Qua kết quả chuyến tham quan học tập sự kiện Agritechnica Asia live 2022 với chủ đề "Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Hiệp hội Nông nghiệp Ðức và Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế tổ chức từ ngày 24 đến 26/8/2022 tại thành phố Cần Thơ.

Tại đây, các địa phương đã được tham quan trực tiếp nhiều hoạt động cơ giới hóa trên cây lúa, trong đó nổi trội là máy sạ lúa theo cụm do Công ty THHH TMDV Sài Gòn Kim Hồng nhập khẩu từ Hàn Quốc và mô hình sạ lúa theo cụm trên nền phân bón Bình Điền do Công ty TNHH TMDV Sài Gòn Kim Hồng phối hợp Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền trực tiếp thực hiện tại Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long.

Mô hình đã chứng minh rất nhiều ưu điểm và giải quyết được nhiều điểm nghẽn trong sản xuất lúa hiện nay: Giảm giống, giảm phân bón hóa học, giảm lượng thuốc BVTV sử dụng, tăng năng suất, tăng chất lượng và HQKT sản xuất lúa và đặc biệt là giảm được lượng phát thải, góp phần cho sản xuất lúa bền vững, đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa gắn với tăng trưởng xanh hiện nay.

Trên cơ sở đó, ngày 25/4/2022, Cục Trồng trọt đã đưa mô hình sạ cụm vào quy trình canh tác lúa giảm chi phí tại quyết định số 73/QĐ-TT-VPPN.

leftcenterrightdel
Máy sạ cụm bắt đầu “Bắc tiến " theo nhu cầu “nóng” của các địa phương miền Trung và phía Bắc 

Từ các lợi thế “tai nghe, mắt thấy” như trên, sau sự kiện Agritechnica Asia live 2022, máy sạ cụm bắt đầu “Bắc tiến " theo nhu cầu “nóng” của các địa phương miền Trung và phía Bắc. Tại các địa phương phía Bắc, ngay từ vụ Đông Xuân 2022 – 2023, nhiều đơn vị khuyến nông, thậm chí nhiều bà con nông dân tự liên hệ với Sài Gòn Kim Hồng đặt hàng làm thử nghiệm mô hình sạ lúa theo cụm, như Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Hà Tỉnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội, Hà Nam, Thái Bình …

Đáp ứng yêu cầu của sản xuất, Sài Gòn Kim Hồng đã ra quân ngay từ những ngày trước tết âm lịch kéo dài ra sau tết âm lịch dưới cái rét gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự nảy mầm và sinh trưởng của ruộng mạ những ngày đầu sau gieo.

Nhìn chung, kết quả bước đầu của mô hình sạ cụm trên đồng ruộng các tỉnh phía Bắc vụ ĐX 2022 – 2023 khá khả quan. Qua kết quả thử nghiệm, nhiều địa phương đánh giá rất cao máy sạ cụm, ruộng sạ cụm và đã có chủ trương đầu tư cho sản xuất, như Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, Hà Nội, Hưng Yên…

Có thể đánh giá tóm tắt kết quả mô hình sạ cụm vụ Đông Xuân 2022 – 2023 tại các tỉnh phía Bắc từ số liệu thực tế của chính người nông dân trực tiếp xây dựng mô hình như sau:

- Trước hết, đó là giảm được lượng giống sử dụng đáng kể.

Ngoại trừ tỉnh Thái Bình có lượng giống gieo vãi (35kg/ha) tương đương lượng giống sạ cụm thực hiện tại địa phương này (40 kg/ha); các tỉnh còn lại (Thừa Thiên – Huế, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nam) có lượng giống gieo vãi khá cao, từ 57 – 120 kg/ha, gấp đôi lượng giống sạ cụm (30 – 60 kg/ha), nghĩa là sạ cụm đã giúp giảm 50% lượng hạt giống sử dụng tại 04 địa phương này.

Bình quân chung cả 05 tỉnh thực hiện mô hình, lượng giống gieo vãi 74,4 kg/ha, lượng giống sạ cụm 44,5 kg/ha, giảm 30 kg/ha, nghĩa là sạ cụm đã giảm hơn 40% lượng hạt giống sử dụng so với gieo vãi. Đây là kết quả đáng ghi nhận, vượt qua bình quân lượng giống sạ cụm thực hiện tại các tỉnh phía Nam (từ 40 – 60 kg/ha). Lượng giống gieo sạ thấp là điểm khởi đầu cho các lợi thế khác đi kèm theo, như giảm phân, giảm áp lực sâu bệnh, hạn chế đổ ngã, giảm phát thải…

leftcenterrightdel
 Ruộng sạ cụm nếp 97 tại Thanh Hóa

- Thứ hai, là giảm áp lực sâu bệnh đáng kể nhờ sạ thưa, sạ theo cụm, ruộng lúa thẳng hàng, thông thoáng, tiếp nhận đầy đủ ánh sáng.

Tại Thừa Thiên – Huế, ruộng sạ cụm rất ít sâu bệnh so với ruộng gieo vãi, gieo dày trong vùng. Đặc biệt, giống lúa Nhật J02 rất mẫn cảm với bệnh khô vằn và đạo ôn, nhưng ruộng lúa sạ cụm vẫn trụ vững, không nhiễm hai bệnh này như ruộng lúa gieo vãi ngoài sản xuất.

Tại Thanh Hóa, mặc dù thời tiết có nhiều yếu tố bất thuận, tạo điều kiện cho các loài sâu bệnh phát sinh gây hại, song qua theo dõi thì tỷ lệ sâu bệnh hại của ruộng sạ cụm thấp hơn nhiều so với ruộng lúa gieo cấy thông thường. Thực tế quan sát trên ruộng sạ cụm ít bị nhiễm đốm sọc vi khuẩn, bạc lá trong khi đó cùng giống lúa Nếp Tẻ 97 nhưng cấy theo phương pháp truyền thống tỷ lệ nhiễm sâu bệnh khá cao.

Tại Thái Bình, cả 2 ruộng sạ cụm Đài Thơm 8 và Nếp 97 đều có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn so với đối chứng gieo vãi, đặc biệt là bệnh đạo ôn, khô vằn, từ đó giảm gần 30% chi phí thuốc và nhân công phun thuốc BVTV - Ông Nguyễn Văn Nghiễm, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông thành phố Thái Bình cho biết.

leftcenterrightdel
Ruộng sạ cụm giống J02 tại Thừa Thiên – Huế 

- Thứ ba, là năng suất ruộng lúa sạ cụm tại 05 địa phương thực hiện mô hình đều cao hơn so với gieo vãi, kể cả so với lúa cấy.

Bình quân năng suất ruộng lúa sạ cụm tại 05 địa phương thực hiện mô hình là 63,8 tạ/ha, cao hơn 6,4 tạ/ha so với bình quân năng suất ruộng lúa gieo vãi trong vùng chỉ đạt 57,4 tạ/ha, vượt 11,1%.

Từ đó, lợi nhuận ruộng sạ cụm cao hơn so với ruộng gieo vãi từ 3.262.000 đồng/ha (điểm mô hình Thái Bình) đến 6.875.000 đồng/ha (điểm mô hình Thanh Hóa), bình quân cao hơn 4.749.706 đồng/ha (lợi nhuận tăng thêm 26,7%).

Điểm mô hình tại Thừa Thiên – Huế đạt năng suất ruộng lúa sạ cụm cao nhất (85 tạ/ha), cao hơn năng suất ruộng gieo vãi trong vùng 20 tạ/ha (vượt 30,7%). Ngay tại hội thảo có lãnh đạo ngành tham dự, người sản xuất đã được hỗ trợ “nóng” 02 máy sạ cụm để kịp phục vụ sản xuất vụ lúa Hè Thu 2023.

Ngoài ra, tại các điểm mô hình, phần lớn người sản xuất đều cho rằng ứng dụng sạ cụm giúp nâng cao được năng suất khâu xuống giống, giúp chủ động được thời vụ trong điều kiện thiếu nhân công.

Tại hội thảo đầu bờ mô hình, ông Đinh Xuân Ánh – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Hoằng Hóa – Thanh Hóa tâm đắc: “Áp dụng biện pháp sạ cụm trong thâm canh lúa đảm bảo lượng giống gieo đúng quy trình kỹ thuật, rút ngắn được thời gian sinh trưởng từ 7 – 10 ngày, khả năng sinh trưởng mạnh, thời gian trỗ tập trung, bông lúa to dài, nhiều hạt, tỷ lệ hạt chắc cao. Có thể nói đây là một lợi thế trong việc bố trí cơ cấu mùa vụ, đặc biệt giảm áp lực về thời vụ đối với việc chuyển vụ từ vụ xuân sang vụ mùa đối với thâm canh lúa”.

Ông Ánh cũng cho rằng: So với giải pháp cấy truyền thống, phương pháp sạ cụm giảm đáng kể chi phí gieo cấy, chỉ mất 1 triệu đồng/ha, trong khi công cấy thông thường 5 triệu đồng/ha, vì vậy hiệu quả kinh tế nâng lên rõ rệt.

Ông Nguyễn Văn Nghiễm – Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Thành phố Thái Bình cũng cho biết thêm: Ứng dụng máy sạ cụm không những khắc phục được tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng mà còn là giải pháp thúc đẩy dồn điền đổi thửa, hạn chế diện tích bỏ hoang ngày càng nhiều hiện nay tại các địa phương.

Nhìn chung, kết quả ruộng lúa sạ cụm được người sản xuất, hợp tác xã và ngành chuyên môn cùng chính quyền các địa phương phía Bắc đánh giá cao, trong đó đặc biệt nhấn mạnh ưu điểm về giảm giống, giảm sâu bệnh, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng và chống đổ ngã của ruộng lúa sạ cụm. Ngoài ra, lúa sạ theo cụm thẳng hàng như lúa cấy, dễ làm cỏ, dễ khử lẫn, nhưng có chi phí thấp hơn; đây là lợi thế cơ bản của giải pháp sạ cụm so với giải pháp cấy truyền thống.

Như vậy, cũng như các địa phương phía Nam, tại các tỉnh phía Bắc máy sạ cụm đã cho thấy đây là giải pháp đem lại kết quả kép cho người nông dân, vừa nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế sản xuất lúa, vừa nâng cao năng suất lao động.

Ngô Văn Đây