Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Lào Cai

 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình OCOP, toàn tỉnh đã có 24 sản phẩm hạng 4 sao, 96 sản phẩm hạng 3 sao. Hầu hết các sản phẩm sau khi được cấp sao OCOP đều có sự phát triển cả về quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, khẳng định được vị thế trên thị trường. Trong đó, có nhiều sản phẩm đã vươn ra thị trường thế giới, như: các sản phẩm như chè Bản Liền của HTX Bản Liền đã xuất khẩu vào thị trường các nước Châu Âu; sản phẩm quế ống sáo của HTX Tâm Hợi đã xuất khẩu vào thị trường các nước Châu Âu; sản phẩm mật ong núi đá của cơ sở Cao Văn Chiến đã xuất khẩu vào thị trường Đài Loan; chè của công ty TNHH MTV Mường Hoa đã xuất khẩu vào thị trường Đài Loan, thông qua các doanh nghiệp xuất khẩu trung gian... Đồng thời, chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về du lịch như HTX Tả Phìn Xanh, sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP, như các nghề truyền thống ở các huyện Bát Xát, Mường Khương, thị xã Sa Pa… Một số sản phẩm OCOP đã khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, như: gạo nếp Thẩm Dương, gạo Séng Cù, các sản phẩm dược liệu của Công ty TNHH TraPhaCo, tương ớt Mường Khương…

Cùng với đó, sức lan tỏa của chương trình đã làm thay đổi nhận thức, thói quen tiêu dùng của người dân. Bà Cao Thị Thùy Dung chủ cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP thuộc Hội Nông sản tỉnh Lào Cai, cho biết: Sau thời gian tuyên truyền, ngày càng nhiều người tiêu dùng lựa chọn sử dụng sản phẩm OCOP tỉnh Lào Cai và các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các sản phẩm thuộc nhóm hàng thực phẩm, đồ uống. Tuy nhiên, đa phần khách hàng đều lựa chọn, tìm kiếm những sản phẩm có hạng sao cao (từ 4 sao trở lên), nhờ đó các sản phẩm này có sức tiêu thụ mạnh hơn. Do đó, để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, các chủ thể có sản phẩm đã được công nhận cần nỗ lực giữ vững tiêu chí và chú trọng đến việc nâng sao cho các sản phẩm. Đây được xem là cách làm hữu hiệu để khẳng định uy tín, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm đối với thị trường.

Sản phẩm Bưởi Múc (sản phẩm nâng sao năm 2021) của tỉnh Lào Cai

 

Trong quyết định công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh quy định rõ về thời gian hiệu lực (trong vòng 3 năm), tuy nhiên không có quy định về thời hạn cần nâng sao cho các sản phẩm.  Ông Nguyễn Tiến Đạt - Trưởng phòng Cơ điện, NNNT Chi cục Phát triển nông thôn (Thường trực Chương trình OCOP), cho biết: Quá trình nâng sao cho sản phẩm OCOP là tất yếu nhưng không phải bắt buộc với các chủ thể. Để thực hiện nâng từ 3 sao lên 4 sao, chủ thể phải chứng minh được sự mở rộng về quy mô sản xuất, đổi mới quy trình, mở rộng thị trường tiêu thụ; các tiêu chí về chất lượng sản phẩm phải hoàn thiện theo thang điểm của sản phẩm hạng 4 sao và có hồ sơ đăng ký trình hội đồng thẩm định, xét, công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đối với các sản phẩm OCOP từ hạng 4 sao muốn nâng lên hạng 5 sao lại càng khó khăn, khi mức độ của hạng 5 sao do Hội đồng Trung ương xét, công nhận.

Thực tế cho thấy, nguyên nhân chính để hạn chế số lượng chủ thể đăng ký, xét nâng sao cho sản phẩm chính là quy định chặt chẽ về chất lượng, tiêu chuẩn đánh giá. Theo đó, để nâng cấp dây chuyền, máy móc sản xuất cần nguồn kinh phí tương đối lớn, trong khi hầu hết chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP của tỉnh đều ở quy mô nhỏ, siêu nhỏ và các hộ sản xuất cá thể nên mặc dù hiểu được lợi ích từ nâng hạng sao nhưng nhiều chủ thể chưa đủ điều kiện để mạnh dạn đầu tư.

Bà Vũ Thị Thắm - HTX chế biến thực phẩm sạch Gia Phú cho biết: Năm 2019, HTX có 3 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP tỉnh hạng 3 sao; năm 2021 có 1 sản phẩm  OCOP tỉnh hạng 3 sao. Sau hơn 3 năm được công nhận sản phẩm đã phát triển về quy mô sản xuất, sức tiêu thụ và doanh thu. Đồng thời, HTX cũng chú trọng đầu tư về chất lượng, bao bì, nhãn mác, tem truy xuất, phát triển website... Tuy nhiên, chi phí để nâng cấp dây chuyền, quy mô sản xuất, đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn ở khung sản phẩm hạng 4 sao là rất lớn. Do đó, cơ sở chưa đủ điều kiện để đăng ký nâng hạng sao cho các sản phẩm mà chỉ chú trọng giữ vững tiêu chí, chất lượng cho sản phẩm để hội đồng cấp tỉnh xét, đánh giá công nhận sao OCOP khi đến hạn.

Cùng các khó khăn trên, hầu hết các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP hiện nay đều hạn chế, thiếu các tiêu chí về liên kết vùng nguyên liệu và các tiêu chí liên quan đến thương mại điện tử. Hoặc, đối với các sản phẩm truyền thống, mang tính đặc thù thì nhu cầu để mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ chưa thực sự cần thiết.

Chị Hoàng Thị Năm, tổ hợp tác sản xuất tương ớt Khánh Yên Thượng cho biết: “Sau khi được tuyên truyền, hướng dẫn về các điều kiện để được đăng ký nâng hạng sao cho sản phẩm, chúng tôi nhận thấy để nâng lên hạng 4 sao, sản phẩm tương ớt cần phải mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến bao bì nhãn mác, phát triển website thương mại điện tử... Những việc này đòi hỏi kinh phí khá lớn, ước tính lên đến mấy trăm triệu đồng/năm. Đối với những hộ dân như chúng tôi thực sự là khó khăn, chỉ mong được sự quan tâm của tỉnh, huyện để vững được hạng sao”.

Để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, bên cạnh việc phát triển sản phẩm OCOP mới, tỉnh Lào Cai cũng huy động sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong việc tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ các sản phẩm OCOP đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới quy trình, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và tiếp cận những thị trường mới thông qua công nghệ 4.0... Hỗ trợ các sản phẩm tham gia nhiều hội chợ, triển lãm để gia tăng cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ. Đây chính là trợ lực phù hợp để khuyến khích và kêu gọi sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo của các chủ thể, góp phần nâng tầm chất lượng của sản phẩm OCOP. Bên cạnh sự vào cuộc tích cực từ các cấp, ngành, các cơ sở xây dựng cần chủ động, mạnh dạn hơn trong đầu tư nguồn lực để nâng cao chất lượng sản phẩm, dây chuyền sản xuất cũng như mẫu mã bao bì. Ngoài ra, các cơ sở cần chủ động nêu những khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển sản phẩm để cơ quan chức năng kịp thời nắm bắt, tìm giải pháp hỗ trợ tháo gỡ. Các sản phẩm OCOP khi đạt hạng 4 hoặc 5 sao sẽ góp phần khẳng định thương hiệu, đưa sản phẩm ngày càng phát triển, vươn xa trên thị trường cũng như mang lại niềm tin cho người tiêu dùng, đồng thời, để tạo sự đột phá, khuyến khích các chủ thể tham gia nâng sao cho sản phẩm. Các địa phương, đơn vị liên quan cần tích cực tuyên truyền để các chủ thể hiểu rõ sản phẩm OCOP khi đạt hạng 4 hoặc 5 sao chính là sự khẳng định thương hiệu, là tiền đề để đưa sản phẩm phát triển, mang lại niềm tin cho người tiêu dùng; là điều kiện cần và đủ để vươn xa trên thị trường, nhất là thị trường quốc tế.

Minh Nguyệt

Chi cục PTNT Lào Cai