Đặc biệt, giải pháp sạ cụm, sạ cụm kết hợp bón vùi phân đã được đưa vào thực hiện Đề án “một triệu héc-ta” (theo Quyết định 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 của Thủ Tướng Chính Phủ).
Có được các kết quả trên là cả một chuỗi thời gian dài từ năm 2019 đến nay với việc liên tục cải tiến máy móc để thích ứng với từng điều kiện cơ lý đồng ruộng Việt Nam cũng như không ngừng thử nghiệm, xác định các yếu tố trong gói kỹ thuật canh tác kèm theo để có được các mô hình hiệu quả ở từng điều kiện sinh thái khác nhau.
Một số mô hình cụ thể dưới đây chứng minh cho hiệu quả của giải pháp sạ cụm, sạ cụm kết hợp vùi phân:
1. Vụ Hè Thu 2023, Công ty TNHH TMDV Sài Gòn Kim Hồng (SGKH) đã phối hợp cùng Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền thực hiện mô hình canh tác lúa thông minh tại xã Lương An Trà - Tri Tôn, An Giang:
Mô hình thực hiện trên giống lúa OM18, diện tích 3 ha, sử dụng phân bón Đầu Trâu Tăng Trưởng (ĐTTT) và Đầu Trâu Chắc Hạt (ĐTCH) theo 03 công thức:
- Công thức 1 (sạ lan, bón vãi): Sạ lan lượng giống 150 kg/ha và bón phân tự do trên thị trường (70 kg lân, 58 kg DAP, 240 kg NPK 16-16-8, 55 kg Ure, 30 kg Kali)/ha.
Tổng lượng bón là: 77N, 66 P2O5 và 47 K2O.
- Công thức 2 (sạ cụm, bón vãi): Sạ cụm lượng giống 60 kg/ha và bón vãi 300 kg ĐTTT/ha vào 02 thời kỳ thúc đẻ nhánh và 100 kg ĐTCH/ha lúc đón đòng.
Tổng lượng bón là: 73N, 42 P2O5 và 37 K2O.
- Công thức 3 (sạ cụm, bón vùi): Sạ cụm lượng giống 60 kg/ha và bón vùi 210 kg ĐTTT cùng lúc gieo sạ (giảm 30% lượng phân ĐTTT so công thức 2) + 100 kg ĐTCH lúc đón đòng.
Tổng lượng bón là: 55,9 N, 31,2 P2O5 và 31,6 K2O.
Kết quả mô hình:
+ Công thức 1 (sạ lan, bón vãi): Năng suất lúa 5,40 tấn/ha; lợi nhuận 21,8 triệu đồng/ha
+ Công thức 2 (sạ cụm, bón vãi): Năng suất lúa 5,67 tấn/ha; lợi nhuận 23,4 triệu đồng/ha;
+ Công thức 3 (sạ cụm, bón vùi): Năng suất lúa 5,92 tấn/ha; lợi nhuận 26,8 triệu đồng/ha.
Qua đó, cho thấy:
- So sánh yếu tố sạ cụm của công thức 2 với yếu tố sạ lan của công thức 1: Chỉ bằng giải pháp sạ cụm, công thức 2 (sạ cụm, bón vãi) cho năng suất 5,67 tấn/ha, bội thu 0,27 tấn/ha (tăng 5%) so với công thức 1 (sạ lan, bón vãi) chỉ cho năng suất 5,40 tấn/ha;
Qua đó, lợi nhuận công thức 2 (sạ cụm, bón vãi) đạt 23,4 triệu đồng/ha, cao hơn 1,6 triệu đồng/ha (tăng 7,3%) so với công thức 1 (sạ lan, bón vãi) chỉ cho lợi nhuận 21,8 triệu đồng/ha;
- So sánh yếu tố bón vùi phân của công thức 3 với yếu tố bón vải phân của công thức 2: Chỉ bằng giải pháp bón vùi, công thức 3 (sạ cụm, bón vùi), mặc dù giảm 30% lượng phân ĐTTT so với công thức 2 (sạ cụm, bón vãi), nhưng năng suất vẫn đạt 5,92 tấn/ha, bội thu 0,25 tấn/ha (tăng 4,4%) so với công thức 2 (sạ cụm, bón vãi) chỉ cho năng suất 5,67 tấn/ha;
Qua đó, lợi nhuận công thức 3 (sạ cụm, bón vùi) đạt 26,8 triệu đồng/ha, cao hơn 3,4 triệu đồng/ha (tăng 14,5%) so với công thức 2 (sạ cụm, bón vãi) chỉ cho lợi nhuận 23,4 triệu đồng/ha;
- So sánh yếu tố sạ cụm, bón vùi phân của công thức 3 với yếu tố sạ lan, bón vải phân của công thức 1: Bằng giải pháp vừa sạ cụm, vừa bón vùi phân, công thức 3 (sạ cụm, bón vùi) đạt năng suất 5,92 tấn/ha, vượt xa năng suất công thức 1 (sạ lan, bón vãi) 0,52 tấn/ha (tăng 9,6%) và qua đó, lợi nhuận tăng 5 triệu đồng/ha (tăng 22,9%).
Qua kết quả mô hình trên và từ nhiều mô hình khác trong sản xuất cho thấy:
(i) Giải pháp sạ cụm là hiệu quả hơn giải pháp sạ lan;
(ii) Đồng thời, nếu kết hợp được giải pháp sạ cụm với bón vùi phân thì hiệu quả kinh tế sản xuất lúa còn cao hơn nữa.
Đây là cơ sở để Đề án “một triệu héc-ta” đưa giải pháp sạ cụm, sạ cụm vùi phân của SGKH vào nội dung giải pháp kỹ thuật cơ giới hóa khâu xuống giống thực hiện Đề án.
    |
 |
Điểm mô hình sạ cụm bón vùi phân tại xã Lương An Trà - Tri Tôn - An Giang, vụ HT 2023 |
2. Trên cơ sở đó, vụ Hè Thu 2024, giải pháp sạ cụm vùi phân của SGKH đã được sử dụng để thực hiện mô hình thí điểm Đề án “một triệu héc-ta” trên địa bàn tỉnh Trà Vinh (HTX Phước Hảo – xã Phước Hảo - huyện Châu Thành). Tiếp đó, vụ Thu Đông 2024 được thực hiện tại Đồng Tháp (HTX Thắng Lợi – xã Láng Biển - huyện Tháp Mười) và Kiên Giang (HTX DVNN Thanh Niên Phú Hòa - xã Tân Hội – huyện Tân Hiệp):
Tại Trà Vinh mô hình thực hiện 50 ha với giống lúa ST24 trên nền phân hữu cơ Con Voi - Bình Dương;
Tại Đồng Tháp mô hình thực hiện 24,5 ha với giống lúa OM18 trên nền phân Đầu Trâu;
Tại Kiên Giang mô hình thực hiện 18 ha với giống lúa Đài Thơm 8 trên nền phân Bình Điền II.
Các mô hình được thực hiện theo quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của Đề án “một triệu héc-ta” đã được phê duyệt theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Các điểm mô hình tại Trà Vinh, Đồng Tháp và Kiên Giang đã được Cục Trồng Trọt cùng với các đơn vị thuộc Bộ phối hợp các địa phương kiểm tra, tổng kết, đánh giá.
Qua tổng kết, đánh giá, cho thấy kết quả đạt được tại các điểm mô hình là thực sự đáng ghi nhận, đặc biệt là các kết quả về mặt kỹ thuật đều đạt và vượt qua tất cả các chỉ tiêu của Đề án.
Kết quả cụ thể:
- Lượng giống gieo sạ chỉ sử dụng từ 60 kg/ha (Trà Vinh) – 70 kg/ha (Đồng Tháp, Kiên Giang), bình quân 64,6 kg/ha, thấp hơn lượng giống sạ lan trong sản xuất bình quân 81 kg/ha (giảm 55,7% lượng giống sử dụng), đáp ứng chỉ tiêu lượng giống gieo sạ theo Đề án đến năm 2030 là dưới 70 kg/ha;
- Lượng phân đa lượng nguyên chất (N, P2O5, K2O): Do ruộng sạ thưa, nhu cầu dinh dưỡng khoáng giảm bớt nên mô hình chỉ sử dụng từ 144 – 147 kg/ha (Trà Vinh, Kiên Giang) đến 177 kg/ha (Đồng Tháp), bình quân 153 kg/ha, thấp hơn tổng lượng phân sử dụng trong sản xuất bình quân 97,4 kg/ha (giảm 38,9% tổng lượng phân sử dụng);
Riêng đối với phân đạm, các điểm mô hình chỉ sử dụng 66 – 67 kg/ha (Kiên Giang, Trà Vinh) đến 80 kg/ha (Đồng Tháp), bình quân 70,2 kg/ha, thấp hơn lượng phân đạm sử dụng trong sản xuất bình quân 57,6 kg/ha (giảm 45,1% lượng đạm sử dụng), đáp ứng chỉ tiêu của Đề án giảm lượng phân bón hóa học sử dụng đến năm 2030 là 30%;
- Số lần phun thuốc BVTV: Do sạ thưa, ruộng lúa đầy đủ ánh sánh và sử dụng ít phân bón, đặc biệt là phân đạm nên mô hình giảm áp lực sâu bệnh khá rõ, chỉ phun thuốc BVTV từ 5 lần (Trà Vinh), 6 lần (Kiên Giang) đến 7 lần (Đồng Tháp), bình quân 5,7 lần/vụ, thấp hơn số lần phun trong sản xuất bình quân 2,6 lần/vụ (giảm 31,2% số lần phun), đáp ứng chỉ tiêu của Đề án giảm sử dụng thuốc BVTV hóa học đến năm 2030 là 30%. Theo đó, điểm mô hình lúa tại Trà Vinh đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn VietGAP và có giá bán cao hơn lúa trong vùng 350 đồng/kg;
- Chi phí sản xuất: Từ 18.059.000 – 18.712.000 đồng/ha (Đồng Tháp, Kiên Giang) đến 22.380.000 đồng/ha (Trà Vinh), bình quân 20.521.746 đồng/ha, thấp hơn chi phí trong sản xuất bình quân 3.097.486 đồng/ha (giảm 13,1% chi phí sản suất). Điều này thật sự có ý nghĩa trong bối cảnh vật tư tăng giá;
- Năng suất lúa: Mặc dầu cuối vụ Hè Thu và suốt vụ Thu Đông khí hậu, thời tiết diễn ra không thuận lợi, các cơn mưa ít xảy ra nhưng lượng mưa nhiều và kéo dài kèm theo giông và gió to gây khó khăn trong công tác chăm sóc và thu hoạch lúa, nhưng với việc tuân thủ thực hiện các giải pháp chỉ đạo sản xuất sâu sát, kịp thời nên năng suất lúa vẫn đảm bảo từ 46,8 tạ/ha (Kiên Giang), 58,8 tạ/ha (Đồng Tháp) đến 66 tạ/ha (Trà Vinh), bình quân 61 tạ/ha, cao hơn năng suất lúa ngoài sản xuất bình quân 3,1 tạ/ha (tăng 5,3% năng suất lúa);
- Lợi nhuận và tỉ suất lợi nhuận: Với năng suất lúa tăng bình quân 5,3%, chi phí sản xuất giảm bình quân 13,1% so với ngoài sản xuất nên lợi nhuận đã đạt được từ 20.732.000 đồng/ha (Kiên Giang), 32.852.554 đồng/ha (Đồng Tháp) đến 45.570.000 đồng/ha (Trà Vinh), bình quân 37.368.255 đồng/ha, cao hơn lợi nhuận ngoài sản xuất bình quân 6.455.920 đồng/ha (tăng 20,9% lợi nhuận). Qua đây, cũng tính được tỉ suất lợi nhuận đã đạt được 64,6%, vượt chỉ tiêu 50% của Đề án;
- Giá thành sản xuất lúa: Từ 2.941 đồng/kg lúa (Đồng Tháp), 3.391 đồng/kg (Trà Vinh) đến 3.998 đồng/kg (Kiên Giang), bình quân 3.362 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất lúa ngoài sản xuất bình quân 713 đồng/kg (giảm 17,5% giá thành sản xuất lúa);
- Giảm phát thải: Lượng phát thải 5,36 tấn CO2tđ/ha (Trà Vinh), 6 tấn CO2tđ/ha (Kiên Giang), 6,41 tấn CO2tđ/ha (Đồng Tháp), bình quân 5,76 tấn CO2tđ/ha, thấp hơn lượng phát thải ngoài sản xuất bình quân 6,99 tấn CO2tđ/ha (giảm 54,8% lượng phát thải), vượt chỉ tiêu 10% của Đề án (Điểm lưu ý trong qui trình canh tác: Ở cả 03 điểm mô hình đều rút nước 3 lần trong vụ, nhưng điểm Trà Vinh sử dụng lượng phân ít hơn nên phát thải cũng thấp hơn).
Các kết quả trên đã được lãnh đạo Bộ NN-PTNT, các địa phương và người sản xuất đánh giá rất cao tại các hội nghị tổng kết, tất cả đều thấy được kết quả các mô hình thí điểm tại Trà Vinh, Đồng Tháp và Kiên Giang đã đáp ứng được các yêu cầu (về mặt kỹ thuật) của Đề án “một triệu héc-ta”.
    |
 |
Điểm mô hình tại HTX DVNN Thanh niên Phú Hoà (xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang) |
3. Một điểm mô hình khác đáng ghi nhận thuộc Dự án khuyến nông trung ương “Xây dựng mô hình canh tác lúa giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu của Đồng bằng Sông Cửu Long”:
Mô hình thực hiện vụ Đông Xuân 2024 – 2025 tại xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm – Sóc Trăng trên diện tích 50 ha.
Giống lúa sử dụng ST25, với lượng giống gieo sạ 70 kg/ha, xuống giống theo hình thức sạ cụm vùi phân.
Kết quả mô hình:
- Năng suất lúa sạ cụm, vùi phân trong mô hình đạt 6,87 tấn/ha, cao hơn 0,93 tấn/ha (tăng 15,7%) so với năng suất lúa sạ lan, bón vải phân bên ngoài chỉ đạt 5,94 tấn/ha;
- Qua đó, hiệu quả kinh tế lúa sạ cụm, vùi phân trong mô hình đạt 39.247.000 đồng/ha, cao hơn 9.353.000 đồng/ha (tăng 31,3%) so với hiệu quả kinh tế lúa sạ lan, bón phân vải bên ngoài chỉ đạt 29.894.000 đồng/ha.
Qua kết quả thực tế các mô hình trên, có thể nói giải pháp sạ cụm, đặc biệt là sạ cụm kết hợp bón vùi phân, là giải pháp cơ giới hóa khâu xuống giống hiệu quả, góp phần thúc đẩy canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Ngô Văn Đây