Từng công tác trong ngành nông nghiệp gần 20 năm tại huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam nhưng với niềm đam mê kinh doanh và tâm huyết làm giàu từ nông nghiệp, bà Lê Thị Nghĩa – đã tìm đến vùng đất huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng để sản xuất cây giống, làm điểm du lịch canh nông để giới thiệu và cung cấp sản phẩm cam Cara.

Bà Nghĩa cho biết, giống cam bà đang cung cấp giống cho thị trường là cam Cara Cara không hạt, có nguồn gốc từ Úc, lai tạo giữa cà rốt - cà chua - cam và mất 17 năm lai tạo mới tạo ra được giống quý này. Người đầu tiên đưa giống cam ruột đỏ Cara Cara từ Úc về Việt Nam là kỹ sư Mai Viết Phương. Đến năm 2018 vì lý do sức khỏe, lão kỹ sư Mai Viết Phương chuyển giao nguồn cung cấp giống từ Úc và toàn bộ quy trình gieo ươm, ghép mầm chồi, canh tác thương phẩm cho phụ trách kỹ thuật là bà Lê Thị Nghĩa.

leftcenterrightdel
 Giống cam Cara có hương vị, màu sắc bắt mắt

Được thừa kế dự án phát triển cây cam Cara từ ông Mai Viết Phương, từ cuối năm 2020, bà Lê Thị Nghĩa đã quyết định đến vùng đất thôn Diom A, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương để bắt tay vào sản xuất cây giống và đưa cam Cara phát triển. Lúc đầu, bà không dám tin vì mình đã chọn vùng chuyên sản xuất rau màu này tại huyện Đơn Dương để sản xuất cây giống nhưng dần dần đã khẳng định quyết định của bà là hoàn toàn đúng khi nơi đây hội đủ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, diện tích sản xuất nông nghiệp lớn và đặc biệt người dân có ý thức cao trong việc đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất.

Bà thành lập Công ty TNHH Nông nghiệp Đại Nghĩa tại xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương kế nghiệp phát triển giống cam này và đã đáp ứng được kỳ vọng, thấy rõ hiệu quả kinh tế rõ rệt và là địa chỉ cung cấp giống cam Cara ruột đỏ duy nhất tại Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Bà Nghĩa dẫn chúng tôi tham quan và thuyết minh từng khu vực trong vườn ươm giống cam đỏ

Giống cam Cara được bà Nghĩa nhập hạt giống từ Úc và ghép cây đầu dòng tại địa phương. Vườn cây đầu dòng là của nông hộ Lê Văn Tuấn (thôn Đông Hồ, xã Pró, huyện Đơn Dương) – đây là vườn cây đầu dòng trực tiếp được chuyển giao từ ông Mai Viết Phương. Vườn cũng đã được Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lâm Đồng công nhận vườn cam Cara đầu dòng chất lượng cao, là một trong những vườn với nguồn giống chuẩn và chế độ chăm sóc tốt, là nơi lấy chồi nhân giống, cho ra đời những cây cam Cara khỏe mạnh, giúp người nông dân canh tác tốt hơn.

Bà Lê Thị Nghĩa chia sẻ: “Triển vọng cây cam Cara có thể nói là rất khả quan. Đây là giống cam ăn ngon, dinh dưỡng cao, lại rất phù hợp với vùng sinh thái các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Lâm Hà của tỉnh Lâm Đồng. Vườn giống của anh Lê Văn Tuấn cung cấp cho chúng tôi nguồn giống khỏe mạnh, sạch bệnh, đảm bảo cây giống cam Cara chất lượng phục vụ việc mở rộng diện tích cam Cara trên địa bàn Tây Nguyên”.

Trong năm 2023, Công ty Đại Nghĩa đã cung cấp ra thị trường khoảng 30.000 cây giống (tương đương 25 ha), với giá bán cây giống từ 200.000 – 250.000 đồng/cây (tùy loại 2-3 năm tuổi). Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Công ty đã cung cấp khoảng 5.000 cây giống ra thị trường và có nhiều đơn hàng yêu cầu cung cấp giống với số lượng lớn nhưng công ty không đáp ứng đủ. Hiện, bà Nghĩa đang đặt 40 kg hạt giống từ Úc (gần 2 tỷ đồng) để về gieo ươm, ghép giống cung cấp cho khách hàng. Hạt giống sau khi gieo ươm có bộ rễ tốt, gốc đẹp. Nhờ vậy cây cam sau khi ghép cho năng suất trái với sản lượng lớn. Với 1 kg hạt giống (45 triệu đồng) khoảng 2.000 hạt, sau ươm từ 24-30 tháng là có thể cung cấp cho thị trường. Sau trồng 24 tháng là cây cam bắt đầu cho thu hoạch, năm thứ 3-4 cho năng suất 35-55 tấn/ha. Với mật độ 600-800 cây/ha, trung bình cây cho đến 1,5 - 2 tạ/năm (chia làm 3 lứa).

Theo một số nông hộ trồng giống cam Cara ruột đỏ này tại các xã Pró, Lạc Xuân, Đạ Ròn – huyện Đơn Dương đánh giá: So với một số cây ăn trái khác, cây cam Cara dễ trồng, dễ đầu tư, nhanh thu hồi vốn. Cây cam có thể trồng trong nhà lưới và trồng ngoài trời. Cây ưa phân hữu cơ và phân vi sinh, đất tơi xốp, bộ rễ phát triển mạnh, cây ra hoa, kết quả rất tốt. Cây cam cara có thể cho trái 30-40 năm, về sau người nông dân chỉ cần chăm sóc là có thu hoạch. Đặc biệt, do đặc thù địa lý, vì là cam vùng cao nên cam Cara ít chịu ảnh hưởng cạnh tranh từ những vùng cam khác, giá ổn định trong nhiều năm. Cây cam Cara cũng cho trái quanh năm, vụ chính vào tháng giáp Tết âm lịch nên người nông dân có cam cung ứng liên tục, thuận lợi cho thu nhập. Tính toán sơ bộ 1 ha trồng cam đỏ với mật độ 600 - 800 cây giống ghép, tổng mức đầu tư 150 triệu đồng, ước tính riêng mỗi năm chi phí phân bón hữu cơ, chế phẩm phòng, trừ sâu bệnh hại và công lao động tối đa 1 ha cũng khoảng 200 triệu đồng, nhưng từ mùa thu bói năm thứ ba và mùa thu rộ năm thứ tư trở đi, cam đỏ trả ơn người chăm sóc doanh thu vượt trội cấp số nhân 7-8 lần so với nguồn tiền đầu tư vào. 

Ngoài diện tích sản xuất giống, trong vườn bà Nghĩa còn trồng 70 cây cam Cara ruột đỏ để mọi người tham quan, trải nghiệm và thưởng thức giống cam đặc biệt này. Bà Nghĩa dẫn chúng tôi tham quan và thuyết minh từng khu vực trong vườn ươm giống cam đỏ gồm: ươm hạt nhập khẩu từ nước Úc; ghép cây gốc nước Úc với mầm chồi đầu dòng tại Đơn Dương; khu vực cây giống trưởng thành; trình diễn cây trồng thương phẩm… Nhiệt tình mời chúng tôi sau khi tận tay hái quả cam đỏ chín tại chỗ, khi quả cam được cắt đôi, từng khoang múi đỏ đậm không hạt, chứa đầy nước rất bắt mắt. Mới ăn hết múi cam thứ nhất cảm nhận được hương vị ngọt mát dịu.

Vậy là sau hơn hai thập niên, cam Cara ruột đỏ ngọt từ nước Úc đưa về Lâm Đồng trồng và nhân rộng thành công đầu tiên tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng rồi xây dựng vườn ươm giống tập trung và duy nhất tại xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, đã hình thành được vùng sản xuất cam Cara ruột đỏ tại huyện Đơn Dương lên gần 30 ha. Hiện đang tiếp tục vươn ra trong vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk, Kon Tum) quanh năm thu hái sum suê những chùm quả xanh vỏ đỏ lòng, kết tinh cùng lúc cả 3 giá trị kinh tế cao, dược liệu quý hiếm và hương vị ngọt lành. Với tâm huyết sản xuất, cung cấp nguồn giống, chuyển giao kỹ thuật và xây dựng thương hiệu, thị trường tiềm năng rộng lớn, Công ty TNHH Nông nghiệp Đại Nghĩa đã đặt mục tiêu chiến lược, liên kết phát triển trong vùng Tây Nguyên theo chuỗi sản xuất lên khoảng 3.000 ha cam Cara ruột đỏ gắn với sơ chế, chế biến, tiêu thụ trong nước và hướng đến xuất khẩu trong thời gian tới./.

Văn Thọ

Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng