Tận dụng diện tích 1,5 ha đất vườn điều của gia đình, chị Trần Thị Phiên ở thôn Hòa Đại – xã Cát Hiệp đã đầu tư chăn nuôi gà dưới tán cây. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ban đầu chị mua 50 con gà mái ta về làm giống. Nhờ lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng và tích cực đầu tư chăm sóc nên đàn gà khỏe mạnh, phát triển tốt. Tất cả trứng chị đều cho ấp nở, một phần để nhân rộng đàn, một phần bán gà giống. Với cách làm đó, sau 2 năm, chị Phiên đã xây dựng được đàn gà giống ổn định 1.300 con và đàn gà thịt gần 3.000 con theo hình thức gối đầu. Ngoài ra, chị còn đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi heo. Cũng với cách làm tương tự, đến nay, đàn heo giống của chị có 30 con và gần 200 con heo thịt với nhiều lứa khác nhau. Tất cả đều được nuôi theo hình thức khép kín, xây dựng hầm bioga đảm bảo vệ sinh môi trường.

Hiện tại, mỗi tháng chị Phiên xuất bán ra thị trường từ 12.000 – 13.000 con gà giống, khoảng 1.000 con gà thịt (mỗi con khoảng 1,7kg) và khoảng 65 con heo thịt (mỗi con trên 80kg). Với giá gà giống ổn định 10.000 đồng/con, còn gà thịt và giá heo thịt biến động theo thị trường, sau khi trừ chi phí đầu tư, chị thu lãi khoảng 40 triệu đồng/tháng.

Chị Phiên chăm sóc đàn lợn của gia đình

 

Với 01 ha đất màu, chị Đặng Thị Hạnh ở thôn An Điềm xã Cát Lâm luân phiên sản xuất các loại cây trồng cạn như: đậu phụng (lạc), dưa hấu, bắp lai (ngô), dưa leo, bí đao, dưa lê, mè (vừng)… Nhờ tích cực đầu tư chăm sóc, khoan giếng khai thác mạch nước ngầm chủ động bơm tưới; đồng thời nắm bắt được cơ cấu mùa vụ và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc nên các loại cây trồng của gia đình chị luôn phát triển tốt, cho năng suất ổn định. Mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình chị Hạnh thu lãi từ cây trồng cạn hơn 100 triệu đồng.

Ngoài ra, tận dụng nguồn phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp, chị Hạnh còn đầu tư nuôi bò sinh sản. Hiện đàn bò của gia đình chị có 8 con, trong đó có 6 bò cái sinh sản. Từ đàn bò này, ngoài việc cung cấp nguồn phân chuồng để bón cho cây trồng, mỗi năm gia đình chị còn bán được khoảng 6 bê con với tổng thu nhập gần 100 triệu đồng.

Tận dụng nguồn phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp, chị Hạnh còn đầu tư nuôi bò sinh sản

 

Chị Huỳnh Thị Tuyết Nga, chủ cơ sở sản xuất bánh cốm kẹo Phong Nga ở thôn Xuân An, xã Cát Tường sinh ra và lớn lên trong gia đình có 3 thế hệ làm nghề cốm. Với quyết tâm đưa nghề truyền thống của gia đình và địa phương phát triển, chị Nga mạnh dạn đầu tư máy móc, thuê thêm nhân công để mở rộng quy mô sản xuất và tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Hiện tại, mỗi ngày cơ sở của chị sản xuất khoảng 1 tấn bánh cốm và kẹo các loại. Cứ khoảng 5 đến 7 ngày xuất bán từ 5-10 tấn bánh cốm cho các đại lý trên cả nước và cả nước bạn Lào, đem lại mức lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm cho gia đình với. Ngoài ra, cơ sở của chị còn tạo việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động địa phương với mức thu nhập trên 5 triệu đồng/người/tháng…

Còn rất nhiều chị em phụ nữ mạnh dạn đầu tư vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật, tích cực tham khảo, học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình thành công để tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp với gia đình mình. Những thành quả của các chị góp phần không nhỏ giúp địa phương nhanh chóng hoàn thành tiêu chí thu nhập trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Trường Giang

Trung tâm VH - TT - TT  huyện Phù Cát - Bình Định