Hà Giang: Cam “treo cành” gây bất lợi cho các nhà vườn
Cập nhật lúc 16:14, Thứ tư, 04/04/2012 (GMT+7)
Hiện nay, tại một số vườn cam ở Hà Giang, có hiện tượng “cam treo cành” - trên một cây cam vừa có quả chín vừa có lộc non và nụ hoa. Dẫn tới nguy cơ thu hoạch muộn sẽ làm giảm năng suất và chất lượng do quả xốp và chua hơn, thậm chí sẽ làm giảm tuổi thọ của cây và giảm năng suất của vụ cam tới.
Cam sành là loài cây ăn quả đặc sản của Hà Giang và được trồng tập trung tại 3 huyện Vị Xuyên, Bắc Quang và Quang Bình. Tính đến cuối năm 2011 diện tích cam sành của Hà Giang là 1.576,8 ha và sản lượng ước đạt 8.610,8 tấn. Cam sành thường chín và cho thu hoạch từ tháng 11 dương lịch đến tháng 1 năm sau. Tuy nhiên, năm nay cho tới thời điểm cuối tháng 3 dương lịch, nhiều gia đình trồng cam ở Hà Giang vẫn còn để quả trên cây, hiện tượng này được người dân gọi là “cam treo cành”.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn tỉnh Hà Giang, mặc dù cam sành Hà Giang đã được đăng ký thương hiệu, nhưng do sự cạnh tranh của cam, quýt và các loại hoa quả của Trung Quốc về mẫu mã, chất lượng và giá cả. Hơn nữa, cam sành Hà Giang đã một phần bị thoái hoá làm cho quả chua hơn và nhiều hạt. Bên cạnh đó kèm theo dịch bệnh phá hoại…nên nhu cầu tiêu thụ cam sành của người dân cũng giảm đi, dẫn đến giá cam bị sụt giảm.
Ông Đặng Quang Lân - chủ trang trại cam có diện tích trên 40 ha tại xã Vĩnh Hảo huyện Bắc Quang, cho biết: nếu giá cam sành vào thời điểm cuối tháng 3 dương lịch có bán được với giá 20.000 đồng/kg cũng không bằng bán cam trước tết giá 8.000 đồng/kg. Vì theo ông Lân, nếu thu hoạch cam muộn như hiện nay không những làm giảm năng suất do quả bị xốp vì bị mất nước, giảm chất lượng và làm giảm năng suất của vụ cam tới, hơn nữa khi cam đã chín mà còn để “treo cành” khi gặp thời tiết bất lợi như gió và mưa phùn sẽ làm quả rụng hàng loạt gây thất thu rất lớn cho nhà vườn. Nhưng nếu cắt để bảo quản thì người tiêu dùng không tin tưởng do họ lo sợ nhà vườn dùng hoá chất để bảo quản.
Hiện tượng “cam treo cành” đã đặt ra nhiệm vụ cho các nhà quản lý và các cán bộ chuyên môn của Hà Giang về trước mắt cũng như lâu dài. Đó là, bên cạnh việc qui hoạch lại vườn trồng cần đi đôi với công tác phục tráng giống, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ KHKT đối với cây cam sành, trong đó cần quan tâm đối với công tác phòng trừ sâu bệnh. Đây cũng chính là cơ sở và tiền đề để giữ vững và không ngừng nâng cao uy tín của thương hiệu “cam sành Hà Giang”. Và chỉ có như vậy, hiện tượng “cam treo cành” của Hà Giang mới không còn tái diễn.
Phạm Văn Phú