Sinh ra và lớn lên trên vùng đất thuần nông, với khát vọng khởi nghiệp làm giàu trên chính quê hương, chị Nguyễn Thị Thơm ở khu phố Lũng Khê, phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã tìm cho mình hướng đi, cách làm riêng sau nhiều năm lao động vất vả, khó khăn ở nhiều nơi khác nhau. Năm 1999, chị Thơm cùng chồng mở cơ sở sản xuất tương ớt tại nhà, ban đầu là để cung cấp cho các quán ăn và cửa hàng tạp hóa ở khu vực Bắc Ninh, sau đó mở rộng đến các tỉnh, thành phố lân cận. Nhận thấy gia vị thực phẩm để chế biến những món ăn trong bữa cơm mỗi gia đình không thể thiếu, tiện ích từ gia vị chế biến sẽ mang lại những bữa cơm ngon cho mọi người, xuất phát từ niềm say mê các loại gia vị thực phẩm, mong muốn cung cấp sản phẩm chất lượng, giá thành hợp lý tới mọi đối tượng khách hàng, cùng với nguồn nguyên liệu nông sản sẵn có ngay trên chính địa bàn, chị Thơm bắt tay vào tìm kiếm thị trường, nguồn nguyên liệu nông sản bảo đảm an toàn phục vụ chế biến và phát triển thêm một số sản phẩm gia vị như: tương nếp, dấm gạo, mắm tôm, sa tế…
Sau nhiều năm vất vả, học hỏi kinh nghiệm cùng sự nhạy bén, tiếp cận công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ sở sản xuất của gia đình chị Nguyễn Thị Thơm đã có những thành quả ban đầu, thị trường được mở rộng, doanh số năm sau cao hơn năm trước, tiền dành cho tái đầu tư ngày một tang. Không dừng lại ở đó, năm 2018 chị Thơm thành lập doanh nghiệp, xây dựng nhà xưởng với diện tích khoảng 1.500m2, đầu tư máy móc thiết bị theo dây chuyền khép kín từ sản xuất, chế biến đến đóng gói với số tiền gần 10 tỷ đồng.
Để sản phẩm của cơ sở sản xuất vào được thị trường và được khách hàng đón nhận, chị Thơm cho biết, tất cả các khâu đều phải đảm bảo được kiểm soát chặc chẽ, nguồn nguyên liệu phải có địa chỉ cung cấp uy tín và hoàn toàn từ thiên nhiên, khâu bảo quản, chế biến phải chấp hành nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm, với phương châm chữ “tín” phải đặt lên hàng đầu, chị yêu cầu người làm trong cơ sở sản xuất không được để xảy ra sơ suất làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, phải biết đặt đạo đức nghề nghiệp và mục tiêu chất lượng sản phẩm lên trên hết, phải coi mình là người tiêu dùng.
Anh Nguyễn Văn Thực - chồng chị Thơm chia sẻ: “Để có được thành công, gia đình tôi gặp không ít khó khăn, khi mở rộng quy mô sản xuất, thành lập doanh nghiệp, chúng tôi liên tiếp gặp thất bại, thiệt hại lên tới hàng trăm triệu đồng, nhất là thời điểm năm 2020, 2021 là 2 năm xảy ra đại dịch Covid 19, sản phẩm làm ra không lưu thông được có lúc phải dừng sản xuất do giãn cách xã hội. Nhưng với quyết tâm làm bằng được, càng khiến chúng tôi có thêm động lực. Ngoài lỗ lực của bản thân, chúng tôi phải mời chuyên gia và đội ngũ kỹ thuật ngành chế biến thực phẩm của Việt Nam có nhiều kinh nghiệm tham gia quản lý và xây dựng dây chuyền sản xuất cho cơ sở”.
Đến nay, Công ty sản xuất được gần 70 mã sản phẩm gia vị thực phẩm các loại, được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và phân phối ở trên 30 tỉnh thành từ miền Trung trở ra. Các sản phẩm của Công ty tham gia chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh năm 2022 đạt 4 sao bao gồm: tương ớt, dấm gạo nếp, lẩu thái và giả cầy. Những sản phẩm này đều mang thương hiệu Chimax và là gia vị thân thuộc trong gian bếp của các bà nội trợ. Một số sản phẩm nước xốt hoàn chỉnh như: xốt ướp gà, thịt, cá nướng; bò xốt vang, xốt muối kim chi, sườn xào chua ngọt... mới đưa vào sản xuất cuối năm 2021 nhưng cũng nhanh chóng khẳng định được thương hiệu, các sản phẩm này đã được Liên hiệp các hội KH & KT Việt Nam, Ban tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam tặng huy chương Vàng, Cúp vàng thương hiệu nổi tiếng và danh hiệu thực phẩm an toàn vì sức khoẻ cộng đồng.
Khi được hỏi về doanh thu của công ty, chị Thơm cho biết, năm 2022 doanh thu của công ty đạt trên 35 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động trực tiếp có mức lương trung bình khoảng 9 triệu đồng/tháng, ngoài ra có 50 lao động thị trường. Mục tiêu của Công ty là tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nguồn hàng hóa cung ứng cho thị trường cả nước. Mục tiêu giai đoạn 2023-2025, phấn đấu có thêm từ 5 đến 10 sản phẩm đạt chuẩn OCOP và phấn đấu có 3-5 sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu.
Chị Thơm chia sẻ: Hành trình đưa sản phẩm OCOP thương hiệu Chimax vươn xa vẫn còn nhiều thử thách. Chị Thơm đề nghị với các cấp chính quyền tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất khoảng hơn 1 ha để đưa cơ sở sản xuất ra ngoài khu dân cư bảo đảm vấn đề về môi trường, xây dựng kho lạnh bảo quản nông sản tươi cũng như chủ động được nguyên liệu đầu vào; mong muốn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ chính sách của Nhà nước để giảm chi phí đầu vào đầu tư dây chuyền sản xuất, mở rộng kinh doanh đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường ngành hàng gia vị thực phẩm.
Ông Nguyễn Huy Dân - Chủ tịch Hội Nông dân phường Thanh Khương cho biết, hiện nay trên địa bàn phường Thanh Khương có nhiều hội viên nông dân đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh để tăng thu nhập và nâng cao hiệu quả làm kinh tế như: vận tải, may mặc, cơ khí, làm mộc, làm tương ớt, kinh doanh tạp hóa, kinh doanh sơn, kinh doanh đồ gỗ, kinh doanh hoa quả… Chị Nguyễn Thị Thơm khu phố Lũng Khê, phường Thanh Khương là một hội viên nông dân làm kinh tế giỏi tiêu biểu, sản phẩm gia vị - thực phẩm của công ty đã khẳng định được thương hiệu và được người tiêu dùng đón nhận, trong số đó đã có những sản phẩm được UBND tỉnh Bắc Ninh công nhận là sản phẩm OCOP. Vừa qua, chị Thơm vinh dự được cử là đại biểu nông dân làm kinh tế giỏi tiêu biểu tham dự tại Đại hội đại biểu Hội nông dân thị xã Thuận Thành và Đại hội đại biểu Hội nông dân tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2023-2028. Thời gian tới, Hội Nông dân phường Thanh Khương sẽ tích cực phối hợp với các cấp, các ngành để tuyên truyền sâu rộng đến hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn về ý nghĩa và hiệu quả của Chương trình OCOP do tỉnh Bắc Ninh triển khai.
Sau hơn 4 năm thực hiện chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm (Chương trình OCOP) được tỉnh Bắc Ninh triển khai đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, làng nghề gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống. Xây dựng sản phẩm OCOP chính là cho ra những sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường làm gia tăng giá trị sản phẩm. Khát vọng đưa sản phẩm OCOP vươn xa của chị Nguyễn Thị Thơm khu phố Lũng Khê, phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh sẽ tạo tiền đề cho sản phẩm OCOP đảm bảo về chất lượng và số lượng, làm cho các sản phẩm tham gia Chương trình sản phẩm OCOP không ngừng được hoàn thiện, nâng cấp về quy mô, chất lượng, mở rộng thị trường, phát triển hệ thống mạng lưới tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập của các cơ sở sản xuất, đồng thời xây dựng các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp./.
Nguyễn Lam
Trung tâm DVNN thị xã Thuận Thành, Bắc Ninh