Tham dự tọa đàm có đại diện các cơ quan đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT: Cục Chăn nuôi, Viện Chiến lược Chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ban quản lý các dự án Nông nghiệp, Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Đoàn thanh niên Bộ; Tỉnh Đoàn Bắc Kạn; Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn; Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn; Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP). Tọa đàm có sự tham dự của hơn 110 đại biểu đến từ các cơ quan trung ương và địa phương, trong đó có 80 nông dân là thanh niên nông thôn đang tham gia sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh tọa đàm 

Hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là việc thỏa thuận, tự nguyện cùng đầu tư, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của các bên tham gia liên kết để nâng cao hiệu quả sản xuất, số lượng và chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vừa là xu thế phát triển chung vừa là định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh Bắc Kạn. Thực trạng sản xuất nông nghiệp tại Bắc Kạn nhỏ lẻ; sản xuất theo khả năng, không theo nhu cầu của thị trường; năng suất lao động nông nghiệp thấp; việc áp dụng khoa học kỹ thuật còn nhiều hạn chế và sản xuất nông nghiệp chưa hoạch toán kinh tế là bài toán lớn đặt ra cho phát triển nông nghiệp của tỉnh Bắc Kạn.

Tại tọa đàm, đại biểu được nghe các chia sẻ về kết quả đạt được về liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại tỉnh Bắc Kạn; cách sử dụng có hiệu quả nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; kinh nghiệm liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của một số hợp tác xã nông nghiệp điển hình của tỉnh.

 Trao đổi tại buổi tọa đàm, đại biểu đặc biệt quan tâm và đặt câu hỏi về các vấn đề chính như: các cơ chế chính sách hỗ trợ người sản xuất, hợp tác xã về liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hình thức và cách thức để bắt đầu một liên kết chuỗi; Mắt xích tạo ra giá trị gia tăng, nâng cao giá trị sản phẩm; Giá trị thương hiệu sản phẩm và các bước để xây dựng thương hiệu cho một sản phẩm đặc sản địa phương.

Chia sẻ về các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Bắc Kạn, ông Hoàng Văn Hùng – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn cho biết, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 27 tháng 4 năm 2022 của quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Bao gồm: Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết, hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết, hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm); Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa (chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng, hỗ trợ phát triển sản xuất cây trồng, sản phẩm nông nghiệp chủ lực, hỗ trợ phát triển dược liệu, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm, hỗ trợ phát triển chăn nuôi, hỗ trợ phát triển trồng cây lâm nghiệp đa mục đích, hỗ trợ quảng bá sản phẩm, phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường; hỗ trợ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể. Đây là cơ hội cho người sản xuất, các Hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp có thể kết hợp các nguồn lực, tận dụng chính sách để tăng cường liên kết sản xuát, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại địa phương.

Tại Tọa đàm, ông Quách Đăng Quý – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn khẳng định cần tăng cường hợp tác, liên kết giữa những người sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; trong đó, chú ý đến giá trị, chất lượng trong sản xuất. Các yếu tố về văn hóa truyền thống lâu đời, kinh nghiệm sản xuất bản địa, niềm tự hào của người sản xuất tạo nên hồn cốt của sản phẩm. Các yếu tố vô hình này có thể tạo nên 70-80% giá trị gia tăng của sản phẩm. Nếu mỗi sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực của tỉnh Bắc Kạn đều đưa được các yếu tố vô hình trên để tạo thành giá trị thương hiệu sản phẩm thì giá trị sản phẩm nông sản của tỉnh sẽ được nâng cao đáng kể.

Trong khuôn khổ tọa đàm, đại biểu đi tham quan mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi) có gắn liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm và tham quan một số cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp tại tỉnh.

leftcenterrightdel
Đại biểu tham quan mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất cá nước lạnh 

Nguyễn Sâm

Trung tâm Khuyến nông QG