Gia đình ông Nguyễn Ngọc Quyết ở thôn 3, xã Quy Mông, vụ này có 5 sào trồng cây đao riềng. Trong số diện tích này chỉ có hơn 2 sào là đất soi bãi, số diện tích còn lại là do ông khai hoang mảnh đất hẹp ven đường tỉnh lộ và diện tích ven bờ sông Hồng để trồng. Do các con đã trưởng thành và đi làm ăn xa, trong gia đình chỉ có 2 vợ chồng nên vụ này, vợ chồng ông Quyết phải nhờ thêm người về thu hoạch. 5 sào đao nhà ông năm nay thu được sản lượng hơn 12 tấn đao củ, với giá bán từ 1.200 - 1.300 đồng/kg củ, vụ thu hoạch đao năm nay gia đình ông Quyết cũng thu về trên 15 triệu đồng.

 

 

Bà con Quy Mông phấn khởi vì vụ đao riềng năm nay được mùa, được giá.

 

 

Tương tự, hộ bà Phạm Thị Tín ở thôn 1 có hơn 10 sào đất soi bài màu mỡ ven sông Hồng trồng đao riềng. Do thời gian thu hoạch gấp rút để chuẩn bị đất trồng vụ sau nên tranh thủ khi thời tiết tạnh ráo, gia đình bà Tín phải thuê thêm nhân công trong thôn về thu hoạch, ước tính vụ đao riêng năm nay gia đình bà thu gần 30 tấn củ, tương tương giá trị thu nhập 30 triệu đồng. Mới chỉ chuyển sang trồng cây đao riềng được 3 vụ gần đây nhưng cuộc sống của gia đình bà Tín đã khá lên trông thấy vì so với trồng lúa và các loại cây hoa màu khác thì giá trị kinh tế của cây đao riềng cao hơn nhiều.


Bà Phạm Thị Tín phấn khởi nói: “3 năm nay trồng đao riềng tôi thấy hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác và tôi vẫn có thể trồng xen thêm 1 vụ ngô. Trong năm tới gia đình tôi sẽ mở rộng thêm diện tích trồng đao để tăng thêm thu nhập”.


Cây đao riềng dễ trồng không kén đất, có thể tận dụng tất cả những diện tích đất đồi, soi bãi, ngoài ra trên diện tích cây đao riềng vẫn có thể xen canh thêm 1 vụ ngô hoặc đậu tương.


Trong những năm trước đây người dân Quy Mông chỉ trồng cây đao riềng để phục vụ đời sống gia đình đơn thuần như: luộc ăn hoặc chế biến thực phẩm cho gia súc, gia cầm, số còn lại thì bán đao củ cho các cơ sở chế biến miến đao ở các địa phương khác như Phúc Lộc, Giới Phiên ở thành phố Yên Bái. Chỉ một số lượng nhỏ hộ dân biết chế biến củ đao thành sản phẩm miến đem bán trên thị trường. Tuy nhiên, hầu hết bà con đều sản xuất miến dong bằng công nghệ thủ công, đem củ dong giã bằng cối, đạp bằng chân, lọc bột đao, tráng cắt sợi miến bằng các công cụ thô sơ... dẫn đến năng suất thấp, chất lượng không đảm bảo nên lợi nhuận đem lại cũng rất hạn chế.


Từ thực tế đó, trong 3 năm trở lại đây, địa phương đã xây dựng kế hoạch phát triển cây đao riềng theo hướng quy mô sản xuất hàng hóa và tạo nên vùng nguyên liệu lớn. Bên cạnh đó chính quyền phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, của huyện tạo các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người tham gia trồng và phát triển cây đao riềng để khuyến khích họ tích cực tham gia chương trình. Đặc biệt tập trung vào việc tăng cường công tác hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ các cơ sở sơ chế tinh bột đao ngay tại địa phương.


Nhờ đó, đến nay trên địa bàn đã có 5 cơ sở sơ chế tinh bột với quy mô vừa và nhỏ đủ khả năng thu mua và sơ chế toàn bộ sản lượng đao củ của nhân dân trong xã và các xã lân cận như Y Can, Kiên Thành… Cơ sở sơ chế tinh bột đao của gia đình anh Phạm Ngọc Đức, ở thôn 1 là 1 trong những hộ đầu tiên mạnh dạn đưa kỹ thuật chế biến tinh bột ở đây. Trung bình, một ngày cơ sở này chế biến 15 tấn củ (khoảng 2,5 - 3 tấn tinh bột). Anh Phạm Ngọc Đức chia sẻ thêm: “Gia đình tôi đã vay hơn 100 triệu đồng của Nhà nước để đầu tư cơ sở chế biến tinh bột đao, vừa thu mua đao về chế biến thể thu thêm lợi nhuận và gia đình tôi cũng chế biến thuê cho các hộ dân trong thôn”.


Có thể khẳng định rằng hiện nay cây đao riêng đã trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở xã Quy Mông. Từ giá trị kinh tế mang lại đã giúp cho hàng trăm hộ dân vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ trở nên khá giả. Nếu như đến năm 2008, toàn xã mới trồng được 20 ha thì đến nay đã tăng lên trên 50 ha và được trồng thành vùng tập trung tại khu vực các thôn nằm ven bờ sông Hồng, nhờ đó cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu mua mà chế biến.


Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Quy Mông cho biết: “Cây đao riềng đã trở thành cây trồng chủ đạo của bà con trong xã, trong thời gian tới chúng tôi sẽ vận động người dân duy trì và mở rộng diện tích, từ đó hướng tới quy mô sản xuất hàng hóa từ khâu trồng đao, chế biến tinh bột đến làm miến đao”.


Hiện nay, các cơ sở trên địa bàn xã mới chỉ dừng lại ở khâu sơ chế ra tinh bột đao, chứ chưa có cơ sở nào làm miến. Do đó trong những năm tới, việc mở rộng diện tích trồng cây đao riềng có thể sẽ không thể tăng thêm (do diện tích đất không còn) nhưng chính quyền địa phương nơi đây sẽ vận động người dân duy trì diện tích hiện có, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ thêm máy móc, trang thiết bị để hướng tới mục tiêu hình thành một làng nghề sản xuất miến đao ngay tại Quy Mông.

 

 

 

Thanh Tiến
cuongknyb2011@gmail.com