|
|
Nhiều doanh nghiệp đặt hàng khuyến nông |
Những ngày cuối tháng 3/2023 vừa qua, tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức chuỗi sự kiện về hoạt động khuyến nông cả nước. Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm đó là sự kết nối giữa khuyến nông với doanh nghiệp trong quá trình đồng hành cùng nông dân. Tại các hội nghị, hội thảo, đại biểu đánh giá cao kết quả phối hợp của doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế với khuyến nông và bà con nông dân trong suốt 30 năm qua và xác định đối tác chiến lược của người nông dân cũng là doanh nghiệp. Với vai trò, sứ mệnh kết nối giữa doanh nghiệp với người nông dân trong thời đại mới, đòi hỏi hệ thống khuyến nông phải củng cố và tăng cường liên kết với doanh nghiệp ngày càng chặt chẽ hơn nữa nhằm tăng giá trị của sản xuất.
Hiện nhiều địa phương đã kết nối được hệ thống khuyến nông cơ sở với doanh nghiệp và đang có chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động với nhiều phương pháp mới. Lực lượng khuyến nông đang tích cực cùng với doanh nghiệp triển khai nhiều hoạt động. Cụ thể như ký thỏa thuận với các tập đoàn lớn như Lộc Trời về liên kết tiêu thụ lúa gạo, Quế Lâm về canh tác nông nghiệp hữu cơ, Bồ Đề về nuôi trồng thuỷ sản,… hoặc các công ty liên kết tiêu thụ sản phẩm, cung cấp vật tư đầu vào như Công ty Tiến Phong Cam Lộ, Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị về xây dựng và tiêu thụ sản phẩm rừng trồng vùng nguyên liệu tại Quảng Trị, với Công ty Doveco tại Sơn La, Hoà Bình, với Công ty Vĩnh Hiệp cà phê tại vùng nguyên liệu Tây Nguyên…
Cần phải xã hội hoá hoạt động khuyến nông!
Để hoạt động khuyến nông phát triển phù hợp với xu hướng hiện nay, đa số các đại biểu đều đề nghị cần phải xã hội hoá hoạt động khuyến nông. Ông Lê Tân Phong – PGĐ. Sở Nông nghiệp và PTNT Lào Cai cho rằng: Thúc đẩy xã hội hoá khuyến nông là xu hướng tất yếu, nhưng cần phải tách bạch nhiệm vụ khuyến nông nhà nước làm gì, khuyến nông doanh nghiệp làm gì.
Ông Lê Hữu Toàn – PGĐ. Sở Nông nghiệp và PTNT Kiên Giang đề nghị phải có kế hoạch xã hội hoá trong công tác khuyến nông. Kiên Giang là địa phương xã hội hoá khuyến nông từ rất sớm thông qua việc thành lập tổ kinh tế kỹ thuật. Sau 14 năm hoạt động, địa phương đã thiết lập được hệ thống khuyến nông cơ sở từ tỉnh đến xã, đến bà con nông dân. Hiện tỉnh đang thực hiện kết nối cán bộ khuyến nông theo chuyên ngành với doanh nghiệp (đã có hơn 200 cán bộ khuyến nông), làm cánh tay nối dài để thực hiện các chương trình liên kết nhằm nâng cao đời sống, thu nhập cho cán bộ khuyến nông.
Đối với doanh nghiệp đánh giá đội ngũ khuyến nông là mắt xích kết nối để chuyển giao khoa học kỹ thuật của nhà nước đến nông dân, kết nối doanh nghiệp với nông dân. Ông Bùi Văn Kíp – Công ty Bayer đặt hàng khuyến nông, yêu cầu khuyến nông phải liên kết các thành phần tham gia trong chuỗi sản xuất lúa gạo để tạo ra sự chuyên biệt trong triển khai mô hình nông nghiệp tiên tiến.
|
|
Nhiều doanh nghiệp mong muốn giới thiệu công nghệ, sản mới đến với bà con nông dân |
Đại diện Công ty cà phê toàn cầu cũng đặt hàng Khuyến nông Quốc gia 6 việc, đó là: đánh giá tình hình sử dụng, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật; tổ chức tập huấn đào tạo cho khuyến nông cộng đồng; nâng cao nhận thức cho học sinh các cấp về môi trường; phối hợp với các tỉnh thực hiện chiến lược làm sạch môi trường; giám sát các mô hình trình diễn theo VietGAP…; truyền thông nhân rộng kết quả sáng kiến.
Ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp rất tâm đắc khi thành lập tổ khuyến nông cộng đồng, tổ sẽ hỗ trợ, giúp doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu sạch, chất lượng. Với khao khát lực lượng khuyến nông sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, công ty sẽ tiếp tục hợp tác với tổ khuyến nông cộng đồng tổ chức liên kết sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu cà phê bền vững đạt tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ nội tiêu và xuất khẩu... Nông dân và HTX, doanh nghiệp và khuyến nông cùng chia sẻ lợi nhuận, thành viên tổ khuyến nông cộng đồng sẽ đóng vai trò là CEO khuyến nông.
Đại diện Công ty Sài Gòn Kim Hồng đánh giá lực lượng khuyến nông cơ sở là rất mạnh, là môi trường để các doanh nghiệp tiếp cận với nông dân. Công ty rất cần hợp tác với các địa phương để công nghệ có thể đến với bà con nhanh hơn.
Một số giải pháp được đưa ra, đó là:
- Nâng cao năng lực hiệu quả của hệ thống khuyến nông nhà nước ở các cấp để hướng tới mục tiêu khuyến nông giải quyết được tất cả các vấn đề của nông dân và doanh nghiệp. Thời gian tới cần kiện toàn khuyến nông nhà nước nhưng tinh gọn, hiệu quả, quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
- Vị trí người cán bộ khuyến nông phải thay đổi, như là một sứ giả giúp bà con nông dân và doanh nghiệp sản xuất hiệu quả.
- Đào tạo nâng cao năng lực về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thông tin thị trường, kỹ năng truyền thông cho đội ngũ khuyến nông để đáp ứng yêu cầu hội nhập. Đây là câu chuyện tái cấu trúc của khuyến nông Việt Nam.
- Đẩy mạnh công tác truyền thông, giới thiệu công nghệ tiên tiến, sản phẩm mới đến nhiều địa phương để nông dân biết và sử dụng.
Thông qua ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị: Khuyến nông đẩy mạnh xã hội hóa, hướng doanh nghiệp, hợp tác xã làm khuyến nông. Trong đó, khuyến nông nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo trong công tác khuyến nông, hướng dẫn kỹ thuật nghiệp vụ cho nông dân, cũng như các cơ chế, chính sách cho nhà nước. Đặc biệt ở những vùng khó khăn, khuyến nông nhà nước phải làm. Đối với thực hiện dự án, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nên tập trung phối hợp với các doanh nghiệp triển khai ở tầm vĩ mô, xây dựng vùng nguyên liệu lớn theo định hướng của Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng như xây dựng các mô hình mang tính chất liên kết với các tỉnh. Các tỉnh triển khai xây dựng các mô hình ở quy mô nhỏ để khai thác lợi thế, đặc sản địa phương.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh nhấn mạnh: Khuyến nông sẵn sàng phối hợp với các doanh nghiệp, đối tác quốc tế. Sắp tới, sẽ tiếp tục đàm phán, thương thảo, ký kết các chương trình phối hợp hướng đến mục tiêu tất cả là vì nông dân - xác định người nông dân là chủ thể. Hệ thống khuyến nông cần nỗ lực hơn nữa, phát huy hơn nữa trong quá trình đồng hành cùng người nông dân từ trung ương đến địa phương để chuyển giao khoa học kỹ thuật đến với bà con nông dân nhanh nhất, hiệu quả nhất.
|
|
Các đại biểu tìm hiểu thông tin của doanh nghiệp bên lề Tọa đàm |
Thu Hằng - Đỗ Tuấn