Mục tiêu của hội thảo là nhằm đánh giá nhân rộng mô hình để người dân có cơ hội trực tiếp trao đổi chia sẻ với người dân thực hiện mô hình và doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Tham dự Hội thảo có đại biểu là lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Đắk Nông, các phòng, ban đơn vị trực thuộc (Chi cục Phát triển Nông nghiệp, Chi cục Phát triển nông thôn, Văn phòng Sở); một số Doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm và Công ty cổ phần chứng nhận và kiểm nghiệm FAO; Đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ KTNN huyện Đắk Glong và Đắk Song; 100 nông dân các xã: Đắk Ha, Quảng Sơn (thuộc huyện Đắk Glong), Thuận Hà, Thuận Hành (thuộc huyện Đắk Song).
Trong bài phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, đồng chí Ngô Xuân Đông – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết tỉnh Đắk Nông với thế mạnh về phát triển nông nghiệp với diện tích tự nhiên là 651.562 ha, chiếm 1,97% diện tích cả nước, trong đó diện tích đất nông nghiệp 592.997 ha, chiếm 91,01% tổng diện tích tự nhiên. Theo số liệu thống kê hết năm 2023: tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm là 82.987 ha, trong đó rau, đậu các loại là 8.274 ha và sản lượng đạt 128.129 tấn/năm.
Với xu thế hội nhập như hiện nay, để ổn định về giá sản phẩm nông nghiệp cũng như ổn định thu nhập từ cây rau, thì sản phẩm rau sạch phải đạt chất lượng và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản xuất rau an toàn theo chuẩn VietGAP là điều kiện bắt buộc nếu muốn sản phẩm tồn tại trên thị trường. Rau sạch VietGAP là cách tạo sự uy tín cho nhà sản xuất cũng như đem lại sức khỏe đảm bảo cho người dùng. Trước những yêu cầu về nhu cầu tiêu thụ rau an toàn ngày càng tăng về số lượng và đòi hỏi nghiệm ngặt về chất lượng rau. Sản xuất rau an toàn không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, là tất yếu của sản xuất nông nghiệp hiện nay mà còn nâng cao tính cạnh tranh của nông sản hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ, khuyến khích sản xuất phát triển. Mặt khác giúp liên kết giữa các nông hộ, tổ hợp tác và hợp tác xã với nhau và liên kết với các đơn vị quản lí nhà nước, doanh nghiệp thu mua tiêu thụ sản phẩm, đơn vị chế biến một cách chặt chẽ, bền vững để phát triển thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến.
Sau hơn 02 năm triển khai thực hiện, dự án mang lại kết quả rất khả quan. Về hiệu quả kinh tế tăng hơn 30% so với mô hình đối chứng, toàn bộ diện tích thực hiện được cấp giấy chứng nhận VietGAP và doanh nghiệp liên kết tiêu thụ 100% sản phẩm của dự án. Năng suất trung bình của cà rốt là 35,5 tấn/ha; cải bắp 35 tấn/ha. Dự án đã cung ứng 710 tấn cà rốt/20ha; 420 tấn bắp cải/1 2ha cho doanh nghiệp thu mua.
Tại hội thảo cũng có nhiều ý kiến, kiến nghị của người dân trong vấn đề liên kết tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, chứng nhận VietGAP,... và đã được các cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở, doanh nghiệp giải đáp thỏa đáng.
Từ những kết quả đạt được, dự án đã góp phần hình thành và phát triển vùng nguyên liệu rau an toàn tại Đắk Nông, tạo ra chuỗi cung ứng rau an toàn cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Nguyễn Thị Thảo
Trung tâm KN và GNLN Đắk Nông