Chủ trì diễn đàn là bà Hạ Thúy Hạnh, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; ông Tạ Văn Tường, PGĐ Sở NN-PTNT Hà Nội; ông Phạm Văn Duy, PCT Cục Chế biến và PTTTNS. Tham dự diễn đàn có tổng số 207 đại biểu từ các đơn vị trong Bộ NN&PTNT như Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Chăn nuôi, Cục Chế biến và PTTTNS, Viện Chăn nuôi; Sở NN-PTNT Hà Nội, Công ty Cổ phần giống Gia súc Hà Nội; Trung tâm Khuyến nông, một số doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân chăn nuôi, tiêu thụ bò thịt tại Hà Nội, Thái Bình, Hoà Bình, Yên Bái, Vĩnh Phúc; Hiệp hội gia súc lớn, Hiệp hội Doanh nghiệp và trang trại Việt Nam. Tham dự và truyền thông cho Diễn đàn còn có các nhà báo, phóng viên đến từ các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương.

Bà Hạ Thúy Hạnh, PGĐ TTKNQG khai mạc diễn đàn

 

Diễn đàn là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, người chăn nuôi đánh giá thực trạng, những khó khăn, vướng mắc, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp phát triển chăn nuôi bò thịt theo chuỗi giá trị sản phẩm. Từ đó, giúp người chăn nuôi củng cố kiến thức, kỹ năng sản xuất sản phẩm an toàn, chất lượng, tăng thu nhập và khả năng cạnh tranh.

Theo ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và PTTTNS, mức tiêu thụ thịt bò trung bình của Việt Nam giai đoạn 2018-2020 là 7,3 kg/người/năm; trong đó, sản xuất trong nước mới đáp ứng được khoảng 40% sản lượng thịt bò tiêu thụ, còn lại 60% nhập khẩu từ các nước khác. Mức tiêu thụ thịt bò trung bình theo đầu người mặc dù cao hơn hầu hết các nước trong khu vực châu Á, nhưng thấp hơn so với các nước có nền kinh tế phát triển. Điều này cho thấy, ngành chăn nuôi bò thịt còn rất nhiều tiềm năng để phát triển trong thời gian tới.

Toàn cảnh diễn đàn

 

Ông Tạ Văn Tường, PGĐ Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, thành phố đã có quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung, song tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn cao, chiếm khoảng 60%. Các chuỗi chăn nuôi liên kết còn chưa nhiều, chưa tương xứng tiềm năng lợi thế của Thủ đô.

Theo bà Hạ Thuý Hạnh, bên cạnh những thuận lợi, việc phát triển chăn nuôi bò thịt theo chuỗi giá trị sản phẩm ở Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức như thị trường nhập khẩu rộng mở, nguy cơ cạnh tranh với hàng nhập khẩu có chi phí sản xuất thấp hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam đã cho phép nhập khẩu bò sống từ Úc, Brazil, Thái Lan về giết mổ trong nước. Đồng thời, ký Hiệp định Thương mại tự do với các nước EU, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP (Úc, Canada, Mexico, New Zealand) nên mức thuế suất nhập khẩu mặt hàng này sẽ giảm về 0%.

Các đại biểu tham quan mô hình Kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi bò lấy thịt gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm

 

Tại diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi những vấn đề liên quan tới kỹ thuật chăn nuôi bò thịt; công tác giống bò, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, trồng và chế biến, bảo quản, phối trộn thức ăn để giảm chi phí đầu vào; chính sách, giải pháp phát triển chăn nuôi bò thịt tuần hoàn, theo chuỗi giá trị sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, tăng khả năng cạnh tranh, bảo vệ môi trường sinh thái.

Bà Hạ Thúy Hạnh cho biết, thời gian tới, Trung tâm KNQG tiếp tục xây dựng các mô hình, đào tạo, tập huấn và thông tin tuyên truyền về chăn nuôi VietGAHP, an toàn sinh học, theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi để kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc từ nguyên liệu đầu vào như giống, thức ăn, vật tư chăn nuôi, quy trình chăm sóc nuôi dưỡng đến khâu vận chuyển, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, gắn liên kết từ chăn nuôi đến thu mua, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, phát huy khả năng của từng đơn vị liên kết để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm.

Ưu tiên xây dựng các mô hình chăn nuôi trang trại, đồng bộ khép kín từ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về con giống, thức ăn, quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị mới, hiện đại; giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, xử lý môi trường./.

Liên Hương

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia