Sau bao lần thất bại trong chăn nuôi bò lấy thịt, nuôi heo sinh sản do dịch bệnh, thị trường bấp bênh; nhận thấy nhu cầu ếch giống ở địa phương lớn, anh Lê Văn Buôl tiếp tục thử sức với mô hình sản xuất giống ếch Thái Lan. Anh chọn giống ếch bố mẹ là ếch Thái Lan vì đây là giống có tốc độ sinh trưởng, phát triển tốt ở nhiệt độ từ 20 - 30 độ C, rất phù hợp với thời tiết, khí hậu ở Hậu Giang. Mỗi cặp ếch bố mẹ sinh sản từ 2 - 4 lứa mỗi năm, thời điểm sinh sản tốt nhất là từ tháng 4 đến hết tháng 6 âm lịch, cũng có thể khai thác thêm vào khoảng tháng 7 đến tháng 9 âm lịch nếu thời tiết thuận lợi. Thời gian xuất một lứa ếch giống ngắn chỉ kéo dài 40 - 50 ngày.

Là người cần cù chịu khó và ham học hỏi, tìm tòi những cái mới, lại được cán bộ khuyến nông tư vấn, năm 2023, anh đã đầu tư sửa lại chuồng heo cũ và mua 20 cặp ếch bố mẹ Thái Lan về sinh sản. Sau 2 đợt sinh sản trong năm thu được khoảng 40.000 con ếch giống, với giá bán 1.000 đồng/con khi trừ các khoản chi phí đầu tư đã mang về cho anh nguồn thu nhập 24,5 triệu đồng.

leftcenterrightdel
Anh Lê Văn Buôl chia sẻ kinh nghiệm nuôi ếch Thái Lan 

Từ thành công ban đầu, đầu năm 2024 anh quyết định mở rộng qui mô sản xuất. Hiện tại, mô hình của anh có 10 bể ương giống, trung bình mỗi bể 150 m2 tương đương 1.500m2 và 200 cặp ếch bố mẹ Thái Lan. Ngoài ra, anh còn đang cải tạo mương vườn để nuôi ếch thịt và kết hợp với thả cá rô đầu nhím với diện tích 5.000m2.

Anh Lê Văn Buôl chia sẻ: “Để sản xuất ếch giống thành công cần phải lưu ý các yếu tố như: ếch bố mẹ được chọn phải là ếch khỏe mạnh, ếch từ một năm tuổi trở lên; trong thời gian ương giống cần phải hạn chế nước mưa vào bể ương, thường xuyên bổ sung men tiêu hóa và theo dõi điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, tránh cho ăn dư thừa gây ô nhiễm môi trường nước. Hiện tại ếch đã cho sinh sản đợt đầu tiên ước đạt khoảng 200.000 con, giá bán ếch giống hiện tại 1.000 đồng đến 1.100 đồng/con, sau khi trừ chi phí gia đình bỏ túi khoảng 100 triệu đồng/đợt”.

Theo anh Tống Bửu Sơn, khuyến nông viên - Trạm Khuyến nông huyện Vị Thủy, đây là mô hình có hiệu quả kinh tế cao, người dân nên ứng dụng vào trong sản xuất vừa chủ động được con giống tại chỗ vừa cung cấp con giống cho thị trường, anh mong muốn sẽ có thêm nhiều hộ nông dân cùng tham gia, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất từ đó hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã; đồng thời, giúp bà con nhân dân tìm được hướng đi mới, hiệu quả trong phát triển kinh tế.

Việc nhân rộng mô hình cũng chính là một trong những định hướng của ngành nông nghiệp huyện Vị Thủy trong những năm tiếp theo, nhằm tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển KT-XH của địa phương.

leftcenterrightdel
Anh Lê Văn Buool (bên trái) trao đổi kỹ thuật với cán bộ khuyến nông 

Nguyễn Thanh Luận

Trung tâm Khuyến nông và DVNN Hậu Giang