Qua đó, không những góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất trên cùng một diện tích canh tác, mà còn từng bước hướng tới một nền nông nghiệp phát triển hiện đại, toàn diện và bền vững.

Ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp không chỉ giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất trên cùng một diện tích canh tác mà còn hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, toàn diện và bền vững. Tuy nhiên, hiện nay, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa chủ yếu tập trung vào khâu làm đất và thu hoạch, trong khi tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trong khâu gieo, cấy, và phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái vẫn còn thấp. Thêm vào đó, các giống lúa được sử dụng chủ yếu như KD18 và Q5 đã gieo cấy quá lâu, đang dần bị thoái hóa, năng suất không cao, tính chống chịu sâu bệnh kém. Do vậy, vụ Mùa năm nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Lạng Giang và UBND xã Nghĩa Hòa triển khai mô hình sản xuất giống lúa mới năng suất cao ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ tại huyện Lạng Giang.

Mô hình sử dụng giống lúa mới có chất lượng cao DCG66 và giống Tân Ưu 98, quy mô thực hiện 20 ha, với 207 hộ tham gia, trong đó: Giống DCG66, 10 ha với 121 hộ tham gia; giống Tân Ưu, 10 ha với 86 hộ tham gia. Tham gia mô hình, Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ 70% giá giống, 50% phân bón và 50% thuốc BVTV. Cụ thể, giống lúa Tân Ưu 98 và DCG66 sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh 1.000 kg/ha và phân bón NPK 16-16-8 là trên 217 kg/ha; sử dụng các loại thuốc BVTV có trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam.

Đặc biệt, để giúp người dân tiếp cận được những tiến bộ khoa học kỹ thuật, mô hình ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu: làm đất, mạ khay - máy cấy (trình diễn mạ khay và cấy máy trên diện tích 2 ha, với 25 hộ tham gia tại thôn Hạ, xã Nghĩa Hòa); phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái; thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp… Trong đó, chuyển giao 2 khâu là mạ khay – máy cấy và công nghệ máy bay không người lái được định vị bằng thiết bị drone. Với khoảng cách cấy hàng cách hàng 30 cm, cây cách cây từ 12 – 14 cm; mật độ từ 24 - 28 khóm/m2 và có thể điều chỉnh được độ nông sâu của cây lúa.

Đại diện Công ty CP Vật tư Kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang chia sẻ, cơ giới hóa đồng bộ đang là chìa khóa nâng cao giá trị sản xuất trên đồng ruộng. Cụ thể, chi phí cấy lúa bằng máy là 350 nghìn đồng/sào (bao gồm tiền giống) trong khi thuê lao động thủ công có giá trung bình 350 nghìn đồng/ngày công. Sử dụng máy cấy, nông dân không phải làm đất, gieo mạ hay nhổ mạ. Một máy cấy bốn hàng có thể cấy được 01 ha/ngày, tương đương với 30 người cấy tay. Máy cấy giúp lúa thông thoáng, giảm sâu bệnh và ô nhiễm, đồng thời làm lúa đẻ sớm và khỏe hơn, từ đó năng suất cao hơn so với cấy tay.

Sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc BVTV dao động từ 25-28 nghìn đồng/sào/lần phun, so với phun thủ công là 35 nghìn đồng/sào. Phun thuốc BVTV bằng máy có sự đồng đều, tiết kiệm hơn 10% lượng thuốc và chi phí, hạn chế lượng thuốc BVTV sử dụng trên đồng ruộng, góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường, hướng tới nền nông nghiệp an toàn và bền vững. Khâu thu hoạch bằng máy chỉ ở mức giá 100-120 nghìn đồng/sào.

Ông Đào Xân Vinh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông nhấn mạnh, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã và đang được bà con nông dân áp dụng nhưng đồng bộ áp dụng cơ giới hóa trong các khâu từ khâu làm đất, mạ khay - máy cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái và khâu thu hoạch thì chưa có nhiều. Đặc biệt, trong khâu mạ khay – máy cấy và công nghệ máy bay không người lái được định vị bằng thiết bị drone chưa được quan tâm và áp dụng nhiều. Thông qua mô hình trình diễn mạ khay - máy cấy mong muốn lan tỏa, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tới đông đảo bà con nông dân, hứa hẹn hướng tới những cánh đồng “không dấu chân”, giúp người dân giảm công lao động nặng nhọc, tăng năng suất, sản lượng lúa.

leftcenterrightdel
Trình diễn mạ khay- máy cấy tại thôn Hạ, xã Nghĩa Hòa, huyện Lạng Giang 

Cơ giới hóa được tiến hành chủ yếu trong lĩnh vực trồng trọt, đặc biệt là trong sản xuất lúa. Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa hiện nay làm đất đạt trên 95%; thu hoạch lúa trên 90% (trong đó máy gặt đập liên hợp 70-75%); máy bay không người lái hiện có 4-5 máy, phun thuốc dưới 1% diện tích. Toàn tỉnh có 13.756 máy cày kéo hai bánh; 1.954 máy cày kéo bốn bánh; 125.480 máy phun thuốc BVTV có động cơ; 1.163 máy gặt đập liên hợp và 50 máy gặt lúa rải hàng.

Được biết, từ năm 2006 đến năm 2008, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chuyển giao 38 máy cày kéo đa chức năng BS8 cho nông dân. Năm 2008, Trung tâm lần đầu tiên đưa máy gặt đập vào đồng ruộng Bắc Giang. Từ 2009 đến năm 2011, Trung tâm tiếp tục triển khai các mô hình hiệu quả, chuyển giao 14 máy làm đất và 4 máy gặt đập liên hợp. Trong giai đoạn 2012-2015, Trung tâm thực hiện Đề án Cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch, hỗ trợ nông dân với 125 máy làm đất GL91 15HP, 2 máy làm đất 24HP và 28 máy gặt đập liên hợp Bilang. Những mô hình và đề án thành công đã tạo nền tảng vững chắc để Bắc Giang mở rộng cơ giới hóa trong nông nghiệp. Nông dân ngày càng mạnh dạn đầu tư máy móc, thuê máy thực hiện các khâu trong sản xuất lúa và hình thành các tổ dịch vụ làm đất, gặt bằng máy gặt đập liên hợp. Trong giai đoạn vừa qua, Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức nhiều các lớp tập huấn, đào tạo, các cuộc hội thảo, phổ biến chính sách hỗ trợ cơ giới hóa, Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp, tổ chức các cuộc tham quan, kết nối nông dân với doanh nghiệp (Công ty Kubota Việt nam), các cơ sở dịch vụ cơ giới hóa với doanh nghiệp… Các chương trình khuyến nông đã góp phần đẩy mạnh việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang.

Hương Giang

Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang