Anh Dũng vốn quê ở xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), nhưng do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, thiếu đất sản xuất nên năm 1991, anh quyết định đưa vợ con về vùng Đồng Tháp Mười lập nghiệp. Lúc đầu, anh nhận khoán 2,2 ha đất để khai hoang và đầu tư thâm canh trồng khóm (dứa) cho hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, một thời gian sau, nhận thấy cây khóm bắt đầu giảm năng suất nên anh suy nghĩ phải chuyển đổi mô hình sản xuất thì mới mong phát huy hiệu quả sản xuất cao nhất trên cùng một đơn vị diện tích. Trong quá trình lao động sản xuất, nhờ siêng năng cần cù và biết tích cóp, dành dụm, anh Dũng đã mua thêm được 1,3 ha đất để mở rộng sản xuất.
Là người dám nghĩ, dám làm, năm 2005, anh Dũng quyết định chuyển sang mô hình trồng thanh long dù biết rằng sẽ gặp nhiều khó khăn vì vùng đất này vốn chỉ thích hợp cho cây khóm. Thời gian đầu, anh chỉ trồng thử nghiệm khoảng 500 trụ thanh long trên diện tích 5.000m2, đến năm 2009 mới mở rộng toàn diện tích 3,5 ha. Ban đầu, còn ít kinh nghiệm nên năng suất thanh long cũng như tỉ lệ ra hoa nghịch vụ vườn thanh long của anh Dũng còn khá thấp. Để khắc phục những khó khăn trên, anh Dũng chịu khó tham dự các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng thanh long cũng như tìm hiểu, cập nhật thêm kỹ thuật từ sách, báo để trồng tham long đạt hiệu quả cao hơn trước. “Đất không phụ lòng người”, với bản tính cần cù lao động, chịu thương chịu khó, anh Dũng đã thành công trong việc đưa cây thanh long vốn chỉ thích hợp ở vùng ngọt hóa “bén duyên” với vùng phèn Đồng Tháp Mười.
Đến nay, thành quả lao động mà anh Dũng có anh có được là hơn 3.500 trụ thanh long đang cho thu hoạch, sản lượng mỗi năm hơn 130 tấn. Với giá bán trung bình 10.000 - 12.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí mỗi năm anh còn thu lãi ròng khoảng 800 triệu đồng. Đây là mức thu nhập mơ ước đối với người nông dân ở vùng sâu, điều kiện sản xuất gặp nhiều khăn như vùng Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phước.
Anh Dũng cho biết, anh đã đầu tư hơn 800 triệu đồng chi phí cho việc đổ trụ bê tông và kéo điện hạ thế phục vụ cho xử lý thanh long nghịch vụ. Hiện vườn thanh long của anh cao nhất là 5 năm tuổi, thấp nhất là 2 tuổi và tỏ ra thích nghi với vùng đất phèn. Anh Dũng tâm sự: “Trước đây, ở quê xã Mỹ Tịnh An, anh có hiểu biết về kỹ thuật trồng thanh long, đồng thời trong quá trình sản xuất, anh vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên vườn thanh long luôn trĩu quả và cho năng suất cao. Theo anh Dũng, thanh long là loại cây tương đối dễ trồng, trước khi xuống giống cần phải làm đất kỹ, bón lót phân hữu cơ để một thời gian mới trồng, khi chọn giống không nên chọn nhánh già, khi thanh long cho trái cần biết cách tỉa nhánh, chăm sóc”. Do hiệu quả của cây thanh long trên vùng đất này cao hơn nhiều loại cây trồng khác nên hiện anh Dũng đang có kế hoạch mở rộng thêm hơn 1 ha nữa để trồng thanh long, đồng thời từng bước áp dụng qui trình VietGAP trang sản xuất thanh long, nhằm đảm bảo cung cấp sản phẩm “sạch” cho thị trường.
Ông Đào Văn Thành, Chủ tịch xã Tân Lập I cho biết: “Mô hình thanh long của anh Dũng là điển hình về chuyển đổi cơ cấu câu trồng cho hiệu quả kinh tế cao ở địa phương cần được nhân rộng. Từ thành công của mô hình này, đến nay địa phương có có trên 10 hộ trồng 2 loại thanh long ruột trắng và ruột đỏ. Tuy nhiên, để mô hình này phát triển bền vững và nhân rộng, cần có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương về giống, vốn và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ trong việc trồng thanh long cho bà con”.
CT