Sinh ra ở xã Quảng Phú huyện Lương Tài lấy chồng về xã Nghĩa Đạo thị xã Thuận Thành, chị Đinh Thị Nụ gắn bó với nông nghiệp từ nhỏ. Từ những vất vả của người lao động, chị Nụ nghĩ nếu chỉ dùng sức lao động của con người thì hiệu quả sản xuất sẽ không cao, cần phải áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là ứng dụng cơ giới hóa để giải phóng sức lao động và tăng hiệu quả kinh tế. Với ý tưởng đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị cơ giới hóa để vừa sản xuất trực tiếp vừa làm dịch vụ cho nông dân trên địa bàn, năm 2016 vợ chồng chị Nụ đã mạnh dạn đầu tư mua 3 máy gặt đập liên hợp có tổng trị giá trên 1,5 tỷ đồng. Những chiếc máy đầu tiên bước đầu đã giúp chị Nụ thuận lợi khi sản xuất 15 ha canh tác lúa của gia đình. Ngoài ra chị còn làm dịch vụ gặt lúa cho nông dân trên địa bàn.

Nhận thấy cần phải đầu tư thêm máy móc để làm các dịch vụ được đồng bộ hơn, năm 2017 gia đình chị Nụ tiếp tục mua thêm 4 máy làm đất, 3 máy cuốn rơm để làm dịch vụ tại địa phương và mở rộng ra các địa bàn lân cận. Chị Nụ chia sẻ, ban đầu cũng áp lực lắm vì số vốn đầu tư trên 3 tỷ đồng, trong đó một phần của gia đình, còn lại là vay ngân hàng, chỉ sợ không có việc làm sẽ không thu hồi được vốn, cộng thêm với hệ thống máy móc khấu hao nhanh, công việc bảo trì, bảo dưỡng máy móc sau mỗi vụ sản xuất lại rất tốn kém. Nếu không tính toán kỹ sẽ lãi giả lỗ thật.

leftcenterrightdel
Máy cuốn rơm của hộ chị Nụ thôn Nghĩa Thuận, xã Nghĩa Đạo 

Không chịu thất bại, để có được việc làm chị Nụ đã tích cực liên hệ mở rộng làm dịch vụ cơ giới hóa ở các địa bàn lân cận. Với bản tính chịu thương chịu khó không ngại vất vả, ở đâu có việc là chị bố trí đưa máy đến làm, bước đầu có khó khăn nhưng dần dần công việc thuận lợi hơn bởi chị luôn lấy hiệu quả công việc và giá dịch vụ hợp lý, vậy nên dịch vụ của chị Nụ được nhiều nông dân biết đến và chia sẻ với nhau.

Sau nhiều năm vất vả, công việc hiện nay của gia đình chị Nụ đã từng bước ổn định. Chị Nụ cho biết, ngoài địa bàn của thị xã Thuận Thành, huyện Lương Tài, huyện Gia Bình, chị Nụ còn làm dịch vụ tại một số địa phương thuộc các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Lạng Sơn. Việc thu hoạch lúa ở mỗi địa phương sẽ diễn ra khác nhau, cần bố trí hợp lý để không bị chồng chéo. Chị Nụ nói: “Mình làm tốt, giá dịch vụ lại hợp lý sẽ được mọi người biết đến nên có nhiều nơi bảo làm, đi đến đâu cũng được địa phương và người dân giúp đỡ.”

Về thời gian cho mỗi vụ sản xuất, chị Nụ cho biết, do làm ở nhiều nơi nên một vụ gặt máy sẽ hoạt động kéo dài khoảng 2 tháng, cả năm sẽ là 4 tháng; máy làm đất sẽ làm khoảng 3 tháng trong một năm; máy cuốn rơm thì ngắn hơn, khoảng 1 tháng trong một năm. Ngoài 6 lao động của gia đình, chị Nụ phải thuê thêm 21 lao động với mức lương 1 triệu đồng/người/ngày đối với thợ máy, 500 nghìn đồng/người/ngày đối với thợ phụ. Mức giá dịch vụ hiện nay thì tùy theo từng địa phương, với địa bàn đi lại thuận lợi thì mức giá thấp, địa bàn khó khăn thì giá dịch vụ cao, như giá dịch vụ hiện nay ở khu vực Thuận Thành thì giá máy gặt và máy làm đất dao động từ 100.000 đến 130.000 đồng/sào, đối với vùng sản xuất tập trung nhất là các hộ tích tụ ruộng đất thì khi gặt lúa giá có thể giảm đi 10%. Hoặc ở Lạng Sơn, do đi lại khó khăn nên giá gặt lúa sẽ lên đến trên 200.000 đồng/sào. Về máy cuốn rơm, sau khi gặt lúa, hộ nào có nhu cầu bán rơm thì chị Nụ mua với giá 15.000 đồng/sào, sau đó cho máy cuốn thành các cuộn để bán cho các cơ sở chăn nuôi trâu bò, trồng nấm, trồng rau. Thường 1 sào có thể cuốn được 15 bó, nếu bán ngay thì giá 15.000 đồng/bó; nếu chuyển về kho để bán vào mùa khô sẽ có giá 40.000 đồng/bó.

Không chỉ dừng lại ở dịch vụ làm đất, gặt lúa, cuốn rơm, cuối năm 2023 chị Nụ đã tiếp tục đầu tư thêm 1 máy thiết bị bay không người lái để phục vụ sản xuất của gia đình, làm dịch vụ phun thuốc BVTV tại địa bàn xã Nghĩa Đạo và các địa bàn lân cận. Chị Nụ cho biết, thiết bị bay rất hiệu quả trong gieo hạt, rải phân và phun thuốc BVTV. Giá dịch vụ hiện nay dao động từ 15.000 đến 20.000 đồng/sào tùy theo địa bàn và quy mô diện tích, diện tích càng lớn thì giá sẽ giảm đi.

leftcenterrightdel
Chị Nụ (người thứ 3 từ bên phải) chia sẻ về công việc đang làm 

Khi được hỏi về thu nhập từ dịch vụ làm đất, gặt lúa, máy cuốn rơm, thiết bị bay không người lái chị Nụ vui vẻ cho biết, cứ mỗi máy làm đất hoặc máy gặt đập liên hợp sau khi trừ đi các chi phí sẽ cho thu nhập khoảng 100 triệu/năm; với 3 máy cuốn rơm cho chị thu nhập 100 triệu/năm. Đó là chưa kể đến nguồn thu từ thiết bị bay không người lái do mới áp dụng từ vụ xuân 2024 nên nguồn thu nhập chưa ổn định. Ngoài ra với 15 ha sản xuất 2 vụ lúa và 5 ha mầu đông, mỗi năm cũng tạo thu nhập cho gia đình chị Nụ khoảng trên 200 triệu đồng. Như vụ xuân năm 2024, 15 ha lúa đã cho thu hoạch sản lượng gần 100 tấn, chị Nụ bán thóc tươi ngay khi thu hoạch với giá 7.500 đồng/kg.

Chị Nụ chia sẻ, khi đã làm thì càng muốn mở rộng, hiện nay có sự hỗ trợ của máy móc, công nghệ, kỹ thuật thì sẽ xây dựng được vùng sản xuất tập trung quy mô lớn.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đạo, thị xã Thuận Thành cho biết, trong những năm gần đây, ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp được người dân xã Nghĩa Đạo áp dụng khá hiệu quả, điển hình là mô hình dịch vụ của chị Đinh Thị Nụ thôn Nghĩa Thuận. Các dịch vụ làm đất, gặt lúa, máy cuốn rơm, thiết bị bay không người lái của hộ chị Nụ không những phục vụ tốt ở địa phương mà còn làm được nhiều địa bàn lân cận, ngoài ra hộ chị Nụ cũng là hộ tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng xây dựng vùng sản xuất tập trung các giống lúa năng suất chất lượng cao mang lại hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập. Trong thời gian tới, xã Nghĩa Đạo sẽ tập trung tuyên truyền vận động người dân trên địa bàn đẩy mạnh quy hoạch các vùng sản xuất tập trung để thuận tiện trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người dân, đồng thời thúc đẩy liên kết trong sản xuất nông nghiệp ngày càng hiệu quả.

Nguyễn Lam

Trung tâm DVNN thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh