tạo được mối liên hệ giữa các doanh nghiệp với nông dân trong đầu vào và đầu ra sản phẩm, giúp người nông dân tiếp cận với kỹ thuật tiên tiến, đặc biệt sản xuất lúa theo hướng tiết kiệm phân bón, nước tưới, hạn chế thuốc BVTV để giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả kinh tế và thân thiện với môi trường…; trong 3 năm qua (2012-2015), Trung tâm Khuyến nông Hải Dương đã triển khai mô hình Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) với quy mô 150 ha (50 ha/mô hình/năm). Số hộ tham gia 757 hộ tại các xã Ngô Quyền, Lạc Long, An Đức là những xã nằm trong vùng sản xuất lúa trọng điểm của huyện Thanh Miện, Kinh Môn, Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.
Khi tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ 50% giá giống, 30% phân bón, 1 triệu đồng/ha thuốc BVTV, được hướng dẫn quy trình trồng lúa tiên tiến như: Sử dụng giống lúa đạt tiêu chuẩn, những giống lúa thuần chất lượng phù hợp với từng địa phương, có thị trường tiêu thụ (các giống lúa sử dụng trong mô hình ở Ngô Quyền là giống Bắc thơm số 7, ở Lạc Long là giống TBR-1 và ở An Đức là giống Bắc thơm số 7 KBL); Làm đất đồng loạt, cơ giới hóa đồng bộ bằng máy, gieo cấy tập trung, kịp thời vụ, bảo đảm mật độ 42 khóm/m2; Bón phân theo thời gian sinh trưởng và phát triển của cây lúa, bón tập trung, đồng loạt, đủ lượng theo quy trình kỹ thuật; Thuốc BVTV được cán bộ kỹ thuật kết hợp với các xã tham gia mô hình kiểm tra, theo dõi thường xuyên diễn biến sâu bệnh hại để có biện pháp thông báo kịp thời cho các hộ nông dân và hướng dẫn bà con nông dân phun thuốc tập trung, đem lại hiệu quả cao, giảm số lần phun thuốc (giảm 2 – 3 lần/vụ); Tưới nước khi lúa kết thúc đẻ nhánh áp dụng biện pháp rút nước lộ ruộng từ 7 – 10 ngày hạn chế lúa đẻ nhánh vô hiệu, rễ lúa ăn sâu và tiết kiệm nước tưới; Thu hoạch hoàn toàn sử dụng máy gặt đập liên hoàn theo từng hộ gia đình.

Kết quả 3 năm thực hiện: Năm 2013 mô hình được triển khai vụ Mùa tại xã Ngô Quyền (H.Thanh Miện) trên giống Bắc thơm số 7 cho năng suất lúa trong mô hình đạt 45,0 tạ/ha, cao hơn đối chứng 9 tạ/ha (đối chứng là các giống lúa Bắc thơm số 7, TBR-1, Bắc thơm số 7 KBL sản xuất theo phương thức sản xuất đại trà của bà con nông dân) và cho lợi nhuận cao hơn đối chứng 8,73 triệu đồng/ha. Năm 2014 mô hình được triển khai vụ Mùa tại xã Lạc Long (H.Kinh Môn) trên giống lúa TBR-1 cho thấy năng suất lúa trong mô hình đạt 73,9 tạ/ha, cao hơn đối chứng 14,9 tạ/ha và cho lợi nhuận cao hơn đối chứng là 9,69 triệu đồng/ha. Năm 2015 mô hình được triển khai vụ Xuân tại xã An Đức (H.Ninh Giang) trên giống lúa Bắc thơm số 7 Kháng bạc lá, cho thấy năng suất lúa đạt 53,2 tạ/ha, cao hơn đối chứng đạt 5,6 tạ/ha và cho lợi nhuận cao hơn đối chứng 3,85 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, chương trình CĐML đã tập huấn trong mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật 12 lớp cho 757 lượt người tham gia; tổ chức hội thảo 03 cuộc cho 600 đại biểu tham dự.
Mô hình đã mạng lại những hiệu quả xã hội và môi trường vô cùng to lớn. Từ mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” đã từng bước nâng cao trình độ thâm canh lúa cho nông dân, bước đầu hình thành thói quen sản xuất mới với quy mô lớn (1 vùng, 1 giống, 1 thời gian); có sản phẩm hàng hóa lớn, có mối liên kết doanh nghiệp với nông dân trong dịch vụ đầu vào và đầu ra của sản phẩm; góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người nông dân, giúp người nông dân yên tâm sản xuất góp phần ổn định an ninh chính trị xã hội tại địa phương. Do sản xuất tập trung với quy mô lớn bước đầu được địa phương và nông dân đánh giá mô hình đã sử dụng phân bón hợp lý, giảm số lần phun thuốc BVTV, tưới tiêu khoa học (nông, lộ) theo hướng tiết kiệm nước góp phần giảm ô thiểu ô nhiễm môi trường.
Từ kết quả và hiệu quả của mô hình đã tác động không nhỏ đến nhận thức của cán bộ và nhân dân và mô hình đã nhanh chóng được nhân rộng: Tại xã Ngô Quyền – Thanh Miện đã được mở rộng diện tích gieo cấy giống lúa Bắc thơm 7 đạt 70% diện tích toàn xã vụ xuân năm 2014 và đã xây dựng được 2 mô hình cánh đồng mẫu lớn bằng phương thức cơ giới hóa đồng bộ (làm đất bằng máy, gieo cấy bằng máy, gặt bằng máy). Năm 2015 diện tích đã được mở rộng trên 500 ha ở cả 2 vụ. Tại xã Lạc Long – Kinh Môn, vụ chiêm xuân năm 2015 xây dựng được 2 mô hình cánh đồng mẫu lớn với quy mô 150 ha; vụ mùa 2015 xây dựng được 3 mô hình cánh đồng mẫu lớn với 180 ha. Đồng thời, địa phương đã mạnh dạn tiếp nhận và xây dựng cánh đồng mẫu lớn với việc cơ giới hóa đồng bộ (làm đất, gieo cấy bằng mạ khay, thu hoạch bằng máy gặt) diện tích được áp dụng bằng giống tiến bộ kỹ thuật TBR-1 chiếm 65% tổng diện tích gieo cấy toàn xã; bước đầu tạo ra thị trường tiêu thụ lúa gạo TBR-1 phục vụ cho các làng nghề chế biến lương thực (nghề làm bánh đa, mỳ,…). Tại xã An Đức – huyện Ninh Giang bằng giống lúa Bắc thơm 7 KBL đã tác động tốt đến việc sử dụng giống Bắc thơm 7 KBL thay cho giống Bắc thơm 7 cũ nhiễm bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn. Diện tích gieo cấy bằng giống Bắc thơm 7 KBL ở vụ mùa đã đạt 65% diện tích gieo cấy (khoảng 150ha/225ha).
Qua 3 năm thực hiện mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” tại Hải Dương cùng với chương trình xây dựng CĐML của tỉnh cho thấy mô hình CĐML đã áp dụng các tiến bộ KHKT một cách đồng bộ, hiệu quả trên một diện tích lớn, nâng cao năng suất bình quân trong toàn vùng, làm tăng chất lượng lúa, xây dựng mối liên kết 4 nhà bền vững tiến tới sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hợp đồng, đồng thời làm giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân... Mô hình đã đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực và cung cấp nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu, góp phần phát triển nông nghiệp hiện đại, sản phẩm của mô hình CĐML khá đồng đều, chất lượng ngày càng cao, đã tạo nguồn cung ổn định xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Để mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” được nhân rộng và phát triển bền vững cần phải có sự phối hợp tập trung cao của các cấp, các ngành trong tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã sớm xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, vận động nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận cao trong phương thức sản xuất tập trung; chú trọng công tác lựa chọn giống, công tác dồn điền đổi thửa, cơ chế chính sách hỗ trợ và áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến với đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng; đồng thời các doanh nghiệp phải vào cuộc tích cực, có sự liên kết chặt chẽ giữa “bốn nhà” giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất.
Trần Cảnh
Trung tâm Khuyến nông Hải Dương