Theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, ông Mến dùng thuốc Gramoxone20SL phun với liều lượng 200ml/sào (1 sào BB= 360m2) để xử lý gốc rạ, cỏ dại tạo điều kiện để gieo cấy lúa mà không phải cày bừa. Quá trình phun thuốc được thực hiện sau khi thu hoạch lúa xuân từ 5- 8 ngày và trước khi gieo hạt từ 2- 3 ngày để diệt trừ lúa chét còn sót lại và làm cho gốc rạ phân huỷ nhanh. Đây là điểm khác biệt duy nhất trong quá trình canh tác của mô hình cấy lúa không làm đất so với phương pháp làm đất truyền thống. Việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh giống như phương pháp truyền thống.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Mến cho biết: “Những năm trước, gia đình tôi làm đất theo phương pháp truyền thống, cây lúa thường hay có hiện tượng nghẹt rễ, sinh trưởng phát triển chậm, do khi cấy gốc rạ chưa được phân huỷ hết. Vụ này, gia đình tôi thử nghiệm phương pháp cấy lúa không làm đất, kết quả theo dõi cho thấy cây lúa phát triển nhanh, cây cao và đẻ nhánh khỏe, thời gian trỗ bông sớm hơn 3- 5 ngày. Đến giờ thu hoạch tôi rất phấn khởi năng suất của gia đình tôi đạt 2,2 tạ/sào, trong khi đó ở những ruộng làm đất theo phương pháp truyền thống cùng loại giống, trong cùng điều kiện chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh năng suất chỉ đạt 1,8- 2 tạ/sào. Phương pháp gieo cấy lúa không làm đất tiết kiệm được 60.000 đồng/sào cho công làm đất, rút ngắn được thời vụ từ 6- 7 ngày”.

 

Ông Nguyễn Văn Quyện - Phó trưởng Trạm Khuyến nông Gia Bình cho biết: “Mô hình gieo cấy lúa không làm đất tuy mới triển khai thử nghiệm ở vụ mùa, với quy mô nhỏ xong bước đầu nhận thấy có ưu điểm về năng suất, nhất là giải quyết được tình trạng thiếu lao động trong khâu làm đất dẫn đến chậm thời vụ. Từ những hiệu quả bước đầu của mô hình trong thời gian tới Trạm Khuyến nông Gia Bình tiếp tục cho triển khai mô hình để có được những kết luận và đánh giá chính xác hơn nữa về phương pháp này”.

 

Qua đó cũng thấy được phương pháp gieo cấy lúa không làm đất có nhiều ưu điểm, tạo hướng thâm canh mới cho người dân, nhất là khi áp dụng rộng có thể tăng được diện tích trà mùa sớm và rút ngắn thời gian đưa cây mạ xuống ruộng do không mất thời gian làm đất, rất phù hợp cho việc chuyển từ vụ xuân sang vụ mùa để đẩy nhanh thời vụ, giúp nông dân có thể mở rộng diện tích cây vụ đông sớm./.

 

Nguyễn Thị Hồng - TTKNKN Bắc Ninh