Tham dự hội nghị có đại diện ngành Nông nghiệp tỉnh, huyện, xã; đại diện UBND xã Tân Mỹ và các thành viên Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất; các công ty phối hợp thực hiện dự án như: TNHH Thương mại Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng, TNHH Bayer Việt Nam, Cổ phần phân Bón Bình Điền; Công ty Rize Việt Nam…

 

Năm 2025, Trung tâm tiếp tục phối hợp triển khai Dự án tại xã Tân Mỹ huyện Thanh Bình với quy mô 50 ha. Hộ tham gia dự án sẽ được hỗ trợ 50% vật tư (gồm giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công sạ cụm, công thu gom rơm ra khỏi đồng ruộng) từ nguồn kinh phí Khuyến nông Trung ương, 50% còn lại do người dân đối ứng.

 

Tiêu chuẩn, chất lượng giống sử dụng trong mô hình là giống lúa chất lượng cao OM18, OM5451, Đài thơm 8, ST25, Jasmine 85, ST24, DS1, RVT, Hương Châu 6, Nàng Hoa 9,... cấp xác nhận, nằm trong bộ giống được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho phép sản xuất. Các loại vật tư bao gồm giống lúa, phân bón, thuốc BVTV, phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm xử lý rơm rạ,… được phép sử dụng ở Việt Nam. Quy trình kỹ thuật áp dụng theo Quyết định số 102/QĐ-TT-VPPN ngày 14/03/2023 của Cục Trồng trọt về việc công nhận tiến bộ kỹ thuật lĩnh vực trồng trọt về Quy trình canh tác lúa tổng hợp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL.

 

Mục tiêu của mô hình là sản xuất 50ha với năng suất bình quân >6,2 tấn/ha, được cấp mã số vùng trồng, chi phí đầu vào giảm tối thiểu 15% (giống, phân bón, thuốc BVTV, công lao động) so với đại trà. Hiệu quả kinh tế tăng 15% so với sản xuất đại trà và nhân rộng mô hình tăng 30% tại địa phương.

 

Trung tâm sẽ phối hợp với địa phương chọn, thẩm định hộ đủ điều kiện tham gia mô hình để thực hiện vụ Hè thu 2025.

 

Trước đó, tại Hợp tác xã Thống Nhất, xã Tân Mỹ, Thanh Bình, Trung tâm tổ chức Hội nghị sơ kết mô hình canh tác lúa giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên lúa gạo xuất khẩu của ĐBSCL vụ Đông Xuân 2024 -  2025 với kết quả đạt được như sau: Dự án là sử dụng giống lúa Đài thơm 8 cấp xác nhận có chất lượng tốt, phù hợp cơ cấu giống tại địa phương và nhu cầu xuất khẩu, lượng giống gieo sạ 70 kg/ha; Kết hợp phương pháp sạ cụm với vùi phân để tăng hiệu quả sử dụng phân bón, đồng thời các loại phân bón chuyên dùng và phân hữu cơ được sử dụng trên lúa theo công thức phân bón của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền; Áp dụng đồng bộ kỹ thuật sản xuất 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm và biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM để giảm sử dụng thuốc BVTV; Quản lý dịch hại theo quy trình canh tác lúa thông minh thích ứng BĐKH vào trong sản xuất lúa; Thực hiện kỹ thuật tưới nước ngập - khô xen kẽ (AWD) để tiết kiệm nước, giảm phát thải, thu gom rơm ra khỏi đồng ruộng và các giải pháp cơ giới hóa đồng bộ khác.

 

Kết quả mô hình: Năng suất đạt 6,82 tấn/ha, giá bán 6.600 đồng/kg, lợi nhuận đạt 20,884 triệu đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình 3,094 triệu đồng/ha, cao hơn 17,39% so với sản xuất đại trà. Về môi trường mô hình đã giảm được lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thu gom rơm ra khỏi đồng ruộng tránh làm phát thải khí nhà kính.

leftcenterrightdel

Các đại biểu tham quan ruộng trong mô hình của dự án tại HTX Thống Nhất

 

Việc thực hiện dự án giúp nông dân trồng lúa tiếp cận nhiều hơn các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới mới trong sản xuất lúa, định hướng được thị trường trong thời gian tới để tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, đảm bảo sức khoẻ cho người sản xuất và người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu, góp phần vào việc nâng cao nhận thức của nông dân và trách nhiệm của người sản xuất, từ đó sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh trong việc sản xuất, tiêu thụ nhằm chuyển đổi ngành lúa gạo sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL./.

Trí Tuệ

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Đồng Tháp