Trên cơ sở các tiêu chí của FAO, dự án đã lựa chọn được 3240 hộ hưởng lợi, trong đó: Đắk Lắk, Gia Lai, mỗi tỉnh là 585 hộ; Ninh Thuận, Bình Thuận, mỗi tỉnh là 630 hộ; Kiên Giang và Bến Tre, mỗi tỉnh là 405 hộ. Đây đều là những hộ nghèo, cận nghèo và bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn; chưa được nhận hoặc được nhận rất ít các viện trợ nhân đạo; có khả năng (sức lao động) và cam kết sẵn sàng tiếp nhận giống vật tư.
Trong thời gian thực hiện, dự án đã tổ chức 2 lớp tập huấn TOT tại Đắk Lắk và Bến Tre cho cán bộ khuyến nông, khuyến nông viên; Tổ chức 65 lớp tập huấn cho các hộ hưởng lợi tại các 6 tỉnh. Thông qua việc đào tạo tập huấn, các cán bộ khuyến nông và người chăn nuôi đã nắm được kỹ thuật chăn nuôi gà, vịt an toàn sinh học và thực hành chăn nuôi tốt; kỹ thuật phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tổng số đã cấp phát 48.600 con gà mía lai, ri lai bố mẹ 21 ngày tuổi cho 2430 hộ tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, mỗi hộ nhận 20 con gà và 40 kg thức ăn hỗn hợp cho gà. Cấp 8.100 con vịt biển 18 ngày tuổi cho 405 hộ tại Bến Tre, mỗi hộ nhận 20 con vịt và 25 kg thức ăn hỗn hợp cho vịt. Tại Kiên Giang, đã hỗ trợ tiền “có điều kiện” để các hộ mua giống và vật tư nông nghiệp, tổng số đã hỗ trợ là 486 triệu đồng cho 405 hộ, mỗi hộ được nhận 1,2 triệu đồng.
Hàng nghìn hộ dân đã được hưởng lợi từ dự án
Mặc dù có nhiều khó khăn khi thực hiện do trình độ của người dân hạn chế, diễn biến thời tiết phức tạp, nhưng theo đánh giá của cán bộ khuyến nông trực tiếp tham gia dự án, đa số hộ dân được hưởng lợi đã biết cách chăm sóc nuôi dưỡng đàn gà, vịt theo quy trình kỹ thuật. Nguồn thu từ đàn gà, vịt không lớn nhưng rất có ý nghĩa với các hộ nghèo, cận nghèo. Hiện nay một số hộ dân đã tuyển chọn gà mái để nuôi sinh sản lấy trứng hoặc ấp nở để tạo con giống, duy trì phát triển đàn gà. Đàn vịt biển cho thấy khả năng phát triển ở vùng bị xâm nhập mặn nên nhiều hộ có nhu cầu giữ vịt mái nuôi sinh sản.
Dự án đã giúp cho các hộ nông dân nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, tư đó có cách để bảo vệ gia đình, tài sản của mình trước và sau thiên tai. Ngoài ra, dự án đã hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăn nuôi gà, vịt theo hướng an toàn sinh học nhằm đảm bảo sức khoẻ cho đàn gà, vịt và cho người chăn nuôi để tạo ra sản phẩm có chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, hạn chế ô nhiễm môi trường. Qua đó, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, tạo sinh kế bền vững và góp phần xây dựng nông thôn mới phù hợp với xu hướng phát triễn của xã hội hiện nay.
Nguyễn Thị Liên Hương
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia