Tính chung 5 tháng đầu năm 2020 ước đạt 75,2 nghìn tấn, trị giá 570 triệu USD, tăng 0,4% về lượng và 3,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Theo số liệu thống kê chi tiết, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản tháng 4 năm 2020 đạt gần 16,1 nghìn tấn, trị giá 121,1 triệu USD, giảm 7,1% về lượng và 5,8% về trị giá so với tháng 3/2020; tuy nhiên so với tháng 4/2019 lại tăng 14,5% về lượng và tăng 15,7% về trị giá.

Tính chung, 4 tháng đầu năm 2020, nhập khẩu mặt hàng này của Nhật Bản từ Việt Nam đạt 57,3 nghìn tấn, trị giá 434 triệu USD, tăng 3,4% về lượng và tăng 5,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

4 tháng đầu năm 2020, lượng xuất khẩu thủy hải sản sang Nhật Bản tăng ở các chủng loại: cá đông lạnh, tôm, mực, cá ngừ, trứng cá, mắm, cua, ruốc… Bên cạnh đó, xuất khẩu các chủng loại giảm như: surimi, cá tra, basa, bạch tuộc, cá đóng hộp, cá khô, nghêu, xôi hải sản… so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó:

- Xuất khẩu cá đông lạnh sang Nhật Bản lớn nhất chiếm tới 34,3% tổng lượng xuất khẩu mặt hàng này của cả nước, đạt 19,6 nghìn tấn, trị giá 145,8 triệu USD, tăng 13,7% về lượng và tăng 10,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

- Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản chiếm tới 34,1% tổng lượng xuất khẩu mặt hàng này, đạt 19,5 nghìn tấn, trị giá 177,8 triệu USD, tăng 13,9% về lượng và tăng 10,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

- Xuất khẩu mực tăng 10,8%; cá ngừ tăng 49,5%; trứng cá tăng 13,3%; mắm tăng 11,4%; cua tăng 50,6% về lượng so với cùng kỳ năm 2019, dao động từ 433 tấn – 2,7 nghìn tấn.

Đáng chú ý, xuất khẩu một số chủng loại tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2019 tuy nhiên tỷ trọng thấp như: ruốc tăng 82,6%; sò tăng 123,2%; bánh hải sản tăng 81,7%; cà ri tăng 154,1%; há cảo tăng 208,3% về lượng.

Trái lại, xuất khẩu một số chủng loại thủy sản lại giảm so với cùng kỳ năm 2019 như: surimi giảm 23,4%; cá tra, basa giảm 32,6%; bạch tuộc giảm 26,6%; cá đóng hộp giảm 37,2%; cá khô giảm 13,4% về lượng…

Dự báo, xuất khẩu hàng thủy sản sang thị trường Nhật Bản quý III năm 2020 sẽ được cải thiện khi dịch bệnh Covid -19 được khống chế, nhu cầu tiêu dùng thủy sản tăng lên để phục vụ nhu cầu trong nước và ngành du lịch.

BBT