Mô hình được thực hiện tại thôn 3, xã Nhị Hà là vùng sản xuất lúa hưởng lợi từ nguồn nước hồ Tân Giang, khu ruộng bậc thang, chất đất pha cát, gần đồi núi, có nhiều chim và chuột nên khi gieo sạ bị hao hụt lúa giống rất nhiều. Vì những điều kiện khách quan đấy mà việc thay đổi nhận thức của bà con nơi đây gặp không ít khó khăn. Với mô hình “1 phải 5 giảm” là mô hình đã được cán bộ khuyến nông, cán bộ chi cục bảo vệ thực vật, cũng như các ngành nông nghiệp trên địa bàn triển khai rất nhiều nhưng hiệu quả tác tác chưa sâu mạnh.

Nhằm phổ biến kiến thức về sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và nâng cao trình độ nhận thức sản xuất lúa cho nông dân nhằm nhân rộng mô hình trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận phối hợp với Công ty Cổ phần đầu tư Greenstars thực hiện mô hình vụ Hè thu, tại ruộng anh Tuấn, với quy mô 5.000 m2 (5 sào), giống lúa thực hiện là Đài thơm 8 xác nhận, lượng giống gieo sạ 12 kg/sào, lượng giống giảm đến 60% so với trước đó, sử dụng phân bón hữu cơ sinh học Green Stars kết hợp phân bón lá và phân hóa học trong thâm canh cây lúa.

Qua quá trình theo dõi khảo nghiệm cho thấy: Ruộng mô hình (RMH) giống lúa Đài thơm 8 xác nhận, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh có giá thành cao hơn ruộng đối chứng (RĐC). Thế nhưng, RMH lượng giống giảm kéo theo lượng phân bón và thuốc BVTV cũng giảm. Cùng với đó, việc sử dụng giống lúa Đài thơm 8 xác nhận là một trong những giống lúa cho chất lượng gạo ngon hơn nên giá bán cao hơn so với các giống truyền thống của RĐC (giống TH6, TH41). Mặc khác, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, sử dụng thuốc sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại đã giảm lượng phân bón hóa học nên ít độc hại môi trường đất, thân thiện môi trường, gạo thu được đảm bảo an toàn và chất lượng, phù hợp với định hướng phát triển của ngành nông nghiệp hiện nay.

Kết quả năng suất RMH ước đạt 8,3 tạ/ha, cao hơn RĐC 1,3 tạ/ha với giá bán như nhau (7.500 đồng/kg), người nông dân thu lãi 40.585.000 đồng/ha, tăng 975.000 đồng/ha so với canh tác theo phương pháp thông thường. Mặc dù, do yếu tố thời tiết vụ hè thu thời tiết khá phức tạp cả RMH và RĐC có xuất hiện sâu ống; những ngày gần thu hoạch có xuất hiện mưa to nhưng RMH vẫn không bị tình trạng lúa bị đỗ ngã, lá đòng vẫn xanh, đứng.

Anh Tuấn - người tham gia mô hình là một người được địa phương nhận xét khá cổ hủ, lối sản xuất truyền thống ăn sâu. Thời gian thực hiện mô hình khi bắt đầu gieo sạ, thấy RĐC có màu xanh mướt, chân ruộng dày ít cỏ dại nên cũng có phần nản chí. Thế nhưng, cán bộ khuyến nông bám sát mô hình hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật và kết quả cuối cùng đã làm anh Tuấn thay đổi nhận thức.

Anh Tuấn chia sẻ, vụ Đông Xuân tới sẽ tiếp tục thực hiện mô hình và chỉ sử dụng 8 kg lúa gieo sạ thôi. Điều đó đã cho thấy một tín hiệu vui để tuyên truyền sâu rộng đến nhận thức của bà con nơi đây.

leftcenterrightdel
Kiểm tra cây lúa trong ruộng mô hình 

Mô hình trình diễn sản xuất lúa hữu cơ áp dụng 1 phải 5 giảm tại thôn 3, xã Nhị Hà nói riêng và người trong tỉnh có điều kiện tham quan, học tập kinh nghiệm… từng bước thay đổi nhận thức của người dân, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào thực tế sản xuất, giúp mô hình được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là các xã có điều kiện tự nhiên khó khăn./.

Cơ Nguyên

Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận