Mường Lát 'trắng' xã nông thôn mới

Sáng 4/10, Trung tâm khuyến nông Quốc gia tổ chức hội thảo với chủ đề: “Giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp góp phần xây dựng nông thôn mới tại huyện Mường Lát, Thanh Hóa”.

Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 khách mời, trong đó có đại diện các đơn vị thuộc Bộ NN - PTNT; các cơ quan ban ngành của tỉnh Thanh Hóa; lãnh đạo huyện Mường Lát cùng đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và chăn nuôi...

Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng về kinh tế, xã hội, môi trường và các tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang áp dụng tại huyện Mường Lát; những thuận lợi, khó khăn về phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp, du lịch cộng đồng, phát triển sản phẩm OCOP, từ đó đưa ra được những định hướng và giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn huyện Mường Lát, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh cam kết sẽ xem xét nghiêm túc các đề nghị của đại biểu về phát triển nông nghiệp, nông thôn tại huyện Mường Lát

 

Phát biểu khai mạc hội Hội thảo, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, Mường Lát là một trong số các huyện khó khăn nhất cả nước, đặc biệt là về điều kiện tự nhiên, sinh thái. Trong những năm qua, địa phương đã nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa, thế nhưng sự phát triển của huyện chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có và sự hỗ trợ này.

Cũng theo ông Thanh: "Qua khảo sát địa bàn, một số sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện có thể phát triển thành chuỗi giá trị. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ NN - PTNT về việc triển khai một số mô hình phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện trong năm 2023", ông Thanh cho biết.

Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe tham luận của các đại biểu làm rõ thực trạng, giải pháp và định hướng phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp tại huyện Mường Lát…

Nhiều báo cáo tham luận của các đơn vị chỉ rõ, huyện Mường Lát là địa phương có nhiều lợi thế cho phát triển nông, lâm, thủy sản. Bên cạnh những thành tựu đã đạt về kinh tế, xã hội, đến nay, Mường Lát vẫn là huyện nghèo, kinh tế chậm phát triển so với mặt bằng chung của các huyện miền núi.

Đó là quy mô kinh tế còn nhỏ, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn nhiều so với bình quân chung của tỉnh và bình quân chung của khu vực miền núi. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu là tự cung, tự cấp. Kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; một số công trình đầu tư dàn trải, dở dang, kéo dài nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực…

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu trên chủ yếu là do, Mường Lát là huyện miền núi cao, địa hình phức tạp, chia cắt, khí hậu khắc nghiệt. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và người dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tự ti, cam chịu.

Các cấp ủy đảng, chính quyền chưa chủ động, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt để tìm ra hướng phát triển sản xuất hiệu quả, phù hợp với điều kiện ở địa phương. Nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn hạn chế. Tập quán, trình độ sản xuất của người dân còn lạc hậu. Năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế; kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm. 

Hiện tại, toàn huyện Mường Lát có 16/77 bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 20% thấp nhất khu vực miền núi). Toàn huyện chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Hội thảo có sự tham gia của hàng trăm đại biểu đại diện các đơn vị thuộc Bộ NN - PTNT, các cơ quan ban ngành UBND tỉnh Thanh Hóa

 

Mường Lát thoát nghèo bằng cách nào?

Theo thống kê của Văn phòng Điều phối Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, cả nước hiện có 74 huyện nghèo và chưa có huyện nghèo nào được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Có 16 huyện đến nay còn 'trắng' xã nông thôn mới, trong đó có huyện Mường Lát của tỉnh Thanh Hóa.

Bàn về cơ chế chính sách hỗ trợ các huyện miền núi đặc biệt khó khăn trong xây dựng nông thôn mới, trong đó có huyện Mường Lát, ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới cho biết, hiện nay Bộ NN - PTNT đã tổng hợp hoàn thiện phương án phân bổ kế hoạch vốn ngân sách trung ương còn lại của chương trình giai đoạn 2021-2025, trong đó có đề xuất bổ sung khoảng 405 tỷ đồng (bình quân khoảng 27 tỷ đồng/huyện) cho 11 tỉnh để hỗ trợ các huyện nghèo thoát khỏi tình trạng 'trắng' xã nông thôn mới, trong đó có huyện Mường Lát.

Riêng xã Mường Chanh, huyện Mường Lát sẽ được hỗ trợ bổ sung 45 tỷ đồng để tập trung hoàn thành các tiêu chí hạ tầng thiết yếu phát triển sản xuất, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Bộ NN - PTNT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện trình Thủ tướng chính phủ quyết định giao vốn cho các địa phương để thực hiện.

Ông Phương Đình Anh lưu ý thêm, để tập trung nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội ở huyện Mường Lát, trước mắt huyện cần làm tốt công tác quy hoạch. Bên cạnh đó, HĐND tỉnh Thanh Hóa cần dành một nghị quyết chuyên đề riêng đối với sự phát triển của Mường Lát trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, Mường Lát là một huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa. Do vậy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mường Lát phải tự lực, tự cường, không cam chịu nghèo khó, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Giang cũng đề nghị Bộ NN - PTNT, các cơ quan Trung ương quan tâm, hỗ trợ huyện Mường Lát xây dựng mô hình chăn nuôi tập trung; xây dựng mô hình trồng cây ăn quả ở vùng có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp; xây dựng mô hình trồng và chế biến, tiêu cây thụ dược liệu; bố trí vốn cho huyện Mường Lát để phát triển nông nghiệp gắn với du lịch…

Kết luận hội thảo, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia nhấn mạnh, cần đánh giá lại tiềm năng lợi thế của huyện Mường Lát một cách bài bản hơn, để đưa các giải pháp công nghệ phù hợp đối với sự phát triển của địa phương. Đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn, cần tập trung phát triển các giá trị bản địa, gồm cây trồng, vật nuôi, dược liệu bản địa, thậm chí là sơ chế, bảo quản bản địa, tiến tới nhân rộng các mô hình và chuyển giao công nghệ.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cam kết sẽ xem xét nghiêm túc các đề nghị của đại biểu về phát triển nông nghiệp, nông thôn tại huyện Mường Lát. Các ý kiến của đại biểu tham dự hội thảo sẽ được tổng hợp, báo cáo cơ quan có liên quan để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho huyện.

Hôm qua (3/10) trong khổ chương trình hội thảo, chiều 3/10, các đại biểu đã đi thăm một số mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Mường Lát gồm: Mô hình chăn nuôi gà thịt theo hướng hữu cơ; mô hình phát triển sản xuất sản phẩm OCOP lúa nếp Cay Nọi. Các mô hình trồng trọt, chăn nuôi tại huyện Mường Lát đang phát huy hiệu quả và có thể triển khai rộng rãi tại nhiều xã trên địa bàn huyện.

Theo Báo NNVN