Gia đình ông Ngô Văn Tuấn từ Hà Nội vào xã Quảng Phú huyện Krông Nô lập nghiệp từ năm 2007 với hơn 10 ha đất trồng đa dạng các loại bơ. Gắn bó với cây bơ booth 7 gần 16 năm, ông Tuấn đã hiểu rõ đặc tính của dòng bơ Booth 7 cũng như khí hậu thổ nhưỡng nơi đây. Nhờ quá trình học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, ông đã có những tác động giúp cho cây bơ Booth 7 ra hoa và đậu quả tốt. Không chỉ tập trung cho một giống bơ, để tránh rủi ro, ông Tuấn ngoài giữ lại những loại bơ đặc sản như bơ booth 7 (5 ha), bơ Thành Bích, ông còn tìm tòi và ghép thêm giống bơ mới như bơ Ông Tĩnh được du nhập bên Lâm Đồng. Bơ Ông Tĩnh có nhiều đặc tính tốt như cho thu hoạch muộn, quả to, mẫu mã đẹp, từ đó giúp đa dạng các mặt hàng bơ, đáp ứng nhu cầu thị trường cũng như thu hoạch rải vụ trong năm, giúp tăng thêm thu nhập. Hiện nay, vườn bơ Booth 7 của ông Tuấn được sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, đủ tiêu chuẩn để bán tại các siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Ông Tuấn nói: Để vườn bơ Booth7 đạt tiêu chuẩn VietGAP, quá trình trồng, chăm sóc phải đảm bảo các yếu tố như: vườn thoát nước tốt, độ pH từ 5 đến 6, ở khu vực đất quá dốc phải thiết kế theo đường đồng mức, tạo đường băng để hạn chế xói mòn. Nếu trồng thuần bơ nên trồng với khoảng cách là 8 x 7 (m), còn nếu trồng xen cà phê thì khoảng cách là 9 x 9 (m) hoặc 9 x 12 (m). Nguồn nước và đất canh tác phải đảm bảo an toàn, không bị ô nhiễm, thường xuyên tỉa cành, tạo tán cho cây bơ Booth 7 trong giai đoạn kiến thiết. Đặc biệt, để trái bơ có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, cần chú ý chọn giống bơ Booth 7 ghép, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Trong giai đoạn cây ra hoa và cho trái nhỏ nên chú ý diệt ruồi vàng, bọ xít khoảng 1 - 2 lần. Giai đoạn nuôi quả cần tăng cường bón phân chuồng ủ hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh để giúp bộ rễ phát triển tốt hơn, cải tạo nền đất canh tác. Ngoài việc bón cân đối phân hóa học, gia đình ông Tuấn còn bổ sung thêm đạm cá cho cây bơ để tăng chất lượng, mẫu mã đẹp, vỏ quả có màu xanh đậm, quả to và đều, ruột vàng, giá trị dinh dưỡng cao.

Ông Tuấn chia sẻ quy trình ủ đạm cá đang áp dụng tại gia đình như sau: 1 phuy 200 lít ủ được 80 cân cá tạp, với giá cá tạp 11.000 đồng/kg, sử dụng 2-3 lít chế phẩm EM kết hợp 2-3 lít mật rỉ đường để việc hoạt hóa chế phẩm EM được tốt hơn. Cá sau thời gian ủ từ 8 - 9 tháng có thể sử dụng được để bón cho cây. Đạm cá sử dụng tưới gốc cho cây bơ với liều lượng: 7 lít đạm cá đã ủ pha với 200 lít nước dùng để tưới cho cây, với lượng 10 lít/cây. Với vườn bơ hiện tại, một năm ông tưới làm 3 đợt gồm: giai đoạn nuôi trái tháng 5 và tháng 7 giúp trái xanh hạn chế rụng trái, tháng 8 ngoài tưới đạm cá cần bổ sung thêm 0,5kg kali để vào chắc quả.

leftcenterrightdel
Ông Ngô Văn Tuấn kiểm tra quá trình ủ đạm cá tại vườn 

Ngoài yếu tố dinh dưỡng, các giống bơ của ông trồng có hàm lượng dầu cao, nên đủ khả năng cung cấp cho các nhà máy chế biến tinh dầu. Nhờ việc áp dụng đúng quy trình kỹ thuật vào sản xuất đã từng bước xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu bơ booth 7 Quảng phú.

Xã Quảng phú, huyện Krông Nô được thiên nhiên ưu đãi nên cây bơ Booth 7 rất phù hợp giúp cây sinh trưởng và phát triển, thời gian thu hoạch muộn hơn khoảng 1 tháng (thời gian thu hoạch từ giữa tháng 10 đến cuối tháng 11 âm lịch) so với các địa phương khác trong tỉnh, tại thời điểm này nhu cầu bơ của thị trường khá lớn, do đó bơ bán được giá cao hơn so với thời điểm chính vụ. Vụ vừa qua, vườn bơ nhà ông Tuấn cho năng suất khá cao, khoảng 15 tấn/ha, với giá bán từ 30.000 – 50.000 đồng/kg cung cấp cho các cửa hàng, siêu thị tại tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Như vậy với 5 ha bơ Booth nói riêng sau khi trừ các khoản chi phí ông thu về hơn 400 triệu/năm. Dự kiến sản lượng bơ Booth 7 trong năm nay tại xã giảm 20-30% so với năm trước, ông chia sẻ thời gian làm bông và trổ hoa trong tháng 1 và tháng 2 âm lịch bị ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu, bất chợt có những cơn mưa đầu mùa sớm hơn mọi năm kèm theo thời tiết lạnh, ảnh hưởng tới tỷ lệ đậu quả của bơ Booth 7 ở xã Quảng Phú.

Để duy trì và phát triển được thương hiệu bơ Booth 7 tại địa phương như ngày hôm nay, là nhờ những người nông dân tâm huyết với cây bơ như ông Tuấn, luôn cố gắng xây dựng, gắn bó và tạo thương hiệu cho vùng bơ trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Đắk Nông đang định hướng phát triển bơ theo vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, gắn với các chuỗi giá trị; liên kết giữa người trồng với doanh nghiệp bao tiêu, chế biến, ổn định đầu ra cho các hộ trồng bơ, từ đó giúp người dân yên tâm sản xuất và gắn bó lâu dài với cây bơ./.

Nguyễn Thị Thu Hằng

Trung tâm Khuyến nông và Giống NLN tỉnh Đắk Nông