Sau gần 10 năm gắn bó với chăn nuôi lợn, anh Nguyễn Hồng Chiến khu phố Tam Á, phường Gia Đông, thị xã Thuận Thành cho biết, năm 2015 anh thuê đất công ích ngoài khu dân cư để xây dựng khu chăn nuôi lợn, với khu đất trên 1500 m2, anh cho xây dựng 2 khu chuồng nuôi là trên 700 m2, trong đó một khu chuồng nuôi lợn lái, một khu để nuôi lợn thịt, chuồng nuôi được lắp đặt hệ thống làm mát để duy trì nhiệt độ luôn ở mức 25-27 độ C, xung quanh trồng cây ăn quả, có hệ thống tường rào để bảo đảm cách ly với môi trường xung quanh, anh Chiến cho biết vốn đầu tư ban đầu cũng khá tốn kém lên đến trên 1,5 tỷ đồng.

Giống lợn được anh Chiến nuôi thuộc giống lợn của Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, nguồn thức ăn dùng trong chăn nuôi là của công ty ANOVA FEEO thuộc loại thức ăn hỗn hợp dùng trong chăn nuôi lợn, anh Chiến cho biết, yếu tố quan trọng nhất trong nuôi lợn vẫn là chăm sóc và phòng bệnh, phải đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi, thức ăn, nước uống sạch, chuồng nuôi phải thoáng mát vào mùa hè và kín gió, ấm vào mùa đông, phun thuốc sát trùng định kỳ 2 ngày một lần để diệt côn trùng, mối, kiến, mạt các loại mang ấu trùng sán, áp dụng tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh phát sinh. Để xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn, anh Chiến đã xây dựng 3 bể bioga, mỗi bể từ 15-18 m3, khí ga được lắp đặt để đun bếp. Từ những kinh nghiệm của bản thân, cộng với tư vấn từ cán bộ kỹ thuật của Trung tâm DVNN, từ đơn vị cung cấp thuốc và thức ăn chăn nuôi… đến nay anh Chiến đã chủ động từ chăm sóc đến phòng trị bệnh cho đàn lợn. Anh Chiến kể lại, năm 2019 khi xảy ra dịch tả lợn Châu Phi phải tiêu hủy hàng loạt nhưng đàn lợn của gia đình anh cũng không bị mắc bệnh.

leftcenterrightdel
Hệ thống chuồng nuôi lợn của hộ anh Chiến luôn được duy trì nhiệt độ từ 25-27 độ C 

Hiện nay, anh Chiến đang nuôi 60 lợn lái và 600 con lợn thịt, anh Chiến cho biết, lợn lái có thể duy trì được trong khoảng 4 năm thì phải thay, từ 60 con lợn lái đã giúp anh Chiến đủ cung cấp lợn giống để nuôi trong cả năm không phải nhập giống từ bên ngoài. Khi được hỏi về các chi phí và thu nhập từ mô hình chăn nuôi lợn, anh Chiến cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, lợn thịt được giá người chăn nuôi lợn như chúng tôi rất phấn khởi, với giá bán 62.000 đồng/kg hơi trừ đi chi phí người chăn nuôi lợn được lãi khoảng 1,5 triệu đồng/con.

Với phương thức nuôi gối đàn, tháng nào gia đình anh Chiến cũng cho xuất bán trên 100 con lợn thịt, mức giá như hiện nay anh có thể thu lãi trên 100 triệu đồng/tháng, tuy nhiên không phải lúc nào cũng thuận lợi. Anh Chiến chia sẻ, năm 2023 có thời điểm giá lợn thịt xuống dưới 40.000 đồng/kg hơi thì không có lãi thập chí còn lỗ, chăn nuôi lợn thì có lúc này, lúc khác nên luôn phải kiên trì, thịt lợn là loại thực phẩm rất cần trong cuộc sống hàng ngày, nhu cầu là rất lớn, duy trì đàn lợn và có lợn xuất bán hàng tháng sẽ có lúc tăng lúc giảm, anh Chiến nói: nếu tính cho cả năm 2023 giá bán bình quân vẫn đạt trên 50.000 đồng/kg lợn hơi, trừ chi phí người chăn nuôi vẫn thu lãi từ 500 đến 600 nghìn đồng/con, chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng sẽ có những lúc rất khó khăn, nếu không kiên trì và chủ động tìm ra các giải pháp để khắc phục khó khăn và duy trì liên tục thì sẽ thất bại.

Để duy trì mô hình chăn nuôi lợn, ngoài 2 lao động của gia đình, anh Chiến phải thuê thêm 2 lao động thường xuyên với mức 250.000 đồng/người/ngày. Vì mọi người đều có kinh nghiệm nên các khâu chăm sóc và phòng trị bệnh cho đàn lợn được thực hiện khá tốt. Thời gian tới anh Chiến có dự định sẽ tăng cường áp dụng công nghệ kỹ thuật trong chăn nuôi lợn thịt, trong đó có bổ sung sử dụng men vi sinh vào thức ăn cho đàn lợn để giúp đàn lợn tăng sức đề kháng, tăng chuyển hóa thức ăn, hấp thu dinh dưỡng, giảm mùi hôi cho khu vực chăn nuôi và sạch môi trường.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Trưởng phòng khuyến nông & tuyên truyền của Trung tâm DVNN thị xã Thuận Thành là người có nhiều năm trực tiếp theo dõi phụ trách địa bàn phường Gia Đông, cho biết, mô hình chăn nuôi lợn của anh Chiến đã áp dụng tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, kết hợp đồng bộ từ kỹ thuật chọn giống, thức ăn, công đoạn chăm sóc, nuôi dưỡng và vệ sinh phòng bệnh, tiêm đầy đủ các loại vắc-xin giúp đàn lợn không mắc dịch bệnh góp phần giảm thiểu nguy cơ rủi ro đem lại. Ngoài ra anh Chiến đã xây dựng chuồng kín với hệ thống làm mát để duy trì nhiệt độ luôn ổn định, đồng thời kiểm tra theo dõi thường xuyên phát hiện sớm các triệu trứng bệnh trên đàn lợn để có hướng điều trị tích cực ngay từ đầu không để dịch bệnh phát sinh lây lan.

Mô hình chăn nuôi lợn của hộ anh Nguyễn Hồng Chiến khu phố Tam Á, phường Gia Đông, thị xã Thuận Thành đã thực sự mang lại hiệu quả tích cực, đây sẽ là cơ sở để người chăn nuôi có thể áp dụng nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh và có thu nhập cao trong chăn nuôi./.

Nguyễn Lam

Trung tâm DVNN thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh