Ngày 23/11/2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông phối hợp với chính quyền huyện Krông Nô và Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên tổ chức hội thảo tham quan đầu bờ mô hình nhằm đánh giá kết quả, hiệu quả của 2 năm thực hiện. Đồng thời, giúp cho các đại biểu và người dân có cái nhìn mới về mô hình theo hướng hữu cơ, chuyển giao các tiến bộ khoa học trong sản xuất cà phê, từng bước thay đổi tập quán canh tác từ phương thức cũ sang canh tác theo hướng hữu cơ bền vững, nâng cao chất lượng, tăng hiệu quả trên cùng 1 đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người sản xuất, góp phần thúc đẩy sản xuất theo hướng an toàn, có trách nhiệm với con người và cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới.
|
|
Các đại biểu trao đổi kinh nghiệm canh tác cà phê hữu cơ |
Tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Văn Anh đại diện cho 10 hộ tham gia mô hình cho biết: Trước khi tham gia đình ông sản xuất cà phê nhân xô bình thường như bao nhiêu hộ khác trong vùng. Khi được sự trao đổi, giải thích tận tình của các cán bộ khuyến nông và đặc biệt mô hình có liên kết tiêu thụ sản phẩm nên gia đình ông mạnh dạn tham gia. Các hộ tham gia mô hình đều được tập huấn về kỹ thuật sản xuất cà phê vối theo hướng hữu cơ. Hằng tháng cán bộ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây nguyên thường xuyên thăm, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, chế, bảo quản để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng nhất.
Để mô hình phát triển bền vững, dự án đã hỗ trợ thành lập tổ hợp tác sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ Nâm Nung với sự tham gia của 40 thành viên. Theo đó, các hộ cùng nhau áp dụng kỹ thuật sản xuất, từ đó tạo được sản lượng đủ lớn, vùng nguyên liệu cà phê để đáp ứng với nhu cầu thị trường, đồng thời tổ hợp tác cũng đã liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp Thành Thái tiêu thụ sản phẩm cà phê của tổ làm ra.
Tại hội thảo, các hộ tham gia mô hình cho biết, áp dụng quy trình canh tác hữu cơ làm cho đất khỏe: sử dụng phân bón hữu cơ giúp tăng độ phì nhiêu, tơi xốp, các loại vi sinh vật trong đất phát triển mạnh; quản lý cỏ dại bằng cách phát bằng máy, tạo cho đất thảm cỏ để hạn chế xói mòn, chống nóng trong mùa nắng, đồng thời cỏ sau khi phát cũng trả lại cho đất lượng hữu cơ nhất định. Điều đáng mừng nữa là các hộ xung quanh đã học hỏi và áp dụng theo, nhất là trong khâu quản lý cỏ dại, chỉ sử dụng máy phát cỏ thay cho việc phun thuốc.
Về năng suất khi làm cà phê hữu cơ, năng suất có giảm hơn so với cách làm cà phê theo kiểu thông thường từ 5 đến 7 tạ/ha, nhưng sau khi tính toán thì lợi nhuận từ mô hình hữu cơ cao hơn 15% so với cách làm thông thường vì giá bán cà phê quả chín cao hơn từ 1.000 đồng/kg, bán cà phê nhân cao hơn 30%. Mô hình cũng đã liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp Thành Thái thu mua toàn bộ sản phẩm cà phê nên bà con rất yên tâm.
Chủ nhiệm dự án cho biết, mô hình đã triển khai đúng tiến độ, đáp ứng tốt các yêu cầu kỹ thuật và đặc biệt người dân đã bắt kịp và quen với cách thức sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ. Ông chia sẻ thêm, mô hình triển khai là bước đệm, khâu tiền đề để cho các hộ nông dân trồng cà phê có cái nhìn tổng quan hơn về cách làm hữu cơ và cũng là điểm để tham quan học tập nhân rộng mô hình.
Thông qua buổi hội thảo người dân đã ý thức được việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới nhằm nâng cao chất lượng nông sản nâng cao, tăng thu nhập cho người trồng cà phê. Bên cạnh đó canh tác cà phê theo hướng hữu cơ đã làm giảm lượng sử dụng phân bón vô cơ cũng như hóa chất thuốc BVTV, từ đó làm cho đất khỏe, cây sinh trưởng phát triển tốt, góp phần bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên, tăng chất lượng sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm cà phê trên thị trường thế giới.
Phạm Tấn Minh
Trung tâm khuyến nông tỉnh Đắk Nông