Ruộng trũng thành vườn rau

 

Nhìn lên ngôi nhà khang trang mới vừa xây xong ông Vinh không dấu được niềm tự hào khoe với chúng tôi: “Chi phí xây dựng ngôi nhà này có giá đến gần 800 triệu đồng, tiền xây nhà hoàn toàn từ thu nhập của vườn rau này”. Vườn rau của ông có diện tích khoảng 4 sào, trên khu vườn này ông Vinh đã sản xuất cung cấp cho thị trường khoảng hơn 20 tấn rau các loại, thu nhập cũng đến gần 200 triệu đồng.


Để có được vườn rau “ăn nên làm ra” như hôm nay là cả một quá trình cải tạo của ông Vinh. Ông Vinh cho biết, hơn 20 năm về trước khu vườn của ông bây giờ chỉ toàn ruộng trũng sình lầy, mùa mưa chỉ có nước tù không thể trồng trọt được cây gì. Trong khi đó khu vực này nhu cầu rau tươi phục vụ ngư dân đi biển rất lớn. Từ những lý do đó ông Vinh đã quyết tâm cải tạo khu vực ruộng trũng của mình. “Hơn 2000 m3 đất đổ xuống khu vực này mới có vườn rau như ngày hôm nay” ông Vinh nói.


Với hơn 20 loại rau các loại được phân chia theo mùa vụ để vừa phù hợp với thời tiết và nhu cầu thị trường. Ông Vinh cho biết, thông thường vào từ tháng 9 đến tháng 3 dương lịch ưu tiên trồng các loại rau như súp lơ, su hào để tận dụng khí hậu mùa lạnh. Những tháng còn lại trong năm ưu tiên sản xuất các đối tượng cải ngọt, cải xanh, mồng tơi, húng quế… Những loại rau này luôn chiếm đến 80% của sản lượng rau trong vườn bởi nhu cầu các loại rau này luôn lớn và cho hiệu quả kinh tế cao.

 

 

Vườn trồng rau của ông Vinh là điểm đến quen thuộc của bà con trong vùng để học tập kinh nghiệm.

 

Hướng đến rau an toàn

 

Với nhu cầu ngày càng cao về chất lượng của rau sản xuất, ông Vinh đang chọn hướng đi sản xuất rau an toàn để đáp ứng nhu cầu thị trường. Ông cho biết, những năm qua Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật tỉnh thường xuyên xuống hướng dẫn cho bà con trong khu vực về quy trình kỹ thuật trồng rau an toàn. Kể từ khi tiếp cận với quy trình sản xuất rau này, ông đã ý thức về trách nhiệm của người sản xuất đối với người tiêu dùng. Hiện nay ông chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học để bảo vệ rau và thực hiện quy trình cách ly thuốc theo đúng quy định trước khi tiêu thụ. Bên cạnh đó, ông cũng tăng cường sử dụng phân vi sinh và phân hữu cơ để tăng độ an toàn và chất lượng cây rau, chỉ sử dụng nguồn nước từ giếng khoan và thường xuyên lấy mẫu phân tích nguồn nước trước khi tưới cho rau.

 

Hiện nay ông Vinh là thành viên chủ lực của Hợp tác xã (HTX) sản xuất rau an toàn Thắng Lợi với hơn 25 xã viên tham gia và đã được Chi Cục Trồng trọt & Bảo vệ Thực vật tỉnh cấp Giấy chứng nhận là cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất rau quả. Trong thời gian tới sản phẩm rau từ HTX sẽ được sơ chế đóng gói trước khi bán ra ngoài thị trường. Ông Vinh nhận định, cách làm này trong thời gian đầu sẽ “lộng cộng” vì người trồng rau lâu nay chỉ quen đem thu hoạch bán ngay trực tiếp cho thương lái, tuy nhiên “Tui nghĩ là phải cố gắng để từng bước gây dựng thương hiệu để mang lại giá trị lớn hơn cho rau của mình”- ông Vinh nói.

 

Điều vui mừng hơn nữa là các thành viên trong HTX Thắng lợi hiện nay đang tham gia vào lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn về nội dung “Trồng rau an toàn” do Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh chủ trì tổ chức. “Hầu hết bà con tham gia lớp học này đều rất hài lòng về phương pháp dạy cầm tay chỉ việc”- ông Vinh nói, với lớp học này hy vọng trong tương lai không xa không chỉ ông Vinh mà nhiều bà con trồng rau khu vực này sẽ biết cách trồng rau an toàn hiệu quả hơn và có cuộc sống khấm khá hơn.

 

Trần Ân Phong