hồng nhận định, hiện nay tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã thực hiện chuyển đổi một phần diện tích chè sang sản xuất hữu cơ, đem lại hiệu quả rõ nét về kinh tế, xã hội và môi trường. Song các kết quả đạt được còn ở mức độ hạn chế và cần được tiếp tục nghiên cứu, thảo luận, đề xuất để nhân rộng cho phù hợp và hiệu quả tại mỗi địa phương. Các ý kiến từ diễn đàn này sẽ được Trung tâm KNQG và các cơ quan chuyên ngành tiếp thu, tổng hợp để đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT có những chủ trương, chính sách và giải pháp cụ thể nhằm phát triển sản xuất chè hữu cơ gắn với liên kết chế biến, tiêu thụ sản phẩm các tỉnh miền núi phía Bắc.

Ông Hồng cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh trong vùng tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, thành phố các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất chè hữu cơ. Những thông tin tại diễn đàn sẽ là cơ sở để các HTX, người trồng chè tổ chức sản xuất một cách có hiệu quả.

  Tại diễn đàn, đại diện lãnh đạo Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã công bố và trao quyết định công nhận 1.324 cây chè Shan Tuyết trên địa bàn 5 huyện Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Quang Bình, Vị Xuyên và Xín Mần của tỉnh Hà Giang là cây Di sản Việt Nam.

Thương hiệu “Chè Shan Tuyết Hà Giang” đã được người tiêu dùng trong nước và quốc tế biết đến, ưa chuộng do khai thác hoàn toàn từ nguồn nguyên liệu tự nhiên, chất lượng tốt, hương vị thơm đặc trưng và được chế biến thành nhiều dòng sản phẩm như: trà xanh, hồng trà, trà đen, bạch trà, cao trà… đã đạt được nhiều giải thưởng quốc tế, đạt chứng nhận sản phẩm hữu cơ tiêu chuẩn châu Âu và đã có mặt tại thị trường các nước châu Âu, châu Á, châu Mỹ.

 

 

Lễ công bố và trao quyết định công nhận 1.324 cây chè Shan Tuyết của tỉnh Hà Giang là cây Di sản Việt Nam

 

Hoàng Phương - Ánh Nguyệt