Gia đình ông Lê Quang Toại, ở thôn Đăng, xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang có vườn cam hơn 200 gốc và đã bắt đầu tham gia mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ vào đầu năm 2022. Tham gia mô hình này, ông Toại được các chuyên gia của Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam và Tổ chức chứng nhận Vinacontrol TP Hồ Chí Minh tập huấn, hướng dẫn cách sử dụng phân bón vi sinh, nuôi kiến vàng để phòng trừ các loại sâu bọ, côn trùng như rệp, bọ xít phá hại vườn cây.

Về hiệu quả sản xuất thì tỷ lệ đậu quả, màu sắc, độ ngọt của quả cam năm nay nâng lên rõ rệt. Hơn nữa môi trường đất, sức khỏe người của sản xuất và người tiêu dùng không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố độc hại do phun thuốc BVTV.

Ông Lê Quang Toại cho biết: “Trước đây trồng cam, gia đình chúng tôi sử dụng các loại phân bón vô cơ, thuốc hóa học đã làm ảnh hưởng đến môi trường đất, cây trồng và người tiêu dùng. Sau khi làm cam hữu cơ, thay vì phun phòng trừ sâu bệnh bằng thuốc hóa học thì chúng tôi sử dụng hoàn toàn bằng chế phẩm sinh học và nuôi thêm kiến vàng để diệt trừ các địch hại trên vườn cam, bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ vi sinh. Qua thời gian áp dụng phương pháp này, nhận thấy con người được đảm bảo sức khỏe, đất trồng màu mỡ hơn, cây phát triển được bền hơn và nâng cao chất lượng quả cam, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.”   

leftcenterrightdel
 Vườn cam hữu cơ ông Lê Quang Toại bước vào vụ thu hoạch

 

Để hình thành vùng sản xuất cây ăn quả đạt chứng nhận hữu cơ tập trung, đầu năm 2022, huyện Vũ Quang đã hợp tác với Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam tư vấn cho các Tổ hợp tác, các trang trại, hộ dân xây dựng quy trình sản xuất cây cam theo tiêu chuẩn hữu cơ; đào tạo, tập huấn về các yêu cầu, nguyên tắc canh tác theo phương pháp hữu cơ; xây dựng kế hoạch sản xuất, hướng dẫn trồng, chăm sóc, phòng trừ và ngăn ngừa dịch hại; xây dựng và thực hiện ghi chép theo các biểu mẫu giám sát các quy trình từ kiểm soát giống, vật tư nông nghiệp, trồng, chăm sóc, thu hoạch và ghi nhãn sản phẩm hữu cơ.

leftcenterrightdel
 Một trong các cơ sở sản xuất cam, bưởi được cấp chứng nhận hữu cơ

Ông Phan Anh Toản, Phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Vũ Quang cho biết: Tính đến đầu năm 2023 số lượng đăng ký sản xuất cam hữu cơ là 88,5 ha, thành lập được 11 tổ hợp tác. Trong quá trình triển khai xây dựng, năm 2022 Hội đồng nhân dân huyện Vũ Quang đã ban hành Nghị quyết chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn huyện. Riêng mô hình sản xuất cam, bưởi và hồng hữu cơ triển khai từ năm 2022, đầu tháng 11/2023 Công ty TNHH Giám định Vinacontrol đã tổ chức đánh giá. Từ kết quả phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu sản phẩm, Công ty đã cấp chứng nhận hữu cơ cho 3 Tổ hợp tác, 3 hộ gia đình trồng cam với diện tích 30,8 ha/19 hộ, sản lượng dự kiến 345 tấn và 1 tổ hợp tác sản xuất hồng hữu cơ, diện tích 3,72 ha/7 hộ với sản lượng hơn 54 tấn. Từ kết quả này, những năm tới, huyện Vũ Quang tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất hữu cơ trên toàn huyện.

Thành công bước đầu của mô hình sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn hữu cơ ở huyện Vũ Quang một lần nữa cho thấy, tầm quan trọng của chuỗi liên kết “4 nhà”, bao gồm nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông trong công cuộc tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái bền vững. Chỉ khi nào “4 nhà” cùng chung tiếng nói, cách làm thì lúc đó giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra mới đạt hiệu quả tối đa.

Theo ông Nguyễn Tuấn Lộc, Giám đốc Trung tâm BVTV vùng khu IV – Cục BVTV, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Trước hết người dân phải biết được cơ chế chính sách của nhà nước về sản xuất hữu cơ. Liên kết 4 nhà sẽ giúp người dân áp dụng được các tiến bộ kỹ thuật mới phục vụ sản xuất nói chung và sản xuất hữu cơ nói riêng. Liên kết 4 nhà sẽ giúp người dân tiếp cận được công nghệ sản xuất hữu cơ. Khi sản xuất được hữu cơ nhà nước, doanh nghiệp tạo điều kiện cấp mã số vùng trồng cho người dân, tiến tới cấp chứng chỉ hữu cơ, làm tem mác và giới thiệu quảng bá sản phẩm. Đây là cơ hội để lan tỏa, nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân.

Toàn huyện Vũ Quang hiện đã phát triển được hơn 2.900 ha cây ăn quả có múi. Trong đó, diện tích cam khoảng 2.300 ha. Tiềm năng phát triển các mô hình canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ đang khá dồi dào, tuy nhiên thị trường đầu ra sản phẩm đang phụ thuộc thương lái, chưa có đầu mối thu mua quy mô lớn nên giá trị của cam, bưởi hữu cơ chưa được đánh giá đúng tiềm năng.

Người trồng cây ăn quả ở Vũ Quang mong muốn, chính quyền địa phương tiếp tục thu hút doanh nghiệp liên kết bao tiêu đầu ra ổn định cho người dân để bà con yên tâm duy trì đầu tư thâm canh theo tiêu chuẩn hữu cơ một cách bền vững./.

Nguyễn Hoàn

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh