Diện tích rừng thông bị sâu róm gây hại tập trung chủ yếu tại tiểu khu 124 (180 ha), tiểu khu 123 (100 ha), tiểu khu 121 (80 ha), còn lại là tại tiểu khu 103B. Mật độ sâu gây hại từ 8-14 con/ cây là 120 ha, có nơi mật độ cao 500 con/cây như ở tiểu khu 124. 

Anh Hồ Hữu Nam, một người dân khai thác nhựa thông cho biết, hơn chục năm hợp đồng khai thác nhựa thông với Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), chưa bao giờ anh lại chứng kiến sâu róm gây hại tốc độ nhanh như năm nay. Có những cây thông trên 40 năm tuổi bị sâu róm ăn trụi lá, làm khô cành. Các năm trước, sâu róm cũng xuất hiện nhưng mật độ thấp, chỉ cần phun một vài lần là hết. Nhưng năm nay, đã phun nhiều lần rồi nhưng sâu vẫn tiếp tục phát sinh mạnh, sinh sản nhanh, mật độ lớn, phá hại nhanh.

leftcenterrightdel

Những diện tích rừng thông bị sâu róm phá hại làm khô cành

Trước diễn biến phức tạp của sâu róm, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh đã nhanh chóng tổ chức kiểm tra và huy động lực, phương tiện, tiến hành phun thuốc phòng trừ ở những nơi mật độ sâu từ 8-14 con/cây trở lên. Đồng thời tiếp tục theo dõi, khoanh vùng, chuẩn bị vật tư, trang thiết bị để phun phòng trừ kịp thời khi sâu xuất hiện mật độ lớn ở những diện tích còn lại.

Ông Trần Văn Thuận, Trạm trưởng Trạm Quản lý BVR Ràng Ràng thuộc BQL Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh cho hay: “Nhiều ngày qua, chúng tôi đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, tranh thủ những khoảng thời gian thời tiết khô ráo là triển khai lực lượng để phun thuốc diệt trừ, quyết tâm không để sâu róm lây lan.”

Được biết, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh  hiện quản lý gần 10.000 ha rừng và đất lâm nghiệp,  trong đó, có khoảng 2.300 ha rừng thông đã cho thu hoạch nhựa nhưng bị sâu róm phá hại gần 400 ha. Nguyên nhân được nhận định là do thời tiết xuất hiện mưa rào xen kẽ sau đợt nắng nóng dài ngày, độ ẩm cao nên sâu róm phát sinh gây hại nhanh. Vì vậy, nếu không phát hiện, phòng trừ kịp thời sâu róm sẽ bùng phát và ăn trụi lá thông, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng khai thác nhựa, thậm chí sẽ làm hàng loạt cây thông có thể bị chết.

“Mặc dù địa hình rừng núi phức tạp, đi lại khó khăn, song đơn vị đã tập trung cao trong việc phát hiện, huy động lực lượng phun thuốc phòng trừ sâu róm kịp thời, khống chế hiệu quả không để sâu róm lây lan diện rộng, góp phần giúp cây thông sinh trưởng, phát triển ổn định, đảm bảo chức năng phòng hộ của rừng”, ông Nguyễn Phi Quỳnh – Trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh thông tin.

Thời tiết vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp, vì vậy các cấp các ngành địa phương đơn vị quản lý và chủ rừng cần chủ động kiểm tra, khảo sát, tăng cường các biện pháp để phòng trừ, ngăn chặn không để sâu róm lây lan ra diện rộng.

Nguyễn Hoàn

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh