Các cây trồng sinh trưởng, phát triển khá. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió trên cao 1.500 m, nên từ đêm ngày 30/4, rạng sáng ngày 01/5, đêm 02/5, rạng sáng ngày 03/5 các khu vực trong tỉnh có mưa rào rải rác, cục bộ có mưa to kèm theo dông lốc đã gây thiệt hại cho cây trồng tại một số địa phương.
Theo báo cáo nhanh số 09/BC-BCH ngày 01/5/2024; số 10/BC-BCH ngày 01/5/2024; số 11/BC-BCH ngày 02/5/2024 của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, đến 18 giờ ngày 02/5/2024, thiệt hại về sản xuất trồng trọt 118,34 ha. Cụ thể: diện tích lúa bị thiệt hại 79,18 ha (Trấn Yên 73,28 ha, Yên Bình 5,9 ha); diện tích ngô bị thiệt hại 38,73 ha (Trấn Yên 33,73 ha, Văn Chấn 3,6 ha, Lục Yên 1,4 ha); diện tích sắn bị thiệt hại 0,43 ha tại huyện Trấn Yên.
Để kịp thời khắc phục, khôi phục sản xuất, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại đối với cây trồng do thiên tai vừa qua gây ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái đã chỉ đạo đơn vị trong ngành ban hành văn bản số 79/TTBVTV-NV ngày 03/5/2024 về việc tăng cường chỉ đạo sản xuất khắc phục thiệt hại sau mưa to, dông lốc đến các huyện, thị xã, thành phố, trong đó tập trung và thực hiện tốt một số nội dung:
- Khẩn trương nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, đảm bảo tưới tiêu nước nhanh gọn. Vệ sinh đồng ruộng, nương bãi gỡ bỏ cây que, san lấp đất, đá bồi lấp trên ruộng, rãnh luống sau khi bị ngập úng, vùi lấp.
- Khắc phục, xử lý đối với các loại cây trồng bị ảnh hưởng, thiệt hại:
+ Đối với cây lúa: Những diện tích lúa bị nước lũ tràn qua hoặc gió mạnh thổi đổ rạp đang ở giai đoạn chuẩn bị trỗ, ngậm sữa, chắc xanh, có khả năng hồi phục khá và cho thu hoạch, khẩn trương tiến hành vệ sinh đồng ruộng, khơi thông dòng chảy, rửa bùn trên thân, lá, dựng và buộc cố định cây lúa bị đổ rạp. Không bón phân ngay sau khi nước rút. Chỉ thực hiện bón phân sau khi cây lúa hoàn toàn hồi phục. Kiểm tra các loại dịch hại thường phát sinh gây hại nặng sau khi mưa lớn, lũ quét, ngập úng xảy ra như: Bệnh khô vằn, bạc lá, đạo ôn, đốm sọc vi khuẩn... để phòng trừ kịp thời, hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch hại gây ra. Đối với những diện tích lúa không còn khả năng hồi phục: Bị vùi lấp nặng hoặc bị thiệt hại ở giai đoạn vừa trỗ thoát không còn khả năng cho thu hoạch: Cắt bỏ, vệ sinh và tháo khô ruộng, lên luống và chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày khác như: rau màu, bí ăn lá, bí ăn quả...
+ Đối với cây ngô: Đối với diện tích ngô bị đổ, còn có thể khôi phục và cho thu hoạch: Dọn dẹp vệ sinh nương bãi, dựng, nẹp cây đổ ngã, bón bổ xung kali kết hợp làm cỏ, vun gốc. Đối với những diện tích không còn khả năng hồi phục: chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày khác như: Ngô nếp, ngô sinh khối, rau màu các loại...
+ Đối với cây sắn: Dọn dẹp những diện tích đã bị gãy đổ, vun gốc, bón phân và trồng dặm bổ xung.
+ Đối với diện tích rau màu: Những diện tích bị thiệt hại hoàn toàn, tạm ngừng xuống giống khi thời tiết còn chưa thuận lợi; đồng thời chuẩn bị hạt giống rau màu sẵn sàng để gieo trồng lại khi thời tiết thuận lợi, nhất là các loại rau ngắn ngày, bí ăn lá, bí ăn quả...
Nguyễn Thị Minh Phượng
Trung tâm Khuyến nông Yên Bái