Mô hình được thực hiện trên diện tích 108 ha trồng ở các xã Yên Sơn, Hương Cần, Cự Thắng, Thục Luyện (huyện Thanh Sơn) và xã Ngọc Đồng (huyện Yên Lập). Đây là mô hình cây keo lai tuyển chọn, được trồng từ hạt trong thời gian 8 năm với sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông và chính quyền sở tại.

 

Theo đánh giá của lãnh đạo các xã Hương Cần, Cự Thắng, Ngọc Đồng, hiện nay, keo mọc đều và sinh trưởng, phát triển rất tốt, đường kính bình quân 7 - 8cm, chiều cao đạt 6 - 8m, đặc biệt là giống cây keo lai này rất phù hợp với điều kiện tự nhiên ở Phú Thọ. Theo ước tính, sau 8 năm trồng keo lai thu được khoảng trên 120m3/ha, cao hơn khoảng 30 - 35m3/ha so với keo trồng theo phương pháp trước đây.

 

Keo là cây trồng chính làm gỗ nguyên liệu cho ngành công nghiệp giấy, bóc làm ván ép và gỗ thanh xuất khẩu, sau chu kỳ kinh doanh 8 năm nếu không khai thác hết có thể kéo dài thời gian kinh doanh từ 14 - 15 năm trở đi thì làm gỗ xẻ dùng trong xây dựng nhà cửa và đóng đồ gia dụng rất tốt. Ngoài những lợi ích kinh tế thì keo còn được trồng hỗn giao với những cây trồng khác để cải thiện độ phì cho đất, nhờ có bộ rễ có định đạm và sau mỗi năm sinh trưởng rừng keo lại thay lá để lại cho mặt đất lớp thảm mục làm nguồn dinh dưỡng và dự trữ nước cho đất.

 

TVT