Chia sẻ bí quyết chăm sóc để vườn vải thiều sai trĩu quả, ông Nguyễn Văn An cho biết, nhờ chú trọng chăm sóc cây vải từ khi phân hóa mầm hoa đến khi ra hoa, đậu quả, bón phân cân đối mà hầu như vụ vải thiều nào cũng được mùa. Ông An nhấn mạnh, yếu tố quyết định vườn vải được mùa hay mất mùa là giai đoạn chăm sóc lộc. Vào tháng 9 âm lịch chăm sóc, thúc lộc nếu thấy sâu bệnh ăn lộc cần phun phòng trừ. Cuối tháng 9 đến nửa đầu tháng 10, khi đó lộc già cần khoanh gốc cách mặt đất khoảng 50-70 cm. Thời gian này, bà con cần thăm vườn và để ý thời gian để tiến hành khoanh gốc, nếu khoanh muộn quá cây không ủ được mầm hoa, có khi cây còn không ra hoa, bởi vì cây vải cần có thời gian tích tụ dinh dưỡng nuôi quả non. Đồng thời, tuân thủ theo nguyên tắc "4 đúng", là đúng chủng loại, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp. Tùy từng độ tuổi của cây vải thiều sẽ ước tính được lượng phân bón hợp lý. Bên cạnh đó, cũng cần cắt tỉa các cành tăm, sâu bệnh, dày xít trong tán để cây thông thoáng, tạo điều kiện cho các cành hoa chính phát triển tốt, giảm sự trú ngụ của sâu bệnh. 

Ông Nguyễn Văn An tiết lộ thêm: “Hiện nay, gia đình tôi có 10 nghìn m2 trồng vải thiều sớm bằng giống U hồng và U trứng, đa phần cây đã trên 20 năm tuổi. Nhờ chăm sóc tốt nên cây vải rất khỏe, năng suất cao, vụ vải này đước đạt 10-12 tấn, quả to đều, mã đẹp. Những phiên đầu gia đình tôi bán được giá 37-40 nghìn đồng/kg, nay thì được giá 27-30 nghìn đồng/kg". Vải được mùa, được giá cao, gia đình ông An hết sức phấn khởi.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Văn An bên vườn vải thiều sai trĩu quả

Cùng thôn Yên Cư, gia đình ông Nguyễn Văn Kết có vườn vải đang cho thu hoạch quả, toàn bộ cây vải được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo ông Kết, để có vườn vải sai quả, mẫu mã quả đẹp, bán được giá cao cần áp dụng phương pháp chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, tuân thủ những quy định khắt khe về bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng danh mục, nồng độ, liều lượng theo hướng dẫn. Ngoài ra, cần thường xuyên dọn vệ sinh vườn, rắc vôi bột định kỳ để tránh phát sinh sâu bệnh, tỉa cành, tạo tán. Với cách làm này, quả vải của gia đình ông luôn được khách hàng ưa chuộng. Thương lái quen thuộc từ Tuyên Quang, Thái Nguyên năm nào cũng về tận thôn thu mua, không cần vất vả đi bán.

Chị Nguyễn Thị Loan - Trưởng thôn Yên Cư cho biết, toàn thôn có trên 200 hộ dân, gần như toàn bộ các gia đình trong thôn đều trồng vải thiều chín sớm. Năm 2023, các hộ trong thôn đã thành lập được Chi hội sản xuất vải thiều chín sớm, với 26 thành viên tham gia. Giống vải chủ yếu được trồng là vải U hồng và U trứng. Cây vải chín sớm được đánh giá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây nên quả vải sản xuất ra ngon, ngọt được khách hàng yêu thích. Từ đó làm động lực để người trồng vải trong thôn luôn phấn đấu làm ra những quả vải thơm, ngon, ngọt. Năm nay, mọi người đồng sức, đồng lòng đăng ký sản phẩm quả vải U trứng đạt OCOP 3 sao, hiện đang tiến hành làm hồ sơ thẩm định. Hy vọng trong năm tới, quả vải U trứng thôn Yên Cư, xã Tân Sỏi sẽ được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến.

leftcenterrightdel
Giống vải U trứng đang được chuẩn bị hồ sơ để đăng ký sản phẩm OCOP 3 sao

Vải chín sớm trên địa bàn xã Tân Sỏi bắt đầu cho thu hoạch từ ngày 20/5 -15/6, vải chính vụ từ ngày 10/6 trở đi. Những ngày này người dân đã bắt đầu thu hái, với giá dao động từ 30.000 - 38.000 đồng/kg, cao hơn so với mọi năm từ 15-20%. Tại xã Tân Sỏi có cây vải chín sớm và cây quất là hai cây trồng thế mạnh. Trong đó, cây vải sớm tập trung nhiều ở thôn Yên Cư, Tân Mải... Trong những năm gần đây, cây vải thiều sớm được quan tâm, mở rộng diện tích, nhiều hộ tích lũy được kinh nghiệm quý báu, tạo ra những vụ vải không mất mùa, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi vụ, góp phần vào việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Văn An được nhiều người đến học tập làm theo, ông Nông Văn Thiện- Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Sỏi cho biết.

Hương Giang

Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang