Quy mô mô hình là 185 đàn, giống ong nội. Số hộ thực hiện mô hình: 10 hộ tham gia. Thời gian triển khai 10 tháng (từ tháng 08/2023 – 05/2024).

Qua thời gian chăm sóc cho thấy đàn ong giống được chăm sóc, nuôi dưỡng theo đúng quy trình kỹ thuật nên sinh trưởng, phát triển tốt, khỏe mạnh. Do đó các hộ khai thác mật cho năng suất cao và khả năng nhân đàn tốt. Tuy nhiên do thời tiết khắc nghiệt, lượng mưa ít, hoa khan hiếm làm giảm năng suất mật so với dự kiến. Trong quá trình triển khai, quanh khu vực tổ dân phố 2 - phường Noong Bua có hộ dân ngoài mô hình chăn nuôi ong ngoại đưa về khu vực địa phương dẫn đến tình trạng ong của mô hình bị tấn công. Tuy nhiên các hộ đã phát hiện sớm và nhận được sự tư vấn chỉ đạo của cán bộ kỹ thuật đã can thiệp kịp thời nên rủi ro trên tổng đàn không đáng kể. Tổng số đàn bị phá là 06 đàn; số đàn nhân lên là 66 đàn. Nhìn chung đến nay đàn ong phát triển khỏe mạnh nhân đàn và cho sản lượng mật theo yêu cầu đề ra.

Bà Đặng Thị Lộc - cán bộ Trung tâm Khuyến nông - giống cây trồng vật nuôi tỉnh Điện Biên cho biết: Nghề nuôi ong mật không đòi hỏi nhiều nhân công, ít rủi ro và giá thành ổn định, tận dụng được tiềm năng, lợi thế sẵn có của khu vực. Sau 1 vụ ong mật, số mật ong thu được đạt 1.539,4 lít; số lượng đàn ong nhân lên đạt 66 đàn ; Tổng số tiền lãi của các hộ ước đạt 53.890.000 đồng, bình quân mỗi hộ lãi 5.389.000 đồng/hộ.

leftcenterrightdel
Các hộ dân thường xuyên kiểm tra đàn ong mô hình 

Để nuôi ong đạt hiệu quả cao, bà con lưu ý về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng con giống; vị trí đặt thùng ong xa khu vực ô nhiễm môi trường, gần nơi có nguồn mật hoa…; vị trí đảm bảo vệ sinh và thuận lợi nhất để ong phát triển; ngoài thức ăn tự nhiên là chính, khi trong tự nhiên thức ăn khan hiếm các hộ cho ăn thêm đường kính không có kháng sinh và chất bảo quản, nguồn nước sạch đảm bảo vệ sinh; định kỳ kiểm tra phát hiện và xử lý bệnh kịp thời; chăm sóc nuôi dưỡng theo đúng quy trình kỹ thuật cũng như cán bộ chỉ đạo hướng dẫn.

Mô hình tạo cơ hội cho người dân được tiếp cận với kỹ thuật mới về nghề nuôi ong mật; kiểm soát được dịch bệnh trên đàn ong, tuyên truyền giúp người dân trên địa bàn chấp hành và áp dụng các biện pháp để chăn nuôi an toàn; giải quyết được tình trạng thiếu mật ong chất lượng cao hiện nay, tạo công ăn việc làm cho người dân, tăng thu nhập.

Mô hình thành công giúp người dân xóa bỏ được tập quán nuôi ong tự phát, giảm được tình hình lây lan dịch bệnh, giúp nâng cao chất lượng mật ong, đồng thời tạo điều kiện nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp đặc biệt là ngành trồng trọt do được đàn ong thụ phấn cho hoa; hạn chế việc khai thác khoáng sản, khai thác rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái.

Đây là mô hình phù hợp với nhu cầu của người dân, được chính quyền các cấp ủng hộ. Ngoài những hộ tham gia mô hình, các hộ ngoài mô hình cũng học tập và áp dụng làm theo thông qua cuộc hội thảo, tham quan. Từ kết quả mô hình, các hộ thực hiện mô hình mong muốn tiếp tục duy trì và mở rộng mô hình trong các năm tiếp theo. Từ 185 đàn ong giống của mô hình sau khi bị bốc bay 6 đàn thì số đàn hiện nay đã nhân lên được 66 đàn, tổng đàn ong hiện tại là 245 đàn.

Hoàng Khắc Tân

Trung tâm Khuyến nông GCTVN Điện Biên