Hộ anh Vương Văn Viển ở bản Xốp Nặm - xã Tam Hợp là một trong những hộ phát triển kinh tế thành công từ mô hình Vườn – Ao - Chuồng - Rừng (VACR) như vậy!

Anh Viển (sinh năm 1982) là một người dân tộc thiểu số (dân tộc Tày Pọng). Cũng như bao chàng trai trong bản lớn lên, lập gia đình, cuộc sống chỉ phụ thuộc vào trồng ngô lúa, chăn nuôi nhỏ lẻ không đủ ăn. Năm 2009, anh bàn với vợ nhận 10 ha đất khoanh nuôi bảo vệ rừng để phát triển kinh tế. Do địa thế vùng miền núi cao, đường sá đi lại từ nhà vào khu vực rừng của gia đình còn xa xôi và khó khăn, nhất là thời gian đầu chưa có điện nên khá vất vả. Với mong muốn thoát nghèo, anh và vợ vẫn quyết tâm bám đất bám rừng. Từ vùng đất đồi hoang hóa, không quản ngại khó khăn, anh Viển trồng hơn 3 ha rừng cây keo, xoan, lát; 2 ha sắn cao sản cùng với đó nuôi 200-300 con gà, 13 con trâu và bò (trong đó có 5 con sinh sản), 2 ao nuôi cá nước ngọt truyền thống. Sau khi phát triển thấy hiệu quả, anh mạnh dạn đầu tư xây chuồng nuôi thêm 12 con lợn thịt siêu nạc. Gia đình anh Vương Văn Viển đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

leftcenterrightdel
Đàn bò của gia đình anh Viển 

 

Để có được thành quả như hiện nay ngoài chăm chỉ, chịu khó anh Viển đã không ngừng học hỏi; tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt thông qua các kênh thông tin đài báo, cuộc tập huấn, tuyên truyền. Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi anh Viển cho biết: anh chọn nuôi giống gà ri, gà đen, lợn siêu nạc, bò vàng để nuôi bởi đây là những giống có chất lượng thịt thơm ngon, dễ tiêu thụ ở địa phương và ít bị dịch bệnh. Anh đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, thiết kế phù hợp với từng loại vật nuôi; dụng cụ máng ăn, máng uống đầy đủ kết hợp với chăm sóc, nuôi dưỡng tốt và vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ. Riêng trâu, bò nuôi bán chăn thả theo vùng quy định của mỗi bản. Cứ vài ngày anh lại cắt cỏ voi và muối trắng, cám ngô mang lên cho ăn bổ sung, đồng thời kiểm tra chăm sóc. Nhờ vậy, từ khi chăn nuôi đến nay đàn vật nuôi của gia đình luôn sinh trưởng, phát triển tốt và ít dịch bệnh. Đối với rừng cây keo, xoan, lát anh chỉ cần bỏ công và phân bón để trồng lúc ban đầu, sau đó gần như cây tự phát triển ít phải tốn công chăm sóc. Cây keo được trồng theo hướng làm cây nguyên liệu 6-7 năm thu hoạch một lần, giá bán 60-70 triệu đồng/ha. Cây xoan, cây lát được trồng lấy gỗ, hiện đã được 13 năm. Nhằm tận dụng đất, anh Viển còn trồng 2 ha sắn cao sản; đầu năm trồng cuối năm thu hoạch củ. Mỗi năm thu được khoảng 35 tấn sắn và được công ty đặt hàng thu mua bao tiêu sản phẩm với giá 1,4 triệu đồng/tấn. Ngoài ra anh chị còn trồng 0,6 ha ngô đỏ để tận dụng làm thức ăn chăn nuôi. Anh cũng là hộ trồng lúa nhiều nhất bản Xốp Nặm.

Anh Viển còn cho biết: Mô hình VACR là mô hình tổng hợp khép kín. Để mô hình đảm bảo tính bền vững cao cần tận dụng một cách hiệu quả và triệt để như chất thải từ chăn nuôi gà và lợn, trâu bò được xử lý làm thức ăn cho cá, phân để trồng cây và ngược lại lá cây lại làm thức ăn cho trâu bò, cá… Cứ như vậy tạo một vòng tuần hoàn, từ đó sẽ giảm được tối đa chi phí cho mỗi sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế. 

Để mô hình sản xuất bền vững thì đầu ra sản phẩm là một khâu rất quan trọng. Nếu cây lâm nghiệp không lo đầu ra thì các sản phẩm từ chăn nuôi, thủy sản có khó khăn hơn do đặc thù của xã vùng núi cao, dân cư thưa, đời sống của người dân tộc thiểu số còn thấp… Anh Viển cùng vợ đã tự đi tìm nơi tiêu thụ như liên hệ với các thương lái, quán ăn, bán lẻ các hộ dân trong bản, thậm chí anh chị còn vận dụng các mối quan hệ, trang mạng xã hội như Facebook, zalo để đăng bán và ship sản phẩm cho khách ở xa (thị trấn Mường Xén…) Đặc biệt các vật nuôi đều có chất lượng thịt thơm ngon, sạch nên rất có uy tín, giá bán ổn định.

Anh Viêng Văn Viển là một người siêng năng chăm chỉ, năng động, sáng tạo, chịu khó, không chịu khuất phục khó khăn vươn lên làm giàu tại địa phương. Anh còn là một trưởng bản gương mẫu được dân bản tín nhiệm suốt 17 năm liền. Anh sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, chăn nuôi cho mọi người xung quanh. Mong rằng mô hình của anh phát triển bền vững, là tấm gương sáng về làm kinh tế để nhân dân trong và ngoài bản học hỏi, góp phần xây dựng bản làng ngày càng tốt đẹp hơn.

Kim Dung

Trung tâm Khuyến nông Nghệ An